UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thông tin - kiến thức về mai táng - tang lễ > Danh sách nghĩa trang

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 19-10-2012, 03:10 PM
accap accap đang online
Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 32
Mặc định Nơi nghệ sĩ trở về

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Chuyện lạ trong ngôi chùa và nghĩa địa của nghệ sĩ:
KỲ 1 - NGÔI CHÙA ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ

Có lẽ không đâu trên thế giới này, lại có một ngôi chùa và một nghĩa trang kỳ lạ và đặc biệt như vậy. Ngôi chùa là nơi tụ họp của các nghệ sĩ khi rời ánh đèn sân khấu và nghĩa địa là nơi để các nghệ sĩ… “trở về”.

Trong một con ngõ nhỏ thuộc xã Hạnh Thông Tây (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) có một ngôi chùa màu mè xanh đỏ khá nổi bật: Chùa Nghệ Sĩ.

Mấy câu thơ: “Buông bức màn rồi danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Người vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường" treo trên tường khiến mỗi người vào chùa viếng thăm các nghệ sĩ đều cảm thấy một nỗi buồn man mác.


“Người vào” ở đây là các thế hệ nghệ sĩ cải lương miền Nam. Sau khi rời ánh đèn sân khấu, trở về với cát bụi, họ được an táng ở đây. Phía sau ngôi chùa có cái tên khá lạ này, có một đài tưởng niệm giản dị với dòng chữ: Nghĩa trang Nghệ Sĩ.

Tỷ phú… vào chùa

Hò hẹn mấy lần, rồi tôi cũng gặp được ông bầu Xuân. Bầu Xuân tuy là chủ ngôi chùa này, nhưng ông không xuống tóc đi tu, nên không phải là hòa thượng.

Tên thật của ông là Diệp Nam Thắng, từng là Giám đốc hãng giấy Kiss Me, chủ hãng thầu xây dựng Nam Thắng. Tuy nhiên, do mê nghiệp cầm ca, nên ông chủ thầu này đã rẽ ngang sang làm nghệ thuật.

Ông trở thành ông bầu của đoàn Dạ Lý Hương, từng làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương Sài Gòn một thời. Cũng chính vì thế, người dân Sài Gòn đều quen cái tên bầu Xuân, còn cái tên ông tỷ phú Nam Thắng thì không mấy ai biết đến. Cái duyên với nghệ thuật vẫn đeo đuổi đến già, để rồi giờ đây, ông trở thành người quản lý ngôi chùa có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới này.


Khuôn viên chùa.


Nghệ sĩ cải lương chịu ảnh hưởng sâu đậm tính cách giang hồ của người dân miền Tây Nam Bộ. Họ sống tập trung thành một gánh hát, lưu diễn tha phương, thu nhập không ổn định, thường bị ức hiếp, nên nghệ sĩ cải lương tập hợp nhau lại, lập nên Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế nhằm giúp đỡ nhau lúc bệnh tật, già yếu, khó khăn. Họ bầu nghệ sĩ Bảy Phùng Há làm hội trưởng.

Sau khi thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế, bà Bảy Phùng Há tính đến chuyện kiếm mảnh đất để anh chị em nghệ sĩ có nơi mồ yên mả đẹp.

Năm 1958, nhờ quen biết, bà Bảy Phùng Há đã vận động được ông Trần Quốc Bửu, chủ Trường đua ngựa Phú Thọ quyên góp một khoản khá lớn để bà thực hiện ý tưởng xây dựng nghĩa trang cho các nghệ sĩ nghèo khổ trong Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế.


Sanh phần xây sẵn của nghệ sĩ Phùng Há.

Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ mua mảnh đất hoang giữa cánh đồng thuộc xã Hạnh Thông Tây rộng hơn 6.000m2. Không có tiền, mảnh đất bị bỏ hoang suốt 10 năm trời.

Thấy mảnh đất bỏ hoang, ông Năm Công, khi đó là ông bầu của đoàn cải lương Lê Minh Công đã xin bà Phùng Há cho cất am để tu hành, rời bỏ cõi tục.

