UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thư giãn - Tâm sự > Truyện - Thơ - Xả stress > Truyện ngắn

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 19-10-2012, 03:46 PM
kim kim đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 25
Mặc định Khi Pha Lê Vỡ

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Thằng Hiển đến chơi. Nó ong óng lên khi bước vào căn hộ chật chội của tôi "Đồ ăn còn hết đem ra nhậu coi hè!" Tôi phì cười "Mày kiếm được hột nào thì cứ nhậu đi." Mà thật, tủ lạnh trống không, nồi cơm cũng trống không. Bếp núc lạnh tanh. Ăn uống cần gì thì ra tiệm. Tôi không nấu nướng, cũng không thích rửa chén. Lúc ở nhà cũng bị mẹ mắng là con lười, nhưng đồ thì mẹ nấu, chén thì chị rửa, không đến phiên tôi rớ tay nên thành quen. Thật ra nếu tôi có nấu thì cũng không đến nỗi nào, có lẽ khét vài món và khê vài món là cùng.

Hiển ngồi xuống trước máy vi tính, "Phim hoạt hình đâu, tao coi tới tập 17 rồi..." Nó lải nhải gì đó, tôi để mặc nó loay hoay mà chúi đầu vào quyển sách. Nó chợt réo lên thích thú "Khắc Di, bồ mới của bà đây hả?" Tôi ngạc nhiên, "Hả, nói gì?" Nó đưa tấm hình ra, đắc thắng "Đây nè, có hình hẳn hoi. Đẹp trai quá cỡ nghe bà kia." Tôi lơ đãng "Ừ, nó đẹp, đẹp đến mức tao nghĩ nó bê đê. Và nó nhỏ tuổi hơn tao, đồ khùng. Bồ ở đâu mà bồ." Hiển trầm ngâm "Mày hay lượm về những thằng đẹp trai." Tôi cau mặt "Tao lượm hồi nào, tụi nó đi theo tao về thôi. Mà tụi nó đẹp bởi vì tụi nó đứa nào mặt cũng còn búng ra sữa." Tôi cũng không hiểu tại sao những người con trai chung quanh tôi đều nhỏ hơn tôi vài tháng hoặc một hai năm tuổi. Tôi bắt họ kêu tôi bằng chị mà chẳng ai làm theo. Họ lôi tên tôi ra xài đến nát hoặc họ kêu tôi bằng bà, xưng tui. Hiển năm nay 19 tuổi, cũng nhỏ hơn tôi một tuổi rưỡi nhưng đã có vợ và vợ mới sinh và có đánh nó chết nó cũng không chịu gọi tôi bằng chị. Còn tôi, có một mối tình đắp tay mà cũng bấp bênh. Hiển lại tò mò "Nhỏ hơn thì chết ma nào, tao với Ngọc đó thấy không? Thằng này đẹp trai vậy sao không dớt nó đi." "Nó đẹp trai thì thích con gái đẹp, lúc nào mới tới phiên tao. Hỏi nó "chiều sâu của tâm hồn là gì?" thì nó mù tịt, làm sao hợp với tao được." Hiển nhăn nhở "Con trai mà, ai lại không thích con gái đẹp, đến cả tao thấy gái đẹp cũng ngó mà." Tôi nhìn tấm ảnh của Thôi rơi trên sàn nhà, cặp mắt đen sâu lay láy như đang cười. Thêm một ảo ảnh sắp qua. Thôi ngồ ngộ, xinh trai nhưng như tôi nói, Thôi chỉ thích những đứa con gái đẹp mã. Cho xứng đôi vừa lứa mà. Nhớ giọng Thôi đãi đưa "Con gái thì phải đẹp và dịu dàng, cứ ai như bà, con trai chạy hết còn gì?" "Vậy tại sao ông Thôi nhà ta chưa chạy?" "Tại bị vấp té, té trúng bà gai góc không nên gỡ chưa ra, chưa chạy được" Rồi cười, vô thưởng vô phạt. Nhưng tôi biết ánh mắt của Thôi không thể rời nhỏ bạn của tôi mỗi khi nhỏ có mặt. Tóc nhuộm hung hung đỏ, mắt mang contacts xanh ngắt, thân hình bốc lửa và áo quần đúng thời trang. Cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi, Thôi nhỉ. Và tiền. Khi tôi hỏi thời buổi này người ta thích nhau vì cái gì, Thôi không ngần ngại trả lời liền "Vì kích thước của cái nhà bank." Tôi thích đùa với Thôi, nhưng ngại khi phải đi sâu xa quá, bởi tôi biết mình sẽ chán. Mà cũng sắp chán rồi, đùa mãi cũng chỉ những câu nửa vời. Thôi vẫn nồng nhiệt như lúc mới gặp tôi, cười những cái cười mà tôi thấy nhạt như nước ốc. Có lẽ vài ngày nữa rồi sẽ hết gọi hỏi han, hết cười đùa, và rồi lại đổ thừa khoảng cách cho thời khoá biểu, cho thay đổi của những lối đi về. Như Th., như V., như T. trước Thôi. Không phải tại ai, chỉ tại trái tim không đánh sai nhịp khi gặp mặt nhau, chỉ tại một đôi môi cười không làm cặp môi kia tự động cười theo. Chán thế đấy, tôi nào có kén chọn gì, tại trái tim bày trò mà ra hết. Thì thêm một người để chào khi bất ngờ gặp nhau ở nơi xa lạ nào đó. Tôi lúc nào cũng ráng giữ cho tôi và cho họ những kỷ niệm không đến nỗi tàn tệ để khi gặp lại nhau không ái ngại cho nhiều.

