|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
#1
|
|||
|
|||
“Nhặt” được con trong quán cơm bình dân
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: “Nhặt” được con trong quán cơm bình dân (Dân trí) - "Cô gái trẻ mắt đỏ hoe bỏ lại đứa bé 18 ngày tuổi đỏ hỏn cho tôi rồi quay ra, vừa đi vừa nói trong tiếng nấc: “Hoàn cảnh của cháu éo le, cháu không thể vừa nuôi con vừa đi học... Cô có thương thì đưa đứa bé này về nuôi hộ cháu". Chị Nguyễn Thị Châu, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) kể cho chúng tôi chuyện chị tình cờ “nhặt” được đứa bé trong lần chị đưa cháu vào nhập học tại trường Đại học Huế tháng 9/2006. Nay đứa trẻ đã hơn 3 tuổi, sống yên ấm, hạnh phúc trong sự đùm bọc, cưu mang của gia đình chị Châu. Người mẹ bất đắc dĩ Năm 1982, chị Châu xây dựng gia đình và có 4 đứa con, hai trai hai gái. Quê gốc ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lên khai hoang từ những năm 1980 tại vùng núi cao heo hút này, nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị có một cơ ngơi khá khang trang đầy đủ, các con đều được nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Cả gia đình chị Châu vui đầm ấm với cô "con út" Ngọc Ánh (Ngọc Ánh lúc 6 tháng tuổi) Tháng 9/2006, chị Châu đưa đứa cháu vào Huế nhập học tại trường Đại học Huế. Trong thời gian chờ làm thủ tục nhập trường, hai dì cháu nghỉ trọ tại một quán trọ gần cổng trường. Mấy ngày cả hai dì cháu dắt nhau ra ăn cơm tại một quán cơm gần cổng trường thì thấy một cô gái trẻ gầy yếu xanh xao, trạc tuổi con gái thứ hai của chị bế trên tay một đứa bé đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Đi từng bàn trong quán, chờ cho khách ăn xong, cô gái lại trút hết phần cơm canh còn lại vào chiếc bát mang theo, trông thật tội nghiệp. Thấy vậy, chị Châu dò hỏi và được biết đây là một “bà mẹ bất đắc dĩ”, là sinh viên quê ở một tỉnh miền Trung, hiện đang theo học tại trường Đại học Huế. Vì lỡ dại nghe theo những lời đường mật của một gã “Sở Khanh” cũng là sinh viên cùng khoá, cô gái có mang và bị chàng họ Sở bỏ rơi... Xa nhà, hoàn cảnh gia đình nghe đâu cũng không mấy khá giả, vả lại cô không dám thú thật với bố mẹ chuyện tình duyên của mình. Không tiền, không tình và không còn sức để mà đau khổ... sinh con xong chưa đầy một tuần cô đành bế con vể nhà trọ để vừa nuôi con trong nỗi uất hận vừa lên giảng đường ... Thế là hàng ngày để có sức nuôi con trong khi không một xu dính túi, mẹ con cô gái lại tìm đến quán cơm để vớt lại chút cơm canh khách ăn bỏ lại. Nhiều khách ăn động lòng trắc ẩn cho mẹ con cô một suất ăn đạm bạc, ngay cả bà chủ quán nhiều khi cũng mủi lòng và thương xót cho hoàn cảnh của cô, nhưng không thể giúp được nhiều... Thấy cô gái trẻ bế con cứ đi từng bàn để trút từng thìa cơm thừa vào bát, miếng cơm đang ăn như đắng trong miệng chị Châu. Chị đã bỏ tiền ra kêu thêm cho cô suất ăn có đầy đủ thức ăn dành cho người mới ở cữ. Vì đã làm mẹ, chị hiểu thế nào chuyện kiêng cữ của người phụ nữ sau khi sinh nở. “Lại đây với bố đi con” Dường như có linh tính mách bảo, cô gái sau khi ăn xong vừa khóc vừa kể hết với chị hoàn cảnh của mình. Thấy chị tỏ ra quyến luyến với đứa bé con mình, cô gái trao con lại cho chị và đi nhanh ra cửa vừa đi vừa nói trong tiếng nấc: “Hoàn cảnh của cháu là thế... Cô có thương thì đưa cháu về nuôi giúp cháu... Tội lắm cô ơi...”. Trước tình cảnh như thế, nhìn đứa bé đỏ hon hỏn đang ngủ ngon trong lòng mình, không thể nào khác, chị đành chấp nhận. Ba chị em gái: Phạn Thị Mỹ Lệ, Phan Thị Loan và Phan Thị Ngọc Ánh Rồi chị tìm đến công an phường hỏi và xin giấy chứng nhận để có thể bế cháu về quê mà không xảy những chuyện dính dáng liên quan đến pháp luật. Được chỉ dẫn, chị tìm đến bệnh viện nơi con bé sinh ra để xin giấy chứng sinh. Trước tấm lòng của chị, các y bác sỹ và hộ lý rất nhiệt tình trong việc tra sổ sách giấy tờ để đưa cho chị tấm giấy chứng sinh kèm theo giấy xét nghiệm theo quy định. Theo đó, chị biết cháu bé sinh ngày 15/8/2006, nghĩa là tính đến lúc chị gặp hai mẹ con, cháu bé mới được 18 ngày tuổi! Trước lúc bế con bé lên tàu về quê, chị cố gắng tìm và đưa cho cô gái lỡ dại 300 ngàn đồng để tiếp tục ăn học. Trở về nhà, chồng chị, anh Phan Công Hoá, ban đầu phản ứng khá gay gắt. Anh nói nhà đã có đủ trai gái, rước thêm con mọn làm gì cho cực. Thấy chồng phản ứng mạnh, chị Châu vờ bế đứa trẻ đem cho, anh Hóa tưởng thật vội vàng chạy theo: “Thôi, nói vậy thôi, đừng đưa nó đi mô nữa mà tội. Lại đây với bố đi con!”. Không chỉ anh chị và ngay cả mấy đứa con của anh chị cũng thực sự vui,vì từ nay trong nhà lại có thêm một thành viên bé nhỏ. Cả nhà cùng bàn bạc đặt tên cô “con út” là Phan Thị Ngọc Ánh. Mẹ đẻ nuôi con bằng sữa mình đã vất vả, huống chi vợ chồng anh chị hoàn toàn nuôi bộ bằng sữa hộp. Vất vả lắm! Vả lại, Ngọc Ánh sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt thiếu thốn đủ mọi bề nên rất hay ốm vặt. Mới 6 tháng tuổi nhưng cháu đã không dưới vài ba lần nhập viện. Công việc nhà nông ở một vùng quê miền núi khi có thêm con mọn, nếu không có sự cảm thông và lòng thương yêu con trẻ, thật khó nói hết... Ngọc Ánh lớn lên trong sự thương yêu như thế. Giờ đây, với bà con láng giềng chuyện chị Châu tình cờ “nhặt” được cô “con gái út” không còn là chuyện đàm tiếu mà thực sự là một bài học về lòng nhân ái cho mọi người noi theo. Nguyễn Duy |
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI |
Công cụ bài viết | |
Kiểu hiển thị | |
|
|