Am xây một năm thì xong, bầu Năm Công trở thành người của cõi Phật với pháp danh Thích Quảng An. Tuy nhiên, dù đã quy cửa Phật, song ông vẫn không thoát được vòng tục lụy, vì nợ nần còn chồng chất. Vì thế, ông đành phải để lại am cho đại gia Diệp Nam Thắng, tức bầu Xuân.

Tiếp quản xong, ông bầu Xuân tiến hành xây dựng, mở rộng am thành một ngôi chùa bề thế, lấy tên là Nhựt Quang Tự. Tuy nhiên, không mấy ai biết đến cái tên này, mà cứ gọi là Chùa Nghệ Sĩ.


Nghĩa trang sau chùa là nơi các nghệ sĩ... "trở về".

Phía sau chùa, ông dành phần lớn đất để xây dựng nghĩa trang và tháp đựng tro cốt. Nghệ sĩ nào muốn địa táng thì vào nghĩa trang, còn muốn hỏa táng thì tro cốt được đựng trong bình rồi xếp vào những tháp cốt nằm trong một khu vườn yên tĩnh cạnh nghĩa trang.

Từ đó đến nay, đã qua gần 4 thập kỷ, nhiều nghệ sĩ cải lương đã qua đời và được mai táng về đây.

Cuộc đời buồn của nữ nghệ sĩ lừng anh một thời

Người có ý tưởng, công lao đầu tiên và lớn nhất để xây dựng nên ngôi chùa và nghĩa trang này là nghệ sĩ Bảy Phùng Há thì vẫn còn đó.

Mấy chục năm an dưỡng tuổi già trong ngôi chùa này, bà lần lượt chứng kiến các thế hệ cả trước và sau bà về với cát bụi. Tuy đất nghĩa trang đã hết, song mộ phần của bà đã có sẵn, to, đẹp và nằm ngay cạnh sân chùa.


Bà Phùng Há, người nghệ sĩ tài hoa một thời, giờ sống nhờ lòng hảo tâm của người đời.

Nghệ sĩ Bảy Phùng Há hiện đang đếm lùi thời gian cuộc đời trong một căn phòng ở hậu liêu sau chùa, sát bên nghĩa trang bằng những tiếng mõ lốc cốc đều đặn.

Ở tuổi 99, bà đã lùi xa ánh đèn sân khấu mấy chục năm nay và trong câu chuyện với tôi, bà đã có ít nhiều lẫn cẫn, song cái tính nghệ sĩ thì vẫn còn.

Tôi bảo muốn chụp tấm hình để đăng báo, bà bảo xấu thế này lên ảnh không được, rồi kêu người trong chùa đỡ bà vào buồng thay quần áo.

Bà chuẩn bị quần áo, rồi son phấn trước gương suốt một tiếng đồng hồ mới xong. Tôi ngước nhìn những tấm hình chụp bà lúc rực rỡ trên sân khấu với những khoảnh khắc thăng hoa mà xót xa cho cảnh tuổi già đơn chiếc. Thời gian không chừa ai cả.

Bà Bảy Phùng Há có tới 4 người con, nhưng chỉ có một người con lấy chồng bên Pháp là còn sống. Những người con khác đều bệnh tật rồi chết trẻ cả.

Người con gái sống bên Pháp cũng đẻ cho bà được hai cháu ngoại, tuy nhiên, họ đều nghèo khó, nên chả về thăm bà được, cũng không thấy trợ cấp gì cho bà.

Bao nhiêu năm nay, bà Bảy Phùng Há sống nhờ sự quyên góp của bạn bè, đồng nghiệp. Giới nghệ sĩ đến viếng nghĩa trang, thăm cảnh chùa, trông thấy cô đào lừng danh một thời, giờ già cả lú lẫn, xót thương bỏ vào túi áo bà dăm ba hào. Tiền đó, bà dành dụm, thi thoảng lại nhờ người ra bưu điện gửi cho hai đứa cháu ở bên Pháp. Bà giờ già cả, cơm chay của chùa, chút lộc vãi cũng đủ ấm bụng.