Giữa tuần chị dẫn cháu đến thăm. Chị thấy tôi chăm chỉ đọc thơ nhiều hơn đọc bài, gầm ghè "Mày, văn chương với thi phú, lo học đi con, mày còn học được thì ráng học, không khéo rồi như tụi tao đi cày ngày ra ngày vô vẫn nghèo kiết xác!" Tôi ầm ừ, biết sợ, nhưng mà có sao, tôi biết cái nghèo từ lúc nhỏ, biết không chết là đủ. Có lẽ tôi không biết sợ thì đúng hơn, nếu không thì đã cắm đầu vào kiếm thêm tiền, thêm jobs. Con bé cháu tôi lên ba, phá tanh bành kệ sách, lục tung những ngăn thoại ốm yếu thảm thương. Chị chợt cười khanh khách "Bé Ty coi coi dì Út mày có dấu thư tình trong đó hông con?" Tôi cũng cười, nhăn nhó đúng hơn là cười. Kỳ quặc như tôi, có thằng mắm nào viết thư tình cho. Con gái, tính tình lại cộc cằn như con trai, ăn nói cũng khô khan, cách suy nghĩ lại càng chết người. Việt Nam không ra Việt Nam, Mỹ cũng không ra Mỹ. Chơi vơi giữa hai bờ, như mọi người khác của thế hệ tôi. Từ bé đã hét nhạc rock, rollerblade vòng quanh cái cau mày của ba, của mẹ, lại không thể buông rời cây viết và những tập thơ. Cứ như là khối óc tách rời ra, một bên ôm lấy những Trịnh Công Sơn, những Nguyên Sa mà ru ngủ cho mình, bên kia ầm ào tiệc tùng với rượu mạnh và ngôn ngữ một thời xa lạ mà càng ngày càng quen thuộc hơn tiếng mẹ khuyên răn. Thật ra tôi giống như người ở lạc thế kỷ, chẳng hiểu tại sao tụi con trai mới lớn lại thích đi theo chọc ghẹo. Tôi biến chúng thành những đứa em trai bất đắc dĩ. Những người bằng tuổi, tôi biến họ thành những thằng bạn thân, đi bên nhau như những đường thẳng song song. Nhưng tôi tự an ủi mình, dẫu sao thì cũng đã kiếm được cho mình một người để yêu, để nhớ, để mộng mơ. Có điều câu nói đùa của mẹ tôi khi tôi than phiền rằng con trai không thiếu mà sao tôi không có một ai không ngờ lại vận vào người. Hữu duyên thiên lý... mà biết có ngộ không, Hoan ơi?

