UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thư giãn - Tâm sự > Thế giới quanh ta

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 23-10-2012, 01:19 PM
codaco codaco đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 16
Mặc định Người đi soi tiền

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Người đi soi tiền
TTCT - 18g45 ngày 2-9-2008 trên bãi Sau thành phố Vũng Tàu, khi những người khách tắm biển cuối cùng chuẩn bị lên bờ, một tốp gần chục người đàn ông, có cả con nít, tay lăm lăm đèn pin, lội bì bõm trên biển, thỉnh thoảng nghe họ la lên rồi nhào đến chộp lấy một cái gì đó. Họ làm gì thế nhỉ?

Bắt ốc, bắt cua, bắt cá? Không phải.

Nhặt rác trên biển? Càng không phải.

Phải mất gần nửa giờ đi theo quan sát tôi mới phát hiện ra đang làm một công việc độc nhất vô nhị trên thế gian này: dùng đèn soi trên mặt biển để vớt tiền đánh rơi của khách tắm biển.

Của trời ơi

Phải mất gần 15 phút bắt chuyện, một cậu bé tên Minh mới ngại ngùng nói chuyện với tôi. Minh năm nay 14 tuổi nhưng nhìn nhỏ xíu như cậu bé mới lên mười. Minh là dân nhập cư, đang ở nhà trọ cùng với ông bà ngoại, tuy 14 tuổi nhưng năm nay mới chỉ học lớp 6.

Lăm lăm cây đèn pin trong tay, mắt dáo dác nhìn xung quanh, Minh chỉ tay về phía một người đàn ông đang lầm lũi soi đèn trước mặt, giọng ngượng nghịu:

- Ông ngoại cháu đó, cũng đi soi tiền như cháu. Mấy năm nay năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ tết, ngày 30-4 hay 2-9 cháu và ông đều ra biển soi tiền để kiếm chút đỉnh trả tiền phòng trọ, còn dư ra thì mua sách vở.

Dưới ánh đèn pin trong tay chú bé, mặt biển ngầu đục, đầy rác với vô số vỏ bao mì gói, bánh kẹo. Tôi hỏi:

- Nước đục và nhiều rác như thế này làm sao trông thấy tiền?

Minh đứng ngẩn người ra một lúc rồi gật đầu:

- Năm nay biển dơ, đầy rác nên khó nhìn thấy tiền. Họ ăn uống cái gì mà xả rác ghê quá!

Tôi lại hỏi:

- Hôm qua hai ông cháu soi được nhiều tiền không?

Thằng bé trả lời với vẻ miễn cưỡng:

- Hôm qua ngày mồng 1 ít khách, hai ông cháu soi cả đêm chỉ được mấy chục ngàn đồng.

Rời khỏi Minh, tôi bước nhanh về phía người đàn ông trước mặt. Khác với vẻ e ngại ngượng ngùng của chú bé, người đàn ông đứng tuổi này có vẻ rất cởi mở.

Nhận ra có người đang đi theo sau lưng mình, ông ta ngoảnh lại la lên:

- Này cô, nếu có vớt được tiền thì nhớ cưa đôi đấy!

Năm phút sau, người đàn ông bỗng ngồi thụp xuống, hai tay sục sạo trong làn nước biển đục ngầu.

- Đây rồi! Ông ta la lên rồi đưa về phía trước một tờ tiền đẫm nước.

Soi chiếc đèn pin vào tờ tiền, ông ta reo lên:

- A! 50.000 đồng, đã quá!

Tôi hỏi:

- Từ tối đến giờ bác soi được bao nhiêu tiền rồi?

Người đàn ông thò tay vào túi quần rồi xòe ra trước mặt tôi. Dưới ánh đèn pin tôi thấy hai tờ giấy bạc ướt nhẹp, một tờ 50.000 đồng và một tờ 20.000 đồng. Ông ta bỗng cười ha hả:

- Đi soi tiền như vầy chẳng khác gì đi tìm của trời ơi. Trời cho sao thì được vậy. Nếu cộng lại hai ngày thì tiền tôi soi được đủ ăn gạo nửa tháng...

Những chuyện vui buồn...

Những người soi tiền ban đêm trên biển Vũng Tàu
Chợt nghe có tiếng người gọi, người đàn ông quay lại, nói nhỏ với tôi:

- Bà xã tôi mang cơm ra đó!

Dưới ánh đèn pin tôi nhận ra một người đàn bà đã có tuổi, vóc dáng gầy yếu, xách một cái giỏ chứa hộp đựng cơm.