Còn nữa...
Đặng Anh (Theo vtc.vn)
Trả lời với trích dẫn


  #2  
Cũ 19-10-2012, 03:10 PM
sai-gon sai-gon đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 16
Mặc định

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

KỲ 2- NƠI NGHỆ SĨ TRỞ VỀ
Bầu Xuân dẫn tôi đến trước một ngôi mộ và bảo đó là nghệ sĩ Năm Đồ. Điêu Thuyền trên sân khấu ngày xưa, với “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, giờ chỉ còn lại một nấm mồ hưu quạnh, không người viếng thăm.

Dạo một vòng quanh nghĩa trang Nghệ Sĩ, người viếng thăm được thấy lại những thế hệ nghệ sĩ cải lương vang bóng một thời trên sân khấu.

Như còn văng vẳng đâu đây giọng ca mê đắm lòng người của những Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Bảy Cao, soạn giả Hoa Phượng, Hà Triều, hề Tư Rọm, Quốc Hòa, Kim Quang…

Tính đến nay, trong ngôi chùa Nghệ Sĩ này có tất cả 546 ngôi mộ được xây đắp chu đáo và 500 lọ hài cốt chứa trong hai tháp cốt trong vườn chùa.


Nơi đây, các nghệ sĩ "trở về", sau một cuộc đời đầy vinh quang, sóng gió.

Bầu Xuân giờ đã già cả, song giọng ông vẫn sang sảng và trí nhớ vẫn rất tốt. Người đầu tiên được ông đưa về ngôi chùa này là nghệ sĩ Tư Út.

Kép Tư Út mất ở Campuchia năm 1946, khi tuổi đời mới 36, đang đi hát cho gánh Phụng Hảo của cô Bảy Phùng Há. Ông mất lâu lắm rồi, nhưng gia đình nghèo khó, không có điều kiện đưa ông về quê nhà. Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế đã đứng ra lo cả, rồi chôn cất ông trong ngôi chùa này từ năm 1970.

Ngoài nghệ sĩ Tư Út còn có hai nghệ sĩ khác mất ở nước ngoài, nhưng hài cốt được đưa về chùa mai táng, đó là Hữu Phước (mất ở Pháp) và Hùng Cường (mất ở Mỹ).

Không phải chỉ riêng nghệ sĩ Bảy Phùng Há mà tất cả những nghệ sĩ trên đất nước này nếu cần sự cưu mang, Chùa Nghệ Sĩ sẵn sàng giang tay cứu độ.

Ai đói sẽ được lo cơm ăn, già cả neo đơn có nơi tu tịnh, chết được lo mai táng chu đáo, với đầy đủ nghi lễ, để ai cũng có thể ngậm cười nơi chín suối. Xướng ca vô loài, số kiếp nghèo cứ như thiên định với phần lớn những người theo nghiệp cầm ca.

Bầu Xuân dẫn tôi đến trước một ngôi mộ và bảo đó là nghệ sĩ Năm Đồ. Điêu Thuyền trên sân khấu ngày xưa, với “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, giờ chỉ còn lại một nấm mồ hưu quạnh, không người viếng thăm.

Khi bầu Xuân đưa về chùa, bà chẳng có gì ngoài manh chiếu rách và một thân thể còm nhom. Người qua được thấy bà nằm thoi thóp bên lề phố, thương xót đưa về chùa.


Tháp cốt đựng tro của các nghệ sĩ.


Sống trong vòng tay Phật chẳng được bao lâu thì bà “đi”. Người con trai là nơi nương tựa của bà cũng chết trong một căn nhà rách nát vì không có tiền chữa bệnh.

Một thân phận nghệ sĩ bi thương không kém là nghệ sĩ Bảy Cao. Ông nằm kia trong nấm mộ hắt hiu, áo bạc màu sờn vai nhưng vẫn khuôn mặt tươi cười hóm hỉnh.

Nghệ sĩ Bảy Cao tên thật là Lê Văn Cao, sinh năm 1916, tại Bạc Liêu, người sáng lập gánh hát Hậu Tấn Bảy Cao, sau đổi thành Hoa Sen.

