UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thông tin - kiến thức về mai táng - tang lễ > Danh sách nghĩa trang

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 19-10-2012, 03:11 PM
lengo_ltd lengo_ltd đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 27
Mặc định Miếu thờ thần hổ

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com


dencay1:nhang01:dencay1

Nam bộ là vùng đất mới khai phá, nơi các tiền nhân từ buổi đầu không chỉ đối mặt với rừng rậm hoang vu mà còn đối mặt với nhiều thú dữ. Trong các loại thú dữ ở xứ sở này thì cọp trên bờ và sấu dưới sông là hai con vật nguy hiểm nhất đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
Ở Nam bộ, vào thế kỷ XVII, XVIII cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long...
Tác giả sách Gia Định thành thông chí đã thốt lên rằng: “Xứ này nhiều cá sấu và cọp dữ”. Cọp không chỉ ở tận rừng sâu mà nó còn lảng vảng quanh làng làm cho ai cũng khiếp sợ.
Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Dần dần các thú mồi của cọp tìm cách lẩn tránh, tản sang các địa bàn khác sinh sống. Thức ăn của cọp ngày càng trở nên khan hiếm vì lẽ đó, cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để tìm người ăn thịt. Ở Nam bộ ngày nay còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp, như: đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang)... Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết thêm: “Vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường về Chợ Lớn, gây kinh hoàng cho dân chúng”.
Chính vì quá khiếp sợ nên ai cũng tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong người ta lại lập miếu thờ. Điều này cho ta thấy sự phức tạp trong tâm lý của các lưu dân và đồng thời cũng cho ta thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp. Nếu từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữa con người và tự nhiên, nói riêng ở đây là giữa người và cọp, còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiên phong một mặt sợ cọp và mặt khác, phải diệt cọp để làm chủ vùng đất mới. Sự phức tạp trong tâm thức của họ do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc chưa đủ khả năng thực tế để thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ sơn quân chi thần, thờ Chúa xứ sơn lâm, thờ Thần Hổ và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy “mô típ “Ông Cả Cọp” là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng “lề luật giang hồ”: chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng chúng tôi biết “rừng nào cọp ấy” nên không dám “xưng hùng xưng bá”. Chúng tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi”.1
“Vào những năm cuối thế kỷ XIX, công cuộc khai hoang lập ấp tại làng Hòa Tú, Sóc Trăng coi như đã hoàn tất, người dân nơi đây mới dựng chùa, lập miễu thờ Thành Hoàng ở giữa làng, hương khói quanh năm với niềm tin thần thánh sẽ phù hộ, độ trì cho dân làng được an cư lạc nghiệp. Việc cai quản và giữ gìn an ninh trật tự trong làng là trách nhiệm của Ban hội tề gồm mười hai vị hương chức, đứng đầu là chức Hương Cả. Hồi ấy, Hương Cả thường là người cao niên, học cao hiểu rộng, có uy tín với bà con trong làng.