Thấy người đàn bà nhìn tôi có vẻ khó chịu, người đàn ông đỡ lời:

- Cô này là du khách tắm biển, thấy mình làm việc lạ lẫm quá nên đi theo hỏi thăm thôi. Bà có mang cơm cho thằng Minh không?

Người đàn bà khẽ gật đầu rồi biến nhanh vào bóng tối. Người đàn ông quay sang nhìn tôi mỉm cười.

- Bà xã tôi hay ghen lắm. Cái gì cũng phải giải thích rõ ràng...

Ăn loáng một chút đã xong bữa cơm, người đàn ông xuýt xoa:

- Hôm nay ăn cơm ngon quá, có lẽ do đói từ sáng đến giờ.

Khi tôi hỏi người đàn ông tên gì, ông ta cười, giọng buồn buồn:

- Tên với tuổi làm gì cho dài dòng hả cô. Ở đây người ta gọi tôi là ông Hai hay chú Hai. Quê tôi ở Cà Mau, ngày trước có ao nuôi tôm nhưng sau vài vụ thất bát nên trắng tay, phải trốn lên đây lánh nợ. Thằng con rể cũng vậy, phải đi biệt xứ để trốn nợ, vợ nó, tức đứa con gái của tôi, sinh con được vài tháng thì qua đời, để lại đứa cháu cho ông bà ngoại nuôi đến bây giờ.

Ngày thường vợ chồng tôi đi nhặt ve chai, mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng đắp đổi qua ngày. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, ai cũng có ý thức tiết kiệm nên chẳng mấy ai vứt thứ gì ra đường, mỗi ngày dù đi mỏi cả chân cũng chẳng nhặt được gì. Tiền nhà trọ thiếu nửa năm mới trả một lần, rồi còn tiền giấy bút ăn học cho thằng cháu ngoại nữa. Vì vậy vợ chồng và đứa cháu mới rủ nhau ra đây soi tiền.

Ông Hai ngừng nói, mắt nhìn đăm đăm ra biển. Một lúc sau, ông nói tiếp, giọng xót xa:

- Nghèo thì nghèo vậy chứ nhiều khi soi được tờ tiền lớn cũng không thấy vui.

Nghe ông Hai nói tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Sao thế bác?

Giọng ông buồn buồn:

- Cái nghề này vậy chứ thất đức lắm, được lòng ta xót xa lòng người. Tết năm ngoái tôi soi được một “con cò xanh” (giấy 500.000 đồng), mang về nhà thanh toán được nửa năm tiền trọ. Nhưng ban đêm nằm nghĩ lại ngủ không được... Cô biết vì sao không? Vì tiền mà tôi soi được có lẽ là tiền của một người nghèo, một cô công nhân xí nghiệp nào đó chẳng hạn. Người giàu thì không bao giờ làm rơi tiền ở biển vì có tiền họ thuê phòng khách sạn để đó, chỉ mặc mỗi đồ tắm ra biển thì làm sao mất tiền. Chỉ tội mấy cô công nhân, không có tiền thuê phòng để đồ, lại ngại mặc đồ tắm nên cứ để nguyên đồ như vậy nhảy xuống biển tắm. Sóng biển vỗ ầm ầm và như thế có đồng nào trong túi trôi hết ra biển. Thử tưởng tượng một cô công nhân sẽ đau khổ biết dường nào khi bỗng dưng bị mất 500.000 đồng?

Ông Hai đứng dậy, chuẩn bị tiếp tục công việc của mình. Tôi cố đi theo hỏi ông mấy câu:

- Làm nghề này cũng có vui buồn chứ bác?

Ông Hai đứng khựng lại nhìn tôi rồi bật cười:

- Có, vui buồn gì cũng có hết. Kỷ niệm buồn hả: mồng 5 tết năm nay, vào buổi tối, tôi bị một đám côn đồ trấn lột hơn 100.000 đồng tiền soi được, chúng còn đánh tôi phải nằm ở nhà mất khoảng tuần lễ. Còn kỷ niệm vui: cách đây hai năm, khi đi soi tôi nhặt được một chiếc khăn tay thêu hình hai con chim rất đẹp, thấy chiếc khăn đẹp quá tôi mang về cất. Mấy tháng sau, khi đang đi soi bỗng có một người đàn bà đến hỏi tôi rằng cách đây mấy tháng tôi có nhặt được chiếc khăn tay nào như vậy không? Tội nghiệp bà ta, khi tôi trả lại chiếc khăn bà ôm mặt khóc nức nở, thì ra đó là chiếc khăn mà người chồng sắp cưới tặng bà trước lúc lên đường vào Nam chiến đấu, sau đó ông đã hi sinh trên chiến trường...