Ông nổi tiếng là “thần đồng” vọng cổ, bởi chỉ nghe một lần đã thuộc. Năm lên 7 tuổi ông đã biết ca rất nhiều bản ngắn, bản dài.

Thế nhưng, ông bầu kiêm danh ca lừng danh, người từng làm một cuộc cách mạng gắn cải lương với điện ảnh phương Tây, một soạn giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, khi về với cát bụi cũng chẳng có một cái hòm để nằm. Chùa Nghệ Sĩ phải đứng ra mua hòm và chôn cất đàng hoàng với đầy đủ các nghi lễ.

Ông bầu Xuân là người mê cải lương, nhưng vì là người làm kinh doanh giỏi, nên dù sao ông cũng có đầu óc thực tế. Ông nhìn rõ cuộc đời nghệ sĩ từ bên trong. Ông bảo, giới nghệ sĩ có tính khoáng đạt hơn người, kiếm được bao nhiêu tiền thì xài bấy nhiêu, không cần biết đến ngày mai.

Chính ông cũng biết rất nhiều nghệ sĩ, lúc nổi danh, họ có thể đốt cả trăm triệu trên xới bạc, cả tỉ đồng trên sàn cá độ bóng đá, nhưng lúc “về chiều” lại chẳng còn gì. Đến chỗ nương thân cũng không có.


Giọng ca cải lương lừng danh một thời của miền Tây Nam Bộ, giờ cũng đã mồ yên mả đẹp.

Mới đây, một nghệ sĩ phải ẩn náu trong chùa vì bị đám xã hội đen truy tìm tróc nợ. Số nghệ sĩ như vậy hầu như là ở thời nay, còn nghệ sĩ xưa phần lớn đều nghèo khó thực sự, đều là kiếp “xướng ca vô loài” cả.

Tuy nhiên, thời nay, cũng có những nghệ sĩ rơi vào kiếp nghèo khó thực sự. Trong nghĩa trang, một nấm mồ còn sáng màu vôi, tấm bia ghi: Nghệ sĩ Đức Lợi, mất ngày 18-8 năm Ất Dậu (2005).

Nghệ sĩ Đức Lợi sinh năm 1948, và là nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.

Tên tuổi nghệ sĩ Đức Lợi đã khắc đậm trong lòng khán giả qua các vai diễn: Mã Văn Tài (Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài), Sơn Đằng (Cầu mộng đêm trăng), Đường Thế Dân (Đơn Hùng Tín), vua Anh Tôn (Xử án Phi Giao), Hoàng Phủ Thiếu Hoa (Mạnh Lệ Quân), Trần Khánh Dư (Anh hùng bán than)... Nổi bật nhất là vai Nguyễn Huệ trong vở Mặt trời đêm thế kỷ, mang lại cho anh HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.

Khán giả hâm mộ không thể quên một kép hát oai phong, dõng dạc với giọng ca trầm ấm, khảng khái trong nhiều vở tuồng kiếm hiệp mà một thời đoàn hát Kim Chưởng tung hoành khắp miền Nam.

Nhưng rồi bệnh tật đeo bám dai dẳng khiến anh phải sống bằng trợ cấp của những tấm lòng hảo tâm. Khi anh nằm xuống, nhờ tấm lòng của những người nghệ sĩ, anh được về với chùa, để được Tổ nghiệp độ.

Trong nghĩa trang toàn những nghệ sĩ cải lương này, người ta thấy nấm mồ khang trang nằm ngay lối vào của diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh.

Ngày anh đi, không biết bao nhiêu nước mắt khán giả đã đổ. Có cả những hận thù của khán giả dành cho cô người yêu của Tuấn Anh, mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chàng.

Người yêu của Tuấn Anh giờ sống ở nước ngoài, nhưng thi thoảng cô vẫn về đây thắp hương cho chàng và tâm sự nhiều với ông Xuân.

Người nghệ sĩ từng lấy nước mắt của hàng triệu trái tim hâm mộ, giờ cũng đã mồ yên mả đẹp trong nghĩa trang.