(...) ông Hương Cả đầu tiên của làng chỉ tại chức được vài ba tháng thì trong nhà xảy ra nhiều tai họa, hết vợ yếu con đau đến họ mạc mâu thuẫn, xích mích với nhau. Cuối cùng, bản thân ông lâm bệnh rồi chết. Điều lạ lùng là người kế vị chức Hương Cả cũng chỉ tại chức trong thời gian ngắn rồi lâm nạn và qua đời. Ông Hương Cả thứ ba được cử lên thay thế cũng không tránh khỏi số phận vị tiền nhiệm. Cảnh tai ương gây chết chóc cho các vị Hương Cả khiến cho mọi người lo lắng, bàn tán và nếu có một ai đó được đề cử giữ chức Hương Cả, họ đều sợ hãi khước từ. Chính vì vậy, Ban hội tề trong làng suốt ba năm liền không có người đứng đầu.
Ngày trước, vùng đất hoang dã này có nhiều cọp sinh sống, khi dân làng đến khai khẩn, chúng bỏ vào sống trong khu rừng sâu, chỉ còn lại con cọp ba chân sống quanh quẩn ở bìa rừng, không hại người nên người cũng không săn đuổi nó. Sau nhiều lần bàn bạc thảo luận, các vị lão làng quyết định cử... ông cọp ba chân vào chức Hương Cả! (...) Thế là một ngôi miếu nhỏ trang hoàng theo hình thức tôn thờ vị thần nhỏ được dựng lên phía sau miếu Thành Hoàng. Nhân lễ cầu an trong làng, Ban hội tề làm lễ khánh thành ngôi miếu ông Hổ đồng thời tổ chức lễ “tấn phong” ông Hổ lên chức Hương Cả. (...) Trong nhiều năm liền, từ ngày ông Hổ về nhận chức Hương cả, mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân làng ngày càng khấm khá lên khiến cho Ban hội tề và tất cả dân làng đều đặt niềm tin vào sự linh thiêng của ông Cả Hổ”.2
Một truyền thuyết khác cũng không kém phần hấp dẫn cũng được giữ lại đến ngày nay:
“Ở Bến Tre, từ khi lập làng - theo tục truyền, hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Cả thì liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm Hương Cả. Hàng năm, làng đều phải làm lễ cử “Cả Cọp”, cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới. Về sau, sáu bảy năm liền, cọp không về, có một người tên Non mới dám nhận chức Hương Cả trở lại”.3
Phải chăng vì thế ở Nam bộ, không ai gọi con đầu lòng là anh Cả, mà thay vào đó gọi là anh Hai, vì sợ đụng chạm đến ông “Cả Cọp”.
Khi xưa, người dân có tục gọi cọp là “ông” và để tránh danh “cọp”, người ta gọi là “ông Ba Mươi”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn là “ông Ba Mươi” sẽ trấn giữ không cho những thứ nhiễm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn bảo nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén ăn trộm hình vẽ chúa sơn lâm để trong gối ngủ của đứa bé thì đứa bé sẽ hết khóc.
Các đình làng ở Nam bộ phần lớn đều có miễu thờ thần hổ, ở về phía trái sân đình, với tước “Sơn Lâm chúa tể”. Tuy cọp được tôn sùng như thế, nhưng người dân vẫn săn bắt, đánh giết cọp, vì chúng đe dọa mạng sống của con người và để mở rộng địa bàn khẩn hoang.
Ở Nam bộ, còn rất nhiều câu chuyện về những người giỏi võ nghệ giết sấu, đánh cọp, trị rắn... Có thể kể: đó là Bảy Giao, Chín Quỳ, ông Yến, ông Tăng Chủ... đó là những người bình thường nhưng giàu nghị lực và có lòng quả cảm quyết hy sinh thân mình để bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng. Chuyện “Ông Tăng Chủ trị cọp” là một điển hình.
“Ngày xưa, quãng đường từ Châu Đốc đến núi Sam còn là rừng rậm hoang vu, hiểm trở. Cọp, beo trong đó rất nhiều. Lúc bấy giờ có một số người đến đây phá rừng làm ruộng. Ban ngày, làm gì cũng phải có đông người, không ai dám đi riêng lẻ một mình, nhứt là qua nơi cây cối rập rạp. Ban đêm phải ngủ trên chòi gác cao, cửa nẻo phải đóng kín. Dù vậy, vẫn có nhiều người bị cọp vồ, mất xác.