Cuối tuần về mẹ gọi, bảo về nhà chơi chứ lâu rồi không thấy tôi về. Tôi về, hết lăng xăng quanh nhà rồi lại lăn ra coi TV. Mẹ bảo sửa soạn rồi đi với ba me thăm bà cụ Lãng, mẹ của bác Sáu bạn ba, bà sắp chết rồi. Ngơ ngẩn, bà đã 84, nhưng tôi cũng không ngờ rằng nhanh thế, mới đám cưới anh tôi bà còn áo dài khăn đóng đi dự kia mà. Đó giờ ai cũng bảo bà thọ. Tôi lầm thầm, đang hoang mang thế này, đến đó thăm gặp người ta than khóc rồi lại buồn chết.

Mà cũng không đúng, người ta đầy nhà nhưng ai cũng nói vài câu về bà rồi lại chuyển đề tài. Họ nói chuyện mưa nắng, xe cộ, công việc, từ chuyện chính trị tới chuyện con mèo con chó đang nuôi trong nhà. Mẹ bảo tôi vào trông bà một chút. Tôi vào, thơ thẩn bên bàn tủ, ngơ ngáo như con mèo đi lạc. Bà gầy xóp, nằm thở khó nhọc trên giường, chăn vải kéo ngang ngực. Tôi cảm thấy lành lạnh, sờ sợ. Khái niệm về cái chết của tôi mơ hồ. Chị Tư, cháu gái bà bảo tôi ngồi chơi với bà hộ chị một lát để chị xuống bếp. Tôi cười nhẹ, cảm thấy vui vui với cách dùng từ của chị. Ngồi chơi. Bà nằm đó, có biết gì đâu mà tôi ngồi chơi. Mà tôi cũng không ngồi, rề rà từ bàn này qua tủ nọ, ngắm những đồ vật lạnh tanh trong phòng. Mai mốt bà mất rồi thì chúng còn lạnh lẽo hơn. Bà cử động trên giường, mắt mở hé "Con gái, lại đây bà bảo" Tôi đến gần bên, tay bà mấp máy dưới tấm mền vải. "Con gái bao nhiêu tuổi rồi?" Bà đã quên tôi. "Dạ, con 21 tuổi rồi bà ạ." "Chà, 21 tuổi thì còn trẻ quá. Can đảm lên con nhé, ...... không phải dễ có được." Giọng bà chợt yếu, tôi nghe chữ được chữ mất. "Bà nói gì ạ?" Nhưng đôi mắt già nua nhăn nheo đã nhắm nghiền, hơi thở của bà vẫn khó nhọc như người đẩy một xe đầy củi lên một dốc cao. Tôi thấy ơn ớn, muốn ra khỏi căn phòng ngay, nhưng chị Tư vẫn chưa trở lại. Bác Sáu dẫn vài người vào phòng, tôi chào rồi luồn ra ngoài. Mẹ đang rôm rả với các bà bạn. Ba trầm ngâm bên bàn trà. Tôi kéo cu Em ra vườn, ngồi nghe nó kể chuyện con sóc nâu vào vườn gặm mấy quả bí non. Chợt lẩn thẩn nhớ hình như đọc ở đâu đó, viết rằng con người trước khi chết thường có những phút tỉnh táo không ngờ. Tôi không biết thật hư, nhưng cảm giác khi bà cụ Lãng dặn tôi phải can đảm, không hiểu tại sao lại làm tôi rùng mình.

Chiều thứ Bảy, anh chị cháu chít kéo nhau về đông đủ. Nhà nhốn nháo, tụi con nít kéo nhau chạy, níu véo nhau khóc oà, dành giựt đồ chơi lăn ra thảm nằm tội nằm vạ. Loạn lên như cái chợ. Người dành phần ăn trước lúc nào cũng là tôi, ăn chung với tụi nhóc rồi canh chừng chúng cho anh chị và ba mẹ ăn cơm sau. Yên ổn được chút vì cái TV bật lên, hai đứa lớn chong vào coi, hai đứa bé hơn thì tôi chỉ cần bò với chúng lên xuống cầu thang thì yên chuyện. Tôi lựa đúng tuần mà về nên đầy đủ mặt mày. Cũng là điều tốt.