Ông Xuân là người rất hiểu bản chất của giới nghệ sĩ. Trong con mắt khán giả, họ là thần tượng, nhưng trong cuộc sống đời thường, chưa chắc họ đã là người hoàn hảo. Cô người yêu không chịu được một số bản tính của chàng nên nhắm mắt dứt áo ra đi. Vì quá si tình, chàng hai lần uống thuốc tự tử. Nhưng lần đầu được cứu sống, còn lần sau, chàng uống quá đà nên không tỉnh lại được nữa.

Tuấn Anh là người duy nhất không phải nghệ sĩ cải lương được chôn ở chùa. Anh từng là đứa trẻ lớn lên từ đường phố, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Đến lúc chết đi, cũng chẳng có gì ngoài sự hâm mộ của khán giả cả nước.

Hàng năm, bạn bè vẫn đến cắm nhang trên mộ và trò chuyện rất lâu với anh. Ông Xuân kể rằng, anh chàng diễn viên này linh lắm. Ngày xưa, đám bạn chơi thân với nhau hứa trước mộ Tuấn Anh rằng, sẽ góp tiền xây mộ đàng hoàng cho anh. Hứa rồi, ai cũng quên, nên đêm nào đám bạn này cũng mơ thấy Tuấn Anh về dọa cho đổ xe nếu không thực hiện lời hứa. Mấy người bạn trong nhóm đều bị đổ xe thật, người gãy tay chân, người xây xước mặt mũi. Sợ quá, họ phải gom góp tiền bạc xây xướng mộ anh khang trang như bây giờ.


Mộ phần của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga.

Bầu Xuân bảo rằng, ông không tin mấy chuyện ma quỷ hiện hình, nhưng từ ngày quản lý ngôi chùa và cái nghĩa trang chôn toàn nghệ sĩ này, ông như sống giữa vùng đất của lằn ranh ảo và thực.

Có lẽ cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga còn chưa rõ ràng, nên cô chưa về được cõi siêu thoát. Rất nhiều người khẳng định đã “nhìn” thấy cô như một cơn gió nhẹ. Hồi Thanh Nga mới mất, thầy chùa Mười Hai đêm nào cũng nhìn thấy Thanh Nga đứng rất lâu bên rèm cửa nghe tụng kinh.

Dân chúng quanh vùng thường mang quà, lễ đến mộ cô khấn xin trúng số đề. Không biết trúng trật ra sao, nhưng nhiều người bảo cô thương người nghèo nên hay cho họ trúng lắm. Có người vừa khấn vái cô xong, ra khỏi chùa, nhặt được sợi dây chuyền cả chục cây vàng (?!).

Chính nghệ sĩ hài Hà Linh, con trai nghệ sĩ Thanh Nga cũng kể với ông Xuân rằng, mẹ anh linh lắm, cứ về “thăm” con trong giấc mơ hoài. Hà Linh tin mẹ luôn dõi theo từng bước chân, nên trước khi làm gì, đi đâu, anh đều ra tận mộ hỏi ý kiến mẹ.


Ai cũng bảo, vì chết oan, nên nghệ sĩ Thanh Nga linh lắm.

Dẫn tôi đi thăm một vòng chùa và nghĩa trang Nghệ Sĩ, ông bầu Xuân trở nên trầm ngâm. Sống ở đây nhiều năm, tiễn đưa nhiều linh hồn nghệ sĩ, có lẽ ông tin vào kiếp luân hồi.

Người nghệ sĩ thờ phụng Tổ Nghiệp. Tổ nghiệp sân khấu cũng là một dạng với đạo Phật, vậy nên khi sống thì Tổ nghiệp độ cho nghệ sĩ hành nghề, khi chết thì Phật độ cho nghệ sĩ siêu thoát, vậy nên nhà thờ Tổ nghiệp và chùa nghệ sĩ là hai nơi linh thiêng cho tâm hồn và linh hồn của người nghệ sĩ.

Đặng Anh (Theo vtc.vn)
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 07:56 PM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.