Trong số người tới khẩn hoang có ông Tăng, tên thật là Bùi Văn Thân. Người trong vùng gọi ông là ông Tăng Chủ vì ông là một đồ đệ của Phật thầy ở Tây An, với đạo hiệu là Bùi thiền, Tăng Chủ.
Ông Tăng là người giỏi võ nghệ, thân vóc cao lớn, miệng rộng tay dài, cánh tay buông xuống dài tới đầu gối, chân tay lông mọc dày kín, tiếng nói sang sảng như sấm, tâm tánh thì hồn nhiên quả quyết.
Một lần nọ, cọp về xóm vào lúc chập tối, mọi người rút lên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thông trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ mờ, cọp lao tới phủ lên mình ông. Ông lẹ làng rùn xuống, một tay dựng đứng mác thông lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng với ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thông nó liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất đà chao mình trên lưng chừng, ông đấm lẹ vào hông nó một cú đấm thôi sơn rồi thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đòn trời giáng. Cọp rống lên một tiếng vang trời rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới lôi nó dậy, miệng lẩm bẩm:
- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng đừng có đến đây nữa mà mất mạng!
Cọp gằm mặt xuống đất, kéo lết cái chân què đi vào rừng, và từ đó không dám bén mảng tới xóm nữa. Có người hỏi ông:
- Tại sao ông lại dưỡng hổ di họa, giết phứt nó đi cho mọi người nhẹ lo.
- Tôi không muốn sát sanh mà chỉ muốn dùng tâm để phục, cảm hóa bọn thú dữ thôi.
Từ đấy về sau, dân trong vùng không phải chỉ thấy một lần ông làm như thế mà rất nhiều lần khi thì giữa rừng sâu, khi thì ngay bìa rừng, ông đều đánh cho những con cọp mà ông gặp mấy đòn rồi tha cho chúng. Do vậy, lũ cọp không dám hoành hành như trước.
Từ đấy về sau, người dân trong vùng đồn rằng ông là chúa tể của chúa sơn lâm ở vùng này.
Một hôm, ông từ ngoài ruộng về, gần tới nhà thì trời tối, ông thấy một con cọp bạch đứng trước cửa. Nhìn kỹ, ông thấy mình mẩy nó ốm nhom. Cọp há miệng ra ngước mắt nhìn ông như cầu khẩn. Ông hỏi:
- Làm gì mà bạch hổ đứng đây? À... chắc là bị mắc xương hả. Sao không đến đây sớm để đến nỗi ốm quá vậy. Thôi nếu quả mắc xương thì ngay cổ ra.
Cọp bạch gật đầu, ông bảo nó cúi xuống rồi co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một miếng xương lớn.
Vài bữa sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng mà nó vừa vật chết để đền ơn cứu mạng.
Về sau, khi ông Tăng Chủ qua đời, người dân trong vùng xây mộ cho ông và lập miếu bạch hổ ở gần chùa Thới Sơn để nhớ ơn một vị ân nhân của làng”4.
Người Việt dù ở miền Bắc hay miền Trung khi vào Nam bộ khai phá đều mang theo những tín ngưỡng thờ thần, thờ tổ tiên... truyền thống. Khi đặt chân đến vùng đất mới, trước những lạ lẫm của cảnh sắc, trước những ghê sợ của thú rừng những lưu dân không thể không tôn sùng những lực cản mới, hầu mong tìm sự cân bằng trong đời sống tâm linh. Đó là lý do xuất hiện rất nhiều đình miếu thờ cọp, vẽ hình cọp trên tấm bình phong, đắp tượng hổ để thờ... Đặc biệt, nhiều nơi, trong ngày lễ cúng đình, ngoài việc cúng tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ... người ta còn tổ chức nghi lễ riêng cúng tế ông Hổ gọi là tế Sơn quân.
Trả lời với trích dẫn


