|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
#1
|
|||
|
|||
Ngồi một mình
NGỒI MỘT MÌNH Trang Châu Cư sĩ: Th. Mai đánh máy Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo số 67. Ngồi một mình đôi lần thấy quạnh hiu. Bỗng dưng nhớ ồn ào phố thị, nhớ bạn bè và những cuộc chơi… Trên chuyến tàu cuộc đời một chiều phía trước, biết ai sẽ là người bạn đồng hành còn nhớ tới ta khi chia tay về ngã rẽ chuyến đời riêng? Biết ai rồi sẽ phũ phàng quay lưng, xa lạ hận thù? Có những gương mặt thân quen không biết tự bao giờ đã nhạt nhòa theo năm tháng, họ đang ở đâu giữa những trạm dừng? Ngày vui chóng qua, cùng ngày buồn đọng thành nỗi nhớ… Ngẩn ngơ lục tìm ký ức, này đây là gương mặt quen thân từng ngỡ mãi chia sẻ, cảm thông với mình; này đây là gương mặt ước không phải chung đụng mỗi ngày, mỗi việc; này đây là gương mặt từng ghi lại trong ký ức mình một chút kỷ niệm buồn vui; và, này đây là gương mặt cho mình niềm vui và cảm giác bình yên; này đây là gương mặt người quen thân mới… Người đến, người đi, có người ở lại. Chắc rồi sẽ còn những gương mặt xa lạ trở nên quen thân, và biết đâu trong những gương mặt quen thân bây giờ cũng có ngày trở thành xa lạ! Ngồi một mình, thấy mình dẫu sao cũng thật đủ đầy hạnh phúc. Cho dù có còn ít người thôi nhưng mỗi bình minh, mỗi hoàng hôn họ mãi là chốn bình yên cho mình trú ngụ: ba mẹ, anh em, thầy bạn. Những ân tình hòa trong dịp thở, trong máu xương và chẳng chia biệt vì bất cứ gì… Với mắt có thể nhìn, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi… những hoa lá xinh tươi, những lời tiếng thăng trầm, những hương vị nồng thơm cay ngái… cuộc đời bấy nhiêu thôi đã đẹp. Sá gì chút hơn thua hay thiếu thốn, buồn phiền chẳng thể né tránh được trong đời. Thân xác này của dày công sinh dưỡng; tâm hồn này là của vấn vương từ mấy độ tử sinh… thì thôi dang tay mà đón nhận, mở con mắt nhìn bao vay trả trả vay. Mặc ai thực hư, vẽ vời trần gian lắm nỗi, chi một đời, chi mà oan uổng tấm thân! Ngồi một mình chợt thấy ra mình cũng chưa thành thật với chính mình. Có một góc thẳm sâu nào đó đè nén những tiếng nói đầy tham vọng: được khen tặng, được yêu thương, được danh tiếng, được giàu có sung túc, được mãi bình yên, được hoài trẻ đẹp… Biết mấy cho vừa mà cứ ngỡ mình đang biết đủ, đang sống trọn vẹn với những gì mình đang có trong vòng tay. Và, hãy còn một góc nào đó giấu kính những tiếng nói của sự chống trái cuồng si: Ai cũng vô thường, cái gì của ai cũng vô thường nhưng không phải là ta hay người thân ta; chẳng ai trên đời là toàn vẹn, nhưng mình là luôn tốt, luôn đúng, luôn chịu thua thiệt, oan ức, còn người khác thì không. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những tiếng nói kỳ lạ ẩn kín thoát ra đằng sau những lời chúc tụng, chia buồn mà chính mình cũng chẳng dám gọi tên, hình như là lòng ganh tỵ, sự hả hê! Ngồi một mình, chợt nhận ra hơi thở mình củn lủn như người chưa từng biết thở. Những trong lành, những sâu lắng chưa kịp vào thân đã vội hắt ra. “Hít vào thật sâu, thở ra thật dài”. Thở thôi, đã khó. Hơi thở cũng triết lý cao vời. Chớ chi ai cho mình bình tâm và nghị lực khi giận dữ, khi mất mát, âu lo… Hơi thở cũng là sự sáng suốt, vững chãi và bình lặng đến không ngờ. Dường như trong hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng đã sẵn có tiếng nói hóa giải sân giận, khổ đau, cho lòng bao dung và khả năng buông bỏ. Còn thở, còn khả năng để trở lại làm chủ bản