Sau buổi cơm sáng chủ Nhật, vừa dọn dẹp chị Hai vừa bắt mạch tôi hỏi dò "Mày có bồ chưa Út? Sao mấy tuần rồi không về nhà? Ở trển đi chơi phải không?" Anh trai trợn trạo "Thằng nào, nói tao biết tao coi mặt." Chị Ba ôm con cười dòn "Nó đi đứng ầm ầm, cục mịch như cái cột nhà mà bồ bịch gì!" Tôi hạ đòn tự kết liễu mình "Tướng em thì bồ tạ bồ lúa chứ bồ khỉ!" Anh chị cười phá, tôi cười theo, câu đùa vướng trên lưỡi đăng đắng. Ừ, thì thế, nhưng có thoát đâu. Anh tôi đánh đòn tâm lý cuối cùng "Vậy mày yêu ai chưa Di?" Choáng lên, trả lời làm sao bây giờ? Thì cười khì, nhơn nháo "Ai thèm yêu em?" Vị đắng trôi dần xuống cổ họng. Nói trại đi, để nỗi đau không bắt rễ, cho nước mắt tủi hờn không trào ra. Những câu giải thích vô lý cho những câu tại sao, tại sao, và tại sao không cần phải buông ra... Vô lý với họ nhưng hữu lý với tôi, nhưng làm sao cho họ hiểu? Làm sao cho không có những lời ngăn "Đừng dại như vậy! Yêu xa khổ lắm Di ơi." Nhưng có lẽ tôi dại thật mà, mười sáu tuổi khi Tùng hỏi "Tình yêu và của cải, Di chọn cái nào?" tôi đã không ngần ngại "Tình yêu!" Tùng cốc lên đầu tôi đau điếng "Vậy thì gặm đất để mà yêu đi bé con. Thời buổi này mà..." Ôi, Tùng ngày xưa say sưa hát nhạc tình và Tùng bây giờ của những tiệm nail, những típ những boa và những bàn tay manicured sáng loáng... Tôi lặng lẽ nhìn khoảng cách giữa tình bạn của tôi và anh loang rộng. Anh không phải là không có lý, nhưng giải thích làm sao cái cảm giác nồng ấm từ tận đáy lòng cuộn lên thành những giòng xoáy dịu dàng khi tôi nghĩ về Hoan?

Anh trai tôi hình như quên rằng anh vừa mới làm tôi ngất ngư với mấy câu hỏi vô bổ mà quay ra bật TV lên coi. Mấy chị bận bịu với mấy đứa trẻ bát nháo, nhưng cũng không ngừng trêu tôi với những mẩu chuyện ngày tôi còn bé. Ba mẹ tôi nhìn qua cửa sổ, nhìn ra vườn, như không dính líu gì tới trò khỉ của mấy đứa con lớn già đầu mà còn ầm ĩ như con nít.

Chiều, tôi vẫn còn nằm dài trên giường, uể oải sau giấc ngủ trưa. Mẹ ló đầu vào gắt, đi rửa mặt rồi tiếp khách. Tôi gần như bò xuống khỏi giường, ngạc nhiên không biết khách nào mà đến phiên tôi phải tiếp. Chán ngắt ba cái chuyện khách khứa. Tôi đang ngại tất cả mọi người lạ. Họ lạ lùng sao đâu.