  #2  
Cũ 19-10-2012, 03:11 PM
vungtau vungtau đang online
Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 33
Mặc định

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Lễ “Bầu Ông” và tục thờ Bạch hổ ở đình Bình Thọ

Giác Ngộ - Cứ vào ký ức, tôi trực chỉ đến miếu thờ Bạch Hổ ở bến Phú Định. Miếu thờ cọp thì có đó, lệ cúng hàng năm vẫn còn nhưng tục Bầu Ông dân bổn xứ bảo "Không nghe ông bà nói!". Miếu thờ Ông Hổ ở xã Nhơn Đức (Nhà Bè) tìm suốt một ngày không ra. Chắc là được... giải toả đền bù rồi. Miếu thờ Ông Hổ Tăng Nhơn Phú, có lễ cúng mà không có tục Bầu Ông.


1. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong những chuyến điền dã ở các tỉnh Nam Bộ, tôi được bô lão nhiều nơi kể về cổ tục Bầu Ông Cọp làm Hương cả của làng và theo đó, từ thời khai hoang đến tận cuối thế kỷ XIX, các làng ấy không ai dám đứng ra nhận chức Hương cả, bởi theo sự xác tín rằng kẻ nào cả gan như vậy tức thì bị cọp ăn thịt ngay! Tập tục này tôi ghi lại trong một số bài viết, đặc biệt là trong sách viết về đình ở Nam Bộ, xuất bản đã mười mấy năm nay. Thế rồi, khi tết Canh Dần sắp đến, thế nhân lại quan tâm về cọp và có người bán tín bán nghi hỏi tôi rằng: Tập tục Bầu Ông có thật hay không? Đáp: Có. Hỏi: Ở đâu? Chỉ cho tôi một chỗ đi! Thế là phải lục đống sổ tay điền dã, cái thứ sổ ghi chép đủ thứ tai nghe, mắt thấy ấy giờ kiếm cái cần tìm thì chúng trốn mất tăm. Ngồi giở từng trang thì có đến Tết mới rồi, nên không còn cách nào hơn là "đi giang hồ" một chuyến theo chỉ dẫn của ký ức và theo lối "đường đi ở miệng" của truyền thống nghề nghiệp.

Đàn thờ Bạch hổ, đình Bình Thọ

Cứ vào ký ức, tôi trực chỉ đến miếu thờ Bạch Hổ ở bến Phú Định. Miếu thờ cọp thì có đó, lệ cúng hàng năm vẫn còn nhưng tục Bầu Ông dân bổn xứ bảo "Không nghe ông bà nói!". Miếu thờ Ông Hổ ở xã Nhơn Đức (Nhà Bè) tìm suốt một ngày không ra. Chắc là được... giải toả đền bù rồi. Miếu thờ Ông Hổ Tăng Nhơn Phú, có lễ cúng mà không có tục Bầu Ông. Ghé về đình Tân Kiểng, nơi mà sách Gia Định thành thông chí có ghi rằng nhà sư Hồng Ân đánh cọp được dân thờ tự ở đình này thì thấy có miếu thờ "Cậu Tư". Đọc bài vị thì đoán rằng, Hán tự chữ "Ân" có mặt chữ giống "Tư" (suy nghĩ/ tư duy) nên viết nhầm "Ân" thành "Tư" - và dân chúng gọi là Cậu Tư, hiểu là "Cậu Bốn"... Thế mới biết, chuyện nhà sư Hồng Ân và đệ tử Trí Năng xắn tay áo cứu đời, đánh cọp dữ ở chợ Tân Kiếng hồi năm 1770 được sách sử ghi chép đàng hoàng mà thời gian còn làm sai lạc đến vậy thì tục Bầu Ông làm sao mà không mai một.

2. Đi ròng rã hơn mươi ngày, rồi hay hổng bằng hên: tôi gặp được cổ tục Bầu Ông hiện còn bảo lưu ở đình Bình Thọ, Thủ Đức. Ông thủ từ ở đình Bình Thọ, dắt tôi đến đàn thờ Bạch Hổ đặt ở bên phải trước sân đình để xác định nơi tổ chức lễ Bầu Ông của đình làng Bình Thọ hàng năm. Ông kể rằng, Bình Thọ xưa là một trong bốn thôn của xã Phước Long: Trường Thọ, Bình Thọ, Bình Thái, Bình Phú. Dân chúng sống bằng nghề ruộng và rẫy, đặc sản nổi tiếng là thơm song rừng vẫn còn nhiều. Mãi đến sau 1945, 1954 nhiều cây cổ thụ mới bị chính quyền lúc bấy giờ triệt phá.

