UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thông tin - Kiến thức tổng hợp > Tin tức - Sự kiện > Tin thế giới

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 18-10-2012, 04:41 PM
forimex_sbc forimex_sbc đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 23
Mặc định Cuối năm, thăm những người đã khuất... tại Nghĩa trang Cộng đồng CGVN tại Sydney

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Cuối năm, thăm những người đã khuất... tại Nghĩa trang Cộng đồng CGVN tại Sydney
VietCatholic News (10 Feb 2010 11:21)

Trong khi nhiều nhà đang cúng tiễn ông Táo về trời, và các Hội chợ Tết của người Việt bắt đầu mở ra để đón mừng Xuân mới... Tôi lại một mình lái xe đến thăm Nghĩa trang Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại (Rookwood) Sydney, nơi có nhiều người thân của tôi được chôn cất ở đó.



Tượng Chúa đón nhận những người con trở về với... cát bụi

Buổi sáng hôm ấy trời mưa lất phất và không có dấu hiệu gì chứng tỏ sẽ ngừng tạnh, bởi các đám mây đen vẫn vần vũ trên bầu trời. Tôi nghĩ có thể mình sẽ là người đơn độc trong nghĩa trang, vì không ai lại dại dột đội mưa để đến viếng mộ! Thế nhưng tôi đã lầm, vì trong phần đất dành cho “Cộng đồng Công giáo Việt Nam”, vẫn có dăm người đang đứng rải trước các ngôi mộ của người thân, để đọc kinh cầu nguyện.

Một người đàn ông đứng tuổi, với hai mắt đỏ hoe và đẫm lệ đến chào tôi, ông cho biết mới từ Brisbane lên, đến đây để thăm mộ mẹ. Ông nói trước đây sống ở Sydney, nhưng từ khi mẹ mất thì buồn quá dọn lên QLD sinh sống, và mỗi lần nhớ mẹ thì lại leo lên xe lửa về thăm. Thấy ông đơn độc, tôi chợt mủi lòng muốn khóc, và chẳng biết sao hơn là chúc ông bớt buồn vì ngày Tết sắp đến, ông bắt tay, cảm ơn, và lầm lũi leo lên chiếc xe taxi đang đậu chờ sẵn gần đó...

Tôi biết nhiều chuyện tương tự xảy ra ở cái nghĩa trang nhỏ bé dành cho người Việt Công Giáo này, như một bà mẹ có cô con gái chết lúc 27 tuổi, ngày nào bà cũng ra đây để chăm sóc mộ cho con, khiến mộ của cô gái này có một sắc thái đặc biệt hơn tất cả các ngôi mộ khác - vì cỏ hoa tươi sắc cũng như các đồ vật trang trí để trước mộ. Có phần mộ gần chỗ mộ mẹ tôi, ngày nào cũng có hoa tươi và nhang đốt, đó là do các người con trong nhà chia phiên nhau đến viếng mộ mẹ, để tỏ lòng thương yêu y như lúc mẹ còn sống. Ở một phần mộ khác, ông bố thương cô con gái bị bức tử khi tuổi đôi mươi, ngày nào cũng vậy, trước khi đi làm ông đều đến thăm mộ con và tưới nước cho cỏ, khiến thảm cỏ của phần mộ này lúc nào cũng xanh mát như một đám mạ non...

Còn chuyện này còn não lòng hơn: Có ông bán hết của cải để cùng vợ đến Úc đoàn tụ với người con gái duy nhất (vì thương cô con gái lấy chồng xa). Đến Úc cả hai sống chật vật vì chẳng được hưởng bất cứ trợ cấp gì từ chính phủ, và đau đớn thay bà vợ lại mắc bệnh nan y và qua đời, bỏ lại ông chồng sống thui thủi một mình! Ông cố gắng mãi mới lấy được cái bằng lái xe, để ngày ngày ra đây ngồi bên mộ vợ, và tâm sự với người đã khuất đủ thứ chuyện, y như lúc bà vợ còn sống!

Ngoài những hành động thương tiếc tỏ lộ ra với người đã chết, ở đây cũng không thiếu những ngôi mộ hoang lạnh vì sự bỏ bê của người thân. Có thể có những gia đình không coi trọng việc thăm viếng bằng việc cầu nguyện, hoặc đa đoan công việc, cơm áo gạo tiền - nhưng thực tế cũng có những phần mộ thực sự bị “bỏ quên” bởi những thay đổi không thể tránh khỏi trong đời sống con người. Thí dụ như có phần mộ để chừa một bên dành cho người phối ngẫu, nhưng nay người vợ hay chồng này đã “có người khác”, khiến chuyện “sống một nhà, chết một mồ” đã trở thành bất khả thi! Hoặc có những ngôi mộ đương nhiên bị liệt vào dạng “mồ côi” vì người nằm dưới mộ qua Úc có một thân một mình, nên khi chết nấm mồ trở thành hoang lạnh chẳng ai thăm viếng!