Chào tạm biệt ông Hai, tôi đi về phía ngọn đèn le lói trước mặt. Khi đến gần, tôi ngỡ ngàng nhận ra người soi tiền là một phụ nữ gầy gò, đứng tuổi. Đến gần chị, tôi cất tiếng chào và hỏi thăm xem từ tối đến giờ chị có soi được gì không. Cũng như bé Minh, chị đứng ngẩn người nhìn ra biển, rồi ngao ngán lắc đầu:

- Biển năm nay nhiều rác quá nên khó nhìn thấy gì, nhưng dù vậy từ tối đến giờ tôi cũng kiếm được mấy chục ngàn đồng.

Giọng nói của chị đặc sệt miền Trung. Sau gần nửa giờ trò chuyện tôi biết chị tên Thắm, quê ở Bình Định, vào Vũng Tàu sinh sống đã hơn mười năm. Chồng chết, chị phải nuôi ba đứa con, hai đứa còn đang đi học. Ngày thường chị đi buôn ve chai, ngày lễ, ban ngày thì bán hàng rong, xách nước cho khách tắm, ban đêm tranh thủ xách đèn đi soi tiền. Chị cười: “Tranh thủ kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy mua sách vở cho các cháu nhân dịp khai giảng, chứ giàu có gì cái nghề trời ơi này”.

Tôi hỏi:

- Thế có bao giờ chị gặp may chưa?

Suy nghĩ một lúc, chị gật đầu:

- Có, cách đây ba năm, vào dịp lễ 30-4, trong lúc đi soi tiền tôi vớt được một cái đồng hồ. Lúc đầu soi thấy nó tôi cứ tưởng là con tôm con ghẹ gì đó, khi đưa tay mò xuống mới biết đó là cái đồng hồ. Có lẽ nó đã ở dưới biển khá lâu, rong rêu cua ốc bám đầy bên ngoài, nhưng khi mang lên bờ nó vẫn còn chạy. Lần ấy mang ra tiệm đồng hồ tôi bán được gần 2 triệu đồng, người ta mua giá cao vì nó được cẩn hột xoàn. Số tiền này tôi gửi về quê xây mộ cho ba của tụi nhỏ, tội nghiệp, ổng chết cả chục năm rồi mà mộ chỉ là một nấm đất hoang tàn. Cảm ơn trời đất run rủi cho tôi có cơ hội báo đáp tình nghĩa vợ chồng.

Năm phút sau, chị bỗng bước nhanh về phía một con sóng, cúi xuống mò mẫm một lúc rồi đưa lên. Dưới ánh đèn tôi nhận ra trên tay chị là tờ giấy bạc 10.000 đồng. Chị nói như reo: “Tối nay như vậy được cả thảy là 40.000 đồng”.

Gần 10g đêm, trước khi chia tay chị về nhà, tôi quay sang hỏi chị câu đã hỏi ông Hai. Chị Thắm phá lên cười:

- Vui à! Có, đợt 30-4 vừa rồi tôi đi soi tiền gần 9g tối. Lúc ấy trời mưa lất phất, bỗng tôi trông thấy một cô bé khoảng tuổi đứa con gái thứ hai của tôi ngồi một mình trên bãi biển khóc thút thít. Tôi lại gần hỏi sao giờ này chưa về nhà. Cô bé nói nhà ở Sài Gòn, buồn chuyện gia đình nên không muốn sống nữa. Sợ cô bé tự tử, tôi liền lấy xe đạp chở cô bé ra tận bến xe, bắt chuyến cuối cùng cho cô bé về nhà. Chờ xe chạy tôi mới quay về. Đêm đó đi soi chẳng được đồng nào nhưng về nhà vẫn thấy vui...

Chia tay chị Thắm tôi đi bộ về nhà. Quay đầu nhìn ra biển một lần nữa, trước mắt tôi thỉnh thoảng hiện lên những vệt sáng mờ đục của những chiếc đèn soi bé tí xíu, những vệt sáng mỏng manh và yếu ớt như hi vọng đổi đời của bao con người nghèo khổ đang sống quanh tôi...

NGUYỄN THU NGA
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:10 AM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.