Văn tế Chúa Sơn lâm Mãnh hổ chi thần/lễ Bầu Ông

Khi hỏi truyền thuyết về cọp ở địa phương, ông thủ từ bảo: Ông bà tôi kể rằng, xưa ở đây có nhiều cọp, còn tôi khi lớn lên thì không thấy cọp beo gì. Có chuyện đặc biệt: Thuở ấy, có một lão nông khi đem cơm ra ruộng cho công cấy, thấy một ông Cọp nấp ở bìa rừng. Ông Cọp ấy cầm lên để xuống nhiều lần một nhánh lá cây che mặt để nhìn ra đám công cấy ngoài ruộng. Chờ Cọp bỏ vào rừng, ông lão mon men đến nhặt cành lá ấy đưa lên nhìn xuyên qua đó ngó ra đám công cấy thì thấy trong đám thợ cấy có một người biến dạng thành con heo. Thấy lạ, ông lão gọi mấy người khác đến thử và tất thảy đều thấy cảnh tượng như vậy. Thế là các chủ ruộng và công cấy đoán chắc người có dạng heo khi nhìn qua cành lá ấy sẽ bị cọp vồ. Bởi vậy, khi ra về, người ta bố trí người ấy đi giữa và mọi người đi trước sau để bảo vệ. Thế nhưng đến một đoạn đường, ông Cọp nhanh như chớp không biết ẩn từ đâu phóng ra vồ đúng người ấy tha đi mất. Truyện kể này, xác tín rằng Trời không cho phép cọp bắt người ăn thịt, nó chỉ được bắt thú vật để sống. Riêng những người có số phận phải bị cọp ăn thì cọp nhìn qua cành lá sẽ thấy hình dáng họ biến thành heo. Kẻ ấy, cọp được phép ăn thịt. Theo ông thủ từ, từ đó, lệ cúng heo (hay đầu heo) cho cọp thường phải bẻ một nhánh lá cây đậy lên. Cọp đến thụ hưởng lễ vật cầm nhánh lá ấy, để nhìn: xác định đó đúng là heo thì cọp mới ăn. Đó là cổ tục, nay không còn thấy nữa, chỉ thấy tục lấy mỡ chài phủ kín đầu con heo cúng Bạch Hổ.
Về chuyện cọp ở vùng đất này, ông Trưởng ban Qui tế đình Bình Thọ, cho biết chính ông cố của mình bị cọp vồ ở Bình Thái. Bấy giờ, dân chúng đồng loạt đánh trống, mõ đuổi theo và đến tận chợ Nhỏ (Tăng Nhơn Phú) mới tìm được thi hài đã bị cọp ăn mất nội tạng. Mộ cụ cố của ông hiện tồn ở Bình Thái. Tính ra, sự việc này xảy ra vào hồi nửa cuối thế kỷ XIX.

Tất cả những dữ liệu về cọp kể trên giải thích việc thờ Sơn quân ở các đình làng ở vùng Thủ Đức - quận 9, đặc biệt là miếu Ông thờ cọp hiện tồn ở Tăng Nhơn A (xã Tăng Nhơn Phú, quận 9) cũng như tập tục Bầu Ông ở đình Bình Thọ.

3. Bình Thọ trước đây là một trong 4 thôn thuộc xã Phước Long (quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định)(1). Mỗi thôn đều có đình thần, nhưng tập tục cúng tế của đình Bình Thọ có phần đặc dị hơn các đình kia: Một là, đình thờ tượng thần Thành hoàng sớm nhất, sau các đình khác mới tạo tượng thần. Cái khác thứ hai, là đình Bình Thọ cúng đại lễ luôn mời hát bội về hát chầu cúng thần, còn các đình kia cấm tuyệt không được hát bội. Đặc biệt tập tục Bầu Ông là lễ thức riêng của đình Bình Thọ và các đình khác không có, mặc dù các đình khác có miếu/ đàn thờ "Sơn quân".