Hoa tươi trên các ngôi mộ CGVN Tại Rookwood

Trước đây, khoảng mười mấy năm, khi chúng tôi (Ban thường vụ CĐCGVN Sydney) tổ chức việc bán các phần đất tại khu nghĩa trang này cho các Gia đình Công giáo, nhiều người đã “hăng hái” đến độ mua đến 5, 6 lô đất cho cả gia đình. Nay đã có cảnh “sẵn sàng nhường lại” cho những ai có nhu cầu, bởi gia cảnh của họ đã đổi khác, và chẳng ai còn muốn nằm chung với kẻ... bội bạc! Cũng như con cái đứa lại theo cha, đứa kia theo mẹ, và chẳng còn ai nghĩ đến chuyện “đoàn tụ” như xưa nữa!

Trước đây, ít ai nghĩ đến chuyện “sắm mồ” cho cá nhân mình, chứ đừng nói đến chuyện mua đất “an nghỉ” cho cả nhà. Thế nhưng với người Công Giáo thì họ không kiêng kỵ chuyện đó, bởi phần lớn đều tin vào chuyện “sống gửi, thác về”, và không ai có thể chối từ khi... Chúa gọi, bởi “con người từ cát bụi, thì phải trở về với cát bụi”! Tôi cũng vậy, cách đây cả chục năm tôi đã mua sẵn cho mình một huyệt mộ, thế nhưng khi thày cũ của tôi là Giáo sư Đồng Văn An (Chủ tịch Giáo đoàn Cabramatta, nguyên Phó Chủ tịch CĐNVTD NSW), qua đời, tôi đã nhường lại phần mộ này cho Thày, để mọi người trong gia đình của thày cũng như bạn bè có chỗ đến viếng thăm và cầu nguyện.

Lúc ấy giá một phần mộ khá rẻ, chỉ chưa tới 1 ngàn đồng, nên rất dễ dàng cho nhiều gia đình mua sẵn để phòng lúc hữu sự. Sau này, khi “đất chật, người đông”, giá cả mỗi nơi mỗi khác, khiến có gia đình phải gấp bốn năm lần mới mua được một huyệt mộ. Tuy vậy, giá ở đây cũng còn rẻ so với các nơi khác, nhưng những người chôn cất thân nhân tại phần đất dành cho “Người Việt Công Giáo” ở nghĩa trang Rookwood đều phải tuân thủ theo một số quy định như: không được xây cất theo ý riêng, mà tất cả đều như nhau, rập khuôn theo một mẫu đã quy định. Chính vì thế mà nhiều ngôi mộ đã trang trí các đồ vật hoặc trồng cây trồng hoa (ngoài quy định) đều bị nhân viên trông coi ở nghĩa trang dọn đi, khiến nhiều người uất ức khiếu nại là các vật quý giá để ở mộ người thân đã bị “trộm” lấy mất!

Nhưng cũng có nhiều gia đình Công giáo khác, không chọn nơi đây làm chỗ an táng cho người thân, bởi họ muốn xây cất những nấm mộ theo ý muốn, nhằm bày tỏ lòng quý trọng đến với người đã chết. Tuy vậy, cũng có chuyện một ông bố đang chôn ở nghĩa trang khác, nhưng nơi này không cho chôn “kép” (chôn hai người chồng lên nhau) và đất bên cạnh hay gần đó cũng không còn, nên khi bà mẹ qua đời, các người con đã phải cải táng mộ ông bố để đem về chôn chung một mộ tại Nghĩa trang Công Giáo này.

Mặc dù ngày nay nhiều gia đình đã nghĩ đến chuyện hỏa thiêu để tránh tốn kém, nhưng cũng còn nhiều người vẫn nghĩ đến chuyện phải có “một chốn đi, về” theo kiểu “sống cái nhà, già cái mồ”, và muốn được an táng hơn là “vào lò, ra lọ...”. Ngoài chuyện mua trước huyệt mộ cho cá nhân, có người như ông Nguyễn Đình Khánh (Giám đốc đài phát thanh VNRA), ông Nguyễn Ngọc Tần (cựu Chủ tịch Cộng đồng Nam Úc)... còn mua và xây sẵn một khu đất dành cho cả gia đình tại Macquarie Cemetery Park, North Sydney. Ông Tần nói với tôi: “Chỗ này cao ráo, lại gần khu di lịch, lúc nào muốn đi chơi, cứ xuống bám theo mấy đoàn xe ấy là được phiêu du y như lúc mình còn sống”. Tại nơi này ông Tần đã xây xong cho mình một huyệt mộ hoành tráng, với cả hình ảnh khắc sẵn của ông và chỉ còn chờ đề thêm ngày... an hưởng. Khu đất này trước đó đã được tử vi gia Quang Lộc đến xem và cho là “đắc địa” vì nằm trên khu đồi cao, có thể nhìn thấy cả thành phố Sydney. Ông Khánh nói: “Có điều lạ lùng là ai đến đây tự nhiên cũng cảm thấy thanh thản và muốn chọn cho mình một chỗ, cho nên giá đất ở đây nay đã lên tới cả hơn chục ngàn một huyệt”.