thân. Trọn vẹn hơi thở cho trọn vẹn nụ cười. Ngồi một mình, có khi lòng nổi trôi, có khi vô cớ buồn, cũng có khi thật trống trải cô đơn. Nhưng thi thoảng ngồi một mình, chỉ một mình thôi, ta nhìn ra được rằng, mỗi tan hợp, mỗi mất còn, mỗi thành công thất bại… là mỗi nhân duyên mầu nhiệm đưa mình đến những bến lạ đầy thử thách và cũng đầy hứa hẹn của cuộc đời. CÁM ƠN ĐỜI Lê Đàn Nguồn: Báo Giác Ngộ số 469 – 470 Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa Mùa Xuân tới dạt dào sức sống mới. Nắng ấm về phơi phới cuộc đời tươi. Gió xôn xao gió hỏi chào em bé áo mới tung tăng như chim sáo trên đường. Giữa ruộng liền bờ lá lúa cứa chân mà lòng em cứ vui khấp khởi. Xuân có khác chỉ để mắt nhìn rạng rỡ, cây cối đâm chồi nẩy lộc non tơ. Xuân ùa vào câu đối đỏ nhà ai: “Tứ phương chiêu tài hỷ thiên hộ / Bát lộ tiến bảo phú vạn gia”. (Bốn hướng tiền vào vui ngàn chủ / Tám đường của tới phú vạn nhà). Nhà nhà mọi thứ đều được sửa sang làm mới. Người người tạm gác công việc thường ngày để đoàn tụ sum họp gia đình vui tết đón xuấn bằng bộ mặt vui vẻ yêu đời. Lắng nghe mùa xuân về rộn rã trong nắng xuân hồng ban mai có rất nhiều tiếng cười hơn mọi ngày trong lời chúc mừng năm mới. Ngoài ước mong tài lộc, người ta còn mong sao cho: “Suốt bốn mùa thư thái, thu tự tại ung dung, đông thong dong hùng tráng / Sang năm mới trẻ trung, xuân oai phong lịch lãm, hạ thanh thản an cư”. Lịch treo tường đã thay mới, hai chữ Kỷ Sửu màu đỏ nổi bật trên bức tranh chăn trâu Đông Hồ, có thêm năm chữ Nho màu đen nằm dọc một bên chú thích cho bức tranh: “Kỳ điệp cái thanh thanh” (Kỳ điệp: lá sen; cái: sáo; thanh thanh: âm thanh, trời xanh). Em bé chăn trâu, một lá sen che đầu, một lá sen lót ngồi thổi sáo trên lưng trâu to đùng; trâu ngếch tai lên trời xanh nghe tiếng sáo thanh tao. Hình ảnh quen thuộc con trâu bước chậm rãi trên con đường quê chiều vàng, có chiếc cầu ao, có cây đa bến nước con đò, có bà mẹ già ngồi bên mái tranh nghèo vương khói lam chiều bay lên theo mây trắng lững lờ trôi tít tắp về phía chân trời xa. Một khung cảnh làng quê thanh bình tuyệt đẹp! Vẫn như còn vẳng đâu đây câu hát cũ ngày xưa: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ! Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao, vui thú không quên học đâu…”. Em bé chăn trâu trong bài hát còn bé lắm, em mới vào lớp một đang học đánh vần i tờ, em rất yêu đàn trâu của mình. Mẹ kể rằng ngày xửa ngày xưa lâu lắm rồi, hồi ấy trâu biết nói. Một hôm em bé chăn trâu mãi ham chơi quên mở dây cho trâu đi ăn. Đến chiều tối hoảng quá, em bèn lấy mo cau và đất sét đắp vào bụng trâu hòng qua mặt chủ. Nhưng trâu đã thực thà nói hết sự thật với ông chủ: “No chi mà no, trong mo ngoài đất sét”. Trâu đành phải lên tiếng như vậy để ông chủ cho trâu ăn chút gì đó đỡ đói lòng, vì ngày mai trâu còn phải kéo cày. Trâu không thể làm cái công việc nặng nhọc ấy với cái bụng rỗng không. Em bé tuy bị đánh đòn vài roi nhưng em không hề giận trâu tí nào cả. Đây là câu chuyện cổ tích người xưa đặt ra để nhắn nhủ các em bé chăn trâu biết quý trọng trâu nhiều hơn nữa vì “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, con trâu là người bạn tâm tình: “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta / Cấy cày vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đấy ai mà quản công”. Trâu hiểu được lời tâm tình này chắc cũng mát ruột mát gan lắm ha! Tuy to xác như vậy nhưng trau rất hiền lành