Học trò lễ dâng rượu cúng Bạch hổ

Lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ được tổ chức đúng vào lúc 0 giờ khuya ngày 15 rạng ngày 16 tháng 2 âm lịch hàng năm, tức đêm trước ngày tổ chức Đại lễ Kỳ yên của đình (16 -2 ÂL). Đây là một lễ thức trang nghiêm và quy củ có tính chất điển lệ chứ không phải là hình thức thực hành nghi lễ dân gian. Cụ thể là lễ vật chu đáo (một con heo sống, một cỗ xôi trắng) với nghi thức tế lễ do học trò lễ thực hiện, có nhạc lễ tấu, theo lời xướng đọc nghi thức lễ bái, dâng lễ vật của viên chấp sự... Đại thể nghi thức tương tự như nghi thức tế thần Thành hoàng trong Đại lễ Kỳ yên. Tục Bầu Ông ở Bình Thọ có một bản văn tế chữ Hán nghiêm túc. Bản văn tế này được khắc trên gỗ cất giữ ở chùa Linh Sơn gần đình và mỗi khi tế lễ lại được in ra để xướng đọc và đốt đi. Điều này có khác với tập tục ở nơi khác, ở chỗ thay vì văn tế là một văn bản đựng trong cái ống tre - gọi là "Tờ cử", có nội dung rằng dân làng đồng lòng cử ông Cọp làm Hương cả. Theo tục truyền, mỗi năm, cứ đúng lệ, ông Cọp ra nhận lễ vật cùng "tờ cử" mới và trả lại "tờ cử" cũ. Nói chung, nghi thức của lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ đã được nâng cấp theo điển lệ tế tự chính thống Nho giáo, chứ không dừng lại ở hình thức cúng lễ các thần linh dân gian. Điều này cũng chỉ ra tầm mức quan trọng của tín ngưỡng thờ cọp đối với cộng đồng cư dân ở đây, đặc biệt là được bảo lưu khá lâu dài so với các địa phương khác; theo đó, tuồng như tín lý thờ cọp cũng biến đổi theo thời gian, chứ không phải được bảo thủ nguyên vẹn.

Miếu thờ Bạch hổ/ đường Bến Phú Định, TP.HCM
4. Theo ghi chép trong bài Văn tế cổ truyền được xướng đọc trong lễ Bầu Ông thì Thần Hổ được gọi là "Chúa Sơn lâm Mãnh hổ chi thần" trong khi đó trên bài vị ở đàn thờ lại đắp nổi hai chữ Hán "Bạch hổ" với phù điêu ở tấm hậu chẩm đắp nổi hình hổ trắng đứng ở góc trái (từ trước nhìn vào) trên bối cảnh "sơn lâm". Sự khác biệt này là một điều đáng lưu ý.

Rõ ràng là danh hiệu ghi trong văn tế thuộc tín lý truyền thống phổ biến trong tín ngưỡng thờ hổ ở Nam Bộ cũng như vùng đất này: Sơn quân chi thần hay gọi tắt Sơn quân (như ở đình Trường Thọ, kế bên đình Bình Thọ), Sơn lâm Hổ lang chi thần, Mãnh hổ Đại tướng quân, Lý Nhĩ Đại tướng quân, Sơn quân Mãnh hổ Lý Nhĩ chi thần... Đây là tín ngưỡng thờ cọp như vị thần bảo hộ cộng đồng, một tín lý bắt nguồn từ thực tế "Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um" của lưu dân thời khẩn hoang ở vùng đất mới. Còn tập tục thờ Bạch hổ thì bắt nguồn từ tín điều "Tả Thanh long - Hữu Bạch hổ" của thuật phong thủy, song chắc chắn hơn là tín lý của Đạo giáo được truyền bá vào xứ ta, trực tiếp từ các cộng đồng di dân người Hoa đến Nam Bộ.