Chuyện “mồ yên mả đẹp” là truyền thống văn hóa đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của người Việt. Vì thế chuyện chọn lựa nơi an nghỉ không những là để tôn kính người đã khuất, mà còn để phù trợ cho việc hưng thịnh sau này của con cháu. Người xưa thì nói thế, nhưng quan niệm ấy nay đã khác. Một đám ma hạnh phúc là một đám ma không để lại nợ nần và cãi vã cho con cháu, cũng như nhiều người trước lúc qua đời đã di ngôn lại là không nhận phúng điếu, không cần quan tài đắt tiền, không cần xây mộ, không cần tràng hoa... vì:

Thế gian là chuyện đã rồi,
Cho lời kinh nguyện là tôi... mát lòng
”.

Mới ngày nào, khu Nghĩa trang Công Giáo này còn lác đác vài ba ngôi mộ, thế nhưng chỉ sau khoảng chục năm các bia mộ ngày càng dài thêm, khiến Ban Quản Lý nghĩa trang này đã phải nghĩ đến chuyện nối thêm khu đất kế cận để bán cho người Việt. Ngày nay những người muốn có thân nhân của mình được chôn trong phần đất dành cho người Công Giáo này, đều có thể nhờ nhà quàn hoặc liên lạc trực tiếp với Ban quản trị nghĩa trang Rookwood để mua, mà không cần phải qua Cộng đồng Công giáo Việt Nam như trước nữa. Giá một huyệt mộ ở đây hiện nay có giá từ $3,500 đến $4,000, và thân nhân còn phải trả thêm các chi phí phụ như đào huyệt và làm bia mộ.


Mộ của Ông bà Cố Nguyễn Văn Ấm và bà Anne Nguyễn Thị Hàm Tiếu

Đáng chú ý nhất trong các ngôi mộ được chôn ở khu đất này là 3 ngôi mộ kề cận nhau của “Gia đình ông bà Cố”. Đó là mộ của Cụ ông Tađêô Nguyễn Văn Ấm (sinh ngày 7.7.1901 tại Phủ Cam, Huế, từ trần ngày 1.7.1993), tiếp theo là mộ của Cụ bà Isave Ngô Đình Thị Hiệp (sinh ngày 5.5.1903, mất ngày 27.1.2005, hưởng thọ 102 tuổi, bà cố là con gái của cụ Ngô Đình Khả), và ngôi mộ thứ 3 là của bà Anne Cécile Nguyễn Thị Hàm Tiếu (sinh ngày 16.4.1938, mất ngày 20.1.2005).

Đây là 3 ngôi mộ của thân phụ mẫu và em gái của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Điều cần nhắc ở đây là sau khi nghe tin con gái qua đời thì chỉ sau 7 ngày sau bà cố cũng mất, khiến tang lễ của hai mẹ con đã được cử hành chung, tại Thánh đường Lakemba, và an táng cùng ngày tại nghĩa trang này. Đức Hồng Y Thuận qua đời vì ung thư tại Roma ngày 16.9.2002, thọ 74 tuổi. Em gái Đức Hồng Y là bà Hàm Tiếu cũng qua đời vì khối u ác tính ở não!


Mộ của Lm Tuyên uý Nguyễn Văn Đồi

Tại đây cũng là nơi an táng của Linh mục Tuyên uý trưởng / CĐCGVN Nguyễn Văn Đồi (sinh năm 1932, qua đời ngày 13.5.2006, hưởng thọ 74 tuổi), và Linh mục Chu Văn Nghi, bào huynh của Linh mục Chu Văn Chi, sang Úc chữa bệnh và mất ngày 5.8.2001... và nhiều khuôn mặt một thời hăng say trong các sinh hoạt tại các Giáo đoàn, mà người viết bài không thể kể ra hết...

Không rõ ai là người “tưng bừng khai trương” khu đất thánh này, nhưng nay với “nhân số” ngày càng đông và quy tụ đủ mọi thành phần, có lẽ Linh mục Nguyễn Văn Đồi cũng đã dư sức thành lập một Giáo Đoàn ở bên kia thế giới, với đầy đủ chức sắc và đoàn thể. Điều này cũng làm ấm lòng những người đang còn sống để tiếp tục cuộc hành trình “về nhà Cha”, vì không ai còn bơ vơ, dù sống hay chết trên xứ người...

Nguyễn Vi Túy
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 12:30 AM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.