siêng năng cày bừa đồng gần đồng xa, ruộng sâu ruộng cạn; hết vụ này sang vụ khác, hết năm nọ tới năm kia, trâu không hề kêu ca phàn nàn dù thỉnh thoảng chịu chút roi vọt trên mỗi đường cày. Công việc chăn trâu chỉ cần giao cho em bé, trâu đâu có cần gì ngoài cỏ và nước lã, hai thứ ấy khỏi mất tiền mua, chỉ cần cho trâu ăn uống no đủ là trâu có thể sống khỏe mạnh để cày bừa. Thấy thì rất dễ, nhưng chăn trâu là cả một nghệ thuật. Trong tác phẩm Đường xưa mây trắng của thiền sư Nhất Hạnh (sách được xếp vị trí thứ 12 trong 40 quyển cuốn sách được bình chọn hay nhất thế kỷ XX). Thầy Nhất Hạnh đã kể cuộc đời của Bụt qua cái nhìn của một em bé chăn trâu tên là Svastika. Svastika bất ngờ được gặp Bụt lúc đó là một đạo sĩ đang tọa thiền dưới gốc cây bên bờ sông. Bị hấp dẫn bởi nụ cười hiền hậu của vị đạo sĩ và cách đối xử ân cần của Ngài đối với một người thuộc giai cấp tiện dân, Svastika cắt cỏ cúng dường đạo sĩ làm gối thiền và lót chỗ ngủ. Về sau, Svastika là người đầu tiên gặp Bụt và là người hầu chuyện với Bụt khi Ngài thành đạo. Qua Svastika, Bụt đã biết được nghệ thuật chăn trâu: “Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé có thể dễ dàng nhận ra được trâu của mình, biết hình tướng mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết cách chăm sóc những vết thương của trâu, biết đốt khói un để trâu không bị muỗi đốt, biết tìm đường đi an toàn cho trâu, biết thương yêu trâu, biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, biết bảo trì những vùng thả trâu và cuối cùng là biết để cho những con trâu lớn hơn làm gương cho những con trâu nhỏ”. Từ nghệ thuật chăn trâu của em bé Svastika, Bụt đã có một bài pháp để chỉ dạy cho các vị khất sĩ: “Một vị khất sĩ giỏi cũng phải làm tương tự như em bé chăn trâu. Nếu em bé chăn trâu nhận ra được trâu nào của mình thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra được những yếu tố tạo ra sắc thân của mình. Nếu em bé chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình thì người xuất gia cũng phải thấy được những hành động nào của thân của miệng và của ý là những hành động đáng làm và những hành động không đáng làm. Nếu một em bé chăn trâu biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết buông xả và gột rửa khỏi thân tâm những tham dục si mê và hờn oán. Nếu em bé chăn trâu biết cách chăm sóc chăm sóc những vết thương của trâu thì người xuất gia cũng phải biết trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để cho sáu đối tượng tức là sáu trần không thể lung lạc được mình. Nếu em bé chăn trâu biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt thì người xuất gia cũng phải biết đem đạo lý giải thoát để dạy cho người xung quanh để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân tâm họ. Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường đưa tới danh lợi, quán rượu và hý trường. Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu thì người xuất gia cũng phải biết quý trọng những niềm vui do thiền tập đưa tới. Nếu em bé chăn trâu biết tìm bến tốt cho trâu qua sông thì người xuất gia cũng phải biết nương tựa cà diệu lý bốn sự thật để biết bến biết bờ. Nếu em bé chăn trâu biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết rằng bốn lãnh vực quán niệm là mảnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát. Nếu em bé chăn trâu biết bảo trì những vùng đất thả trâu, không tàn hại phá phách môi trường nuôi trâu thì người xuất gia cũng phải cẩn thận và dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng và thu nhận của cúng dường. Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn trong đàn làm gương cho những con trâu con thì người xuất gia cũng phải biết nương tựa vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước” (Nghệ thuật chăn trâu – Đường xưa mây trắng – Thiền sư Nhất Hạnh). Bài pháp này Bụt dạy cho người xuất gia, nhưng cũng rất bổ ích cho những người Phật tử tại gia trong việc tu tập. Sự tu học cũng giống như việc chăn trâu. Nếu không đi theo con đường có bông hoa Chánh đạo thì sẽ bị “ma quỷ chận đường” gây thương tích trong thân thể và tâm hồn. Những vết thương do các độc tố tham sân si làm ung thối sẽ có thể làm hỏng cả sự nghiệp giác ngộ. Như em bé chăn trâu, nếu lỡ chọn con đường không an toàn, có quá nhiều gai góc thì trâu có thể sẽ bị thương, những vết thương sẽ làm độc, nếu em bé không biết cách chữa trị thì trâu có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Chuyện chăn trâu được những thiền sư ngày xưa vẽ thành tranh để phản ảnh nhiều khuynh hướng khác nhau trong việc tu tập. Có nhiều bộ tranh Thập mục ngưu đồ khác nhau. Hiện nay được truyền tụng nhiều nhất là tranh của hai họa sĩ áo nâu Thanh Cư và Quách Am, có thể xếp thành hai loại: - Tranh chăn trâu theo khuynh hướng Thiền tông gồm có mười bức: 1. Tìm trâu; 2. Thấy dấu; 3. Thấy trâu; 4. Được trâu; 5. Chăn trâu; 6.Cưỡi trâu về nhà; 7. Quên trâu còn người; 8. Người trâu đều quên; 9.Trở về nguồn cội; 10. Thỏng tay vào chợ. - Tranh chăn trâu theo khuynh hướng Đại thừa gồm có mười bức: 1. Chưa chăn; 2. Mới chăn; 3. Chịu phép; 4.Quay đầu; 5. Ngoan ngoãn; 6. Không ngại; 7. Tha hồ; 8. Cùng quên; 9. Riêng soi; 10. Dứt cả hai Dưới những bức tranh Thiền tông có bài tụng của Thiền sư Tắc Công và dưới tranh Đại thừa có bài tụng của Thiền sư Phổ Minh để diễn giải cho những bức tranh. Như bức tranh chăn trâu Thiền Tông số 5 có tên: Chăn trâu. Bức tranh này vẽ hình em bé chăn trâu tay cầm roi dắt trâu với bài tụng như sau: Tiên sách thời thời bất ly thân Khủng y túng bộ nhập ai trần Tương tương mục đắc thuần hòa dã Ky tỏa vô ức tự trục nhân Dịch: (Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân Ngại y chạy sổng vào bụi trần Chăm chăm chăn giữ thuần hòa dã Dây mũi buông rồi vẫn treo gần). Hoặc bức tranh chăn trâu Đại thừa số 5 có tên: Ngoan ngoãn. Bức tranh này vẽ hình em bé chăn trâu tay cầm roi dây đứng cạnh con trâu ngoan ngoãn, với bài tụng như sau: Lục dương âm hạ cổ khê biên Phóng khứ thâu lai đắc tự nhiên Nhật mộ bích vân phương thảo địa Mục đồng quy khứ bất tu khuyên Dịch: (Dương xanh bóng mứt tựa bờ khe Kéo lại buông đi thấy nhẹ ghê Mây biếc trời chiều thơm cỏ thảo Mục đồng thư thả bước theo về) Trong việc tiến tu, những bức tranh chăn trâu giúp cho người tu thấy rõ sự tu tập của mình đã đi tới đâu, qua đến giai đoạn nào. Giai đoạn đầu rất khổ nhọc, vượt qua được giai đoạn đầu người tu sẽ có một giai đoạn nhàn hạ để tiến tới giai đoạn công phu viên mãn. Nếu không biết mình tu đến đâu thì người tu thường vấp phải lỗi là tu mà không biết mình có tiến bộ hay không. Hiểu được tranh chăn trâu rồi, người tu có thể biết được chặng đường mình đi qua, để có niềm tin vươn tới những chặng đường tiếp theo phía trước thanh thản an vui đầy hoa thơm cỏ lạ. Nói đến trâu ai cũng có một cảm tình hết sức đặc biệt dành cho con vật quen thuộc gần gũi với con người. Con người cũng