Xã giao dăm câu, khách sáo dăm câu. Chán ra trò. Khách là "cô" Thu với một tên con trai lạ hoắc. Tôi gắt thầm, lại chuyện gì nữa đây? "Cô" Thu nhìn tôi, cười cười "Cháu mau nhớn quá chị nhỉ, phổng phao cả lên. Xinh gái ra phết!" Tôi vốn dĩ dị ứng với mọi lời khen tụng, nhưng với những lời khen mà tôi không tìm được .01% sự thật thì tôi càng dị ứng bạo. Và tôi chỉ cười, im lặng ngồi xuống bên góc sofa. Sự im lặng thường gây ra sự khó chịu cho người lạ. Thường thì tôi nói nhiều hơn sáo, nhưng chỉ với người thân. Nói bất cứ chuyện gì cũng được, đến cả Hoan cũng phải đưa tay đầu hàng "Di nói nhiều quá, nói không lại, chịu thua thôi." Dĩ nhiên là đầu hàng dỏm, bởi thường thì tôi nói ngang nhiều hơn là có lý. Nhưng hễ im lặng thì mặt tôi lại khó ưa kinh khủng. Tôi nhìn khó đăm đăm, mẹ bảo thế. Cứ như khúc gỗ biết đi, không mềm mại uyển chuyển. Hoan ví tôi như con ốc sên nặng vỏ, cứng ngắc bên ngoài mà mềm nhũn bên trong. Khi tôi im lặng, tệ nhất người khác có cảm giác như tôi không coi họ ra gì, nhẹ hơn thì họ nghĩ rằng tôi đang mơ màng ở một thế giới khác. Bởi tôi thường không để lộ rằng tôi đang nghe tuốt tuột những lời họ nói. Gã con trai bên kia cọ quậy, cố tìm mắt tôi để cười hoặc bắt chuyện. Tôi nhìn hắn một lần, cười một lần rồi nhìn lên tấm sơn mài treo trên tường như thể tôi chưa bao giờ thấy nó. Chán quá, không biết nơi ấy Hoan đang làm gì nhỉ? Tại sao tôi lại ngồi đây như con búp bê ngoan hiền trong ngày nghỉ của mình nhỉ? Và tại sao gã lạ mặt kia cứ ngọ ngoạy một cách khó chịu như ngồi trên lửa thế không biết, tôi đâu có ăn thịt gã đâu mà sợ. Ngán ngẩm, tôi quay sang nghe người lớn đang nói chuyện gì. Nghe mẹ tôi cười, tiếng cười ngập ngừng "Con bé còn đi học, chị ơi. Nó lớn đầu rồi mà y chang con nít, nghịch mà còn lì nữa." "Thế à, xem cô ra người nhớn rồi ấy chứ! Ra con gái hẳn hoi!" Tiếng cao tiếng thấp choảng nhau ơi ới. Tôi thầm thấy nên phải cảm ơn mẹ tôi, dù không hiểu tại sao.

o0o

Đời vẫn cứ không đâu vào đâu. Tôi vẫn lêu bêu như người rách việc, làm vừa đủ sống cho mình còn những trách nhiệm và phận sự dẹp tuốt qua một bên dù biết rằng mình đã lớn. Gia đình vẫn cứ ầm ào náo nhiệt, nửa răn đe nửa thương yêu bảo bọc. Tình xa vẫn không gần thêm được chút. Tôi gồng mình lên, tự thuyết phục mình rằng mình hạnh phúc, rằng nỗi đau âm ỉ từ cuối đáy lòng là không cần thiết. Linh cảm rằng bất kỳ một lúc nào đó, hạnh phúc kia sẽ rời xa tôi, không có gì ở bên tôi mãi, nhưng đã phóng lao rồi... Tôi tự đặt mình vào một chỗ trống, đặt những suy nghĩ vào những hốc tối để khỏi phải nghe chúng cứa vào hồn đau điếng.

"Khi pha lê vỡ, Hoan có nghe tiếng khóc của chúng không?"

Những câu hỏi vớ vẩn, như tôi vớ vẩn. Và tôi hình dung được mặt Hoan cau lại "Lại hỏi gì đâu nữa rồi." Tôi muốn hỏi tiếp "Hoan ơi, khi cuộc tình chúng mình vỡ, liệu Hoan có nghe thấu tiếng Di khóc hay không?" Có hay không, Hoan ơi? Nhưng tôi phải im lặng, bởi Hoan cũng thường im lặng, mà sự im lặng chứa đầy bão tố bên trong lúc nào lại dễ chịu bao giờ...

July 17, 2003

Hoàng Giang
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:30 PM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.