Tượng Bạch hổ/ Miếu thờ Bạch hổ/đường Bến Phú Định, TP.HCM
Thanh long vốn là Thần Thương long, chủ quản phương Đông trong thần thoại Trung Hoa, tức chòm "thất tinh" (Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ) có bố cục hợp thành hình con rồng trên bầu trời hướng Đông. Còn Bạch hổ là vị thần chủ quản phương Tây trong thần thoại cổ đại Trung Hoa, tức chòm "thất tinh" (Khuê, Lâu, Vị, Mão, Chủy, Sâm, Tất) cấu thành hình con hổ trên bầu trời phía Tây. Rồng ở phương Đông ứng với Mộc (một trong ngũ hành) nên thành Thanh long; hổ ở phương Tây ứng với hành kim nên có màu trắng: Bạch hổ. Bạch hổ, cùng Thanh long. Chu tước (Nam), Huyền vũ (Bắc) gộp lại thành tứ phương tứ thần. Đạo giáo thường dùng 4 thần này làm thần hộ vệ để tăng thêm oai nghi. Về sau Tứ phương thần được nhân cách hóa. Bạch hổ được gọi là "Giám danh thần quân". Chức trách của Thanh long và Bạch hổ canh gác các sơn môn đạo quán như Hộ pháp của chùa (2).

Trong thực tế, việc thờ Thanh long - Bạch hổ ở các đền miếu của người Hoa, cũng thấy lan sang đình miếu của người Việt, là cặp tượng Rồng xanh và Hổ trắng chứ không thấy thờ mỗi một Bạch hổ riêng biệt như trường hợp ở đình Bình Thọ và một số miễu thờ Bạch hổ khác (như miếu Ông Hổ ở đường Bến Phú Định, quận 8, TP.Hồ Chí Minh chẳng hạn). Hiện tượng này hẳn bắt nguồn từ tín lý khác.

5. Trong câu chuyện về tập tục Bầu Ông ở đình Bình Thọ, tôi gạn hỏi: Ông cọp ở bình phong trước đình là ông cọp vàng, còn ông cọp thờ ở đàn thờ lại là ông Bạch hổ? Ông thủ quỹ đáp: Chú biết tại sao không? Ông Bạch hổ là ông cọp tu, không ăn thịt người. Điều xác tín này là nếp nghĩ khá phổ biến ở Nam Bộ. Truyền thuyết về hai con cọp dữ ở núi Lớn (Thắng Nhì, Vũng Tàu) đã nhường hang của mình cho vị du tăng họ Trương làm cốc tu hành. Cứ sáng chiều, khi nghe tiếng mõ tụng kinh thì chúng đến bên cốc phủ phục nghe kinh và từ đó, không còn vào thôn quanh vùng bắt gia súc ăn thịt nữa.

Truyền thuyết tương tự ở chùa Chơn Tiên (Bà Rịa) cũng kể rằng Bạch hổ đã nhường hang cho Tổ khai sơn ngôi chùa này tu hành khi chưa kiến tạo tự viện và từ đó, Bạch hổ chỉ "trường trai" bằng mít chín trong rừng (3).