phải mang ơn con trâu rất nhiều, trâu cày bừa góp phần làm nên hạt lúa, ngô khoai nuôi sống con người. Nếu không có trâu cày thì con người sẽ vất vả biết chừng nào! Vì vậy không ai mà không thương chú trâu hiền lành chăm chỉ. Chỉ một vài nơi vẫn còn những tục lệ như lễ hội chọi trâu, lễ hội đâm trâu làm tổn thương đến họ nhà trâu. May sao số người làm hại trâu không nhiều, trâu vẫn còn rất may mắn, trâu được dùng làm biểu tượng cho Seagames 22 ( chú trâu vàng ) tổ chức tại Việt Nam năm 2005. Năm Kỷ Sửu (2009) là năm con trâu đầu tiên của thế kỷ XXI, đất nước được ăn ba mươi cái tết hoà bình, không còn những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mọi người hy vọng năm con trâu là năm mưa thuận gió hoà, được mùa no ấm. “Đêm ba mươi lắng nghe hồi chuông Bát Nhã, trút hết gánh âu lo, tâm nhẹ nhàng hỷ xả / Sáng mồng một lễ nguyện cầu quốc thái dân an, ôm cả trời chánh niệm, lòng thư thái hân hoan”. Đọc câu đối tết nhớ mẹ hiền, sau khi cúng giao thừa mẹ dặn các con: “Sáng mồng một Tết dậy sớm đi viếng mộ thắp hương ông bà tổ tiên, sau đó đi lễ chùa. Xong hai việc này thì muốn đi chơi đâu thì đi”. Mẹ bảo đi chùa, viếng mộ là việc trên đầu trên cổ, dù cho ngày giờ không tốt cũng thành tốt. Cả nhà tôi có thói quen như vậy từ nhiều năm nay, thật kỳ lạ sáng mồng một tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm; trước tiên là mừng tuổi thầy, sau đó được gặp huynh đệ bạn bè và dự một buổi lễ quan trọng đầy ý nghĩa: Lễ cầu quốc thái dân an. Được làm công dân một xứ sở hoà bình thật hạnh phúc! Nhìn ra thế giới vẫn còn ở đâu đó tiếng bom đạn nổ, con người thương vong vì những xung đột chiến tranh. Nhân loại vẫn bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp tốt nhất để chấm dứt chiến tranh. Những người Phật tử vẫn luôn cầu nguyện cho một nền hoà bình thế giới. Và tôi cũng cầu nguyện như vậy vào sáng mồng một tết tại ngôi chùa làng ở gần nhà. Một buổi sáng đầu xuân đẹp trời không mưa không nắng, đi trên con đường quê trong lòng tôi bỗng dưng muốn nói: Cám ơn đời… vì cuộc đời ban cho tôi rất nhiều trong đó có sức khoẻ và hạnh phúc; vì cha mẹ mà tôi có, bạn hữu mà tôi đã gặp, thầy cô tôi đã học, những cuốn sách tôi đã được đọc, những chuyến đi tôi đã thực hiện, những bữa ăn tôi đã dùng, cảnh quan tôi chiêm ngưỡng, mặt trời mặt trăng tôi thấy kia, bông hoa tôi ngắm nhìn, khí trời tôi hít thở. Cám ơn đời… vì vận may tôi đã gặp, những vận rủi tôi đã tránh, những giải pháp tôi đã nghĩ ra, những tài năng tôi đã phát triển, những thành công tôi đã đạt, những ngày đẹp tôi đã sống qua. Cám ơn đời, vì những bài học cam go, những thất bại tôi đã kinh qua, nhờ đó tôi đã học được lòng khiêm nhu, ý thức rằng mình không được ngủ quên trong chiến thắng, ý thức rằng không được nản lòng khi thất bại và hiểu rằng những người khác khi họ thất bại thì cũng cần được nâng đỡ ủi an. Cám ơn đời… vì đời còn dành cho tôi cơ hội vun trồng đức nhẫn nại, lòng bao dung và niềm hy vọng. Cám ơn đời… vì càng ngày tôi vàng ý thức hơn rằng có một Đức Từ Phụ vẫn trông nom tôi dù cho tôi có lúc lầm lỡ yếu hèn. Người yêu thương tôi dù tôi đầy khuyết điểm, ương ngạnh cứng lòng và tìm giải pháp giúp cho tôi chuyển hoá. Cám ơn đời… vì niềm vui thật đơn sơ là thấy mình vẫn còn: Sống. “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương” (Khalih – Gibrant) phatphap.wordpress.com & phatphapdaithua.com |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|