Các truyền thuyết trên, cũng như việc nhà sư Tăng Ngộ, Tổ khai sơn chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc, Long An) khi chặt phá cây rừng đắp con lộ từ chùa ra chợ dài 250 trượng thì "cọp dữ gặp ông đều cúi đầu mà đi qua không dám xâm phạm"...(4) đều biểu thị quan niệm "thiên nhân tương ứng", rằng: Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh. Ở đó, tuy có ánh lên quan niệm về việc chuyển đổi tính ác sang tính thiện, tức từ cọp dữ sang cọp tu, song không xác định rõ tín niệm Bạch hổ là loài cọp không ăn thịt người như truyện Bạch hổ của ông Tăng chủ (đại đệ tử của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên) ở Bảy Núi (An Giang). Ở truyện này, Bạch hổ chẳng những không ăn thịt người và thú vật mà còn trừ khử những loại cọp dữ khác ở núi Bà Độ Om (5). Câu chuyện chỉ rõ rằng Bạch hổ đối lập với bọn cọp dữ hại người, được gọi là hạm. Do đó, có sự xác tín rằng ở đâu có mặt Bạch hổ thì bọn cọp dữ không dám lai vãng. Chính vì vậy, Bạch hổ không chỉ là biểu trưng cho loài "cọp tu" mà còn có công năng xua đuổi bọn cọp dữ. Đây là tín lý phổ biến của tín ngưỡng thờ Bạch hổ ở xứ này.

Nói chung, ngày nay chúng ta khó truy cứu nguồn gốc của tín lý này, song qua các truyền thuyết đã trình bày trên, chúng ta thấy, khá gần gũi với điển tích Hoa Lâm nhị hổ (6) phổ biến của Phật giáo Bắc tông và thấy xuất hiện trong bài Phổ khuyến phát Bồ đề tâm của Trần Thái Tông (1218-1277):

(...) Thiền đạo nhược vô hướng vị, Thánh hiền hà khẳng quy y? Hoa Lâm cảm nhị hổ tùy thân, Đầu Tử tam nha báo hiểu (...)

(Nghĩa: Đạo thiền nếu không thú vị, Thánh hiền sao chịu quy y? Hoa Lâm khiến hai hổ cảm theo, Đầu Tử có ba chim báo sáng...) (7).

Chính việc các truyền thuyết về Bạch hổ ở Nam Bộ thường gắn với các thiền sư tôn túc, đạo cao đức trọng, nên giả thiết chúng bắt nguồn từ điển tích "Hoa Lâm nhị hổ" cũng có cơ sở minh chứng chứ không phải là đoán định vô bằng.


Chú thích (1) Văn tế lễ Bầu Ông ghi "Đại Nam quốc. Nghĩa An huyện, An Điền tổng, Bình Thọ thôn". (2) Xem Lão Tử - Thịnh Lê: Từ điển bách khoa Nho - Phật - Lão. Bản dịch của Trương Đình Nguyên và nhiều dịch giả khác/ Nxb Văn Học, 2001. (3) Xem Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường: Nghìn năm bia miệng. Nxb TP.HCM, 1992, tập I, tr 235-237; 299-301. (4) Đại Nam nhất thống chí/ lục tỉnh Nam Việt/ Tỉnh Gia Định. Mục Tăng thính. (5) Theo Đào Hưng - Vương Kim: Đức Phật thầy Tây An. Sài Gòn, 1953, tr.59-62; xem thêm: Liêm Châu: Bạch hổ tử chiến cùng Hắc hổ ở Núi Cấm/ Thiên Cẩm Sơn/ trong Mười đỉnh núi thiêng, Văn Nghệ Châu Đốc, 2002, tr 59-60. (6) Hoa Lâm nhị hổ: Hai con hổ được ngài Hoa Lâm Thiện Giác hàng phục. Hoa Lâm - Thiện Giác, người nối pháp của Mã Tổ Đạo Nhất, có hai con cọp theo làm thị giả. Tể tướng Bùi Hưu cảm phục bí thuật nhiếp hổ của ngài nên đem việc ấy thưa hỏi. Ngài đáp (Vạn tục 148, 104 thượng): "Sơn tăng thường niệm Quán Âm". Theo Từ điển Phật học Huệ Quang. Cảo bản, tr.2875. (7) Huệ Chi chủ biên: Thơ văn Lý - Trần. Nxb KHXH, H., 1988, tập II, quyển Thượng, tr.38-69.
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:09 PM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.