UserCP Search Help
Home Register
Members List Contact
Xin nhấn vào để xem chi tiết
Trang chủ
Quy định Kiến thức
Chợ
Liên hệ
Logout
Tài trợ
Links
Quảng cáo
Trở lại   Chợ thông tin Mai Táng - Tang lễ Việt Nam > Thông tin - Kiến thức tổng hợp > Tin tức - Sự kiện > Tin trong nước

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 18-10-2012, 02:58 PM
vinatex vinatex đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 24
Mặc định Ăn bám... trẻ em

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Ăn bám... trẻ em - Kỳ 1: Kiếm tiền nuôi người lớn
TT - Suốt hai tuần liền, nhiều đêm trắng PV Tuổi Trẻ đã theo chân những đứa trẻ đêm đêm phải mưu sinh. Nhiều em bé phơi sương lăn lóc bên lề đường, thậm chí có em no đòn roi do không kiếm đủ tiền để nuôi... người lớn.

Giữa đêm khuya, một bé gái vừa đi vừa khóc, tay ôm mấy bịch kẹo cao su hướng tới mấy quán nhậu đêm để bán hàng. Hình ảnh này không phải là cá biệt, ở TP.HCM có không ít trẻ em bị người lớn hành hạ, buộc đi kiếm tiền suốt ngày đêm.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Im...bnailID=344294
Cu Nhóc gom tất cả số tiền em xin được trong đêm nộp cho người phụ nữ “chăn dắt” (ảnh chụp lại từ phim) - Ảnh: Nguyễn Hữu Hạnh

1g sáng 17-6, tại vỉa hè ngôi nhà đường Cù Lao - Hoàng Sa (Q.Phú Nhuận), bà Mèo đang ngủ bỗng bật dậy đánh một bé gái chừng 6 tuổi do không bán được kẹo cao su cho khách nhậu đêm. Giọng bà Mèo tru tréo: “Bây giờ mày làm sao? Tại sao hồi nãy giờ mày không bán được đồng nào?”. Thấy cô bé khóc quá, một thanh niên đến can ngăn. Bà Mèo chửi xơi xơi: “ĐM, tao quất tơi bời luôn”.

Bé gái khóc rưng rức, tay quệt nước mắt, chân bước nhanh, quay người đi bán tiếp. Chúng tôi theo chân cô bé. Bé gái này lê bước trên đường phố, chốc chốc em lại ngoái cổ nhìn phía sau. Đường phố vắng tanh, những người buôn thúng bán bưng cho các quán nhậu đêm cũng đã nghỉ, chỉ còn mình em gắng bước suốt đêm khuya.

Tuổi thơ tức tưởi

Khuya 15-6, một phụ nữ trung niên đi xe máy đưa một cậu bé đến khu quán nhậu ở đường Hoàng Sa. Vừa xuống xe em đã khóc rưng rức, những giọt nước mắt lăn dài trên má, ánh mắt em đầy vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ. Cách đó không xa, cũng tại điểm ngã ba đường Cù Lao, người chăn dắt cậu bé dựng xe ngồi vắt vẻo trên ghế. Mỗi lần cậu bé bán được hàng (kẹo cao su) là phải đến giao tiền cho người phụ nữ này. Bán được một lúc, thấy cậu bé đứng nói chuyện với khách lâu quá, người phụ nữ sà tới hét lên: “Đi lẹ, nhanh lên”.

Cũng tại quận 1, 4g sáng 14-6, đèn cửa hàng cháo gà đường Hải Triều vẫn sáng choang, khách ra vào đều đặn, cứ có khách tới là bé Hiếu trờ tới xin tiền. Cô bé 7 tuổi trông như trẻ lên 5. Ánh mắt ngây ngô, cô bé thường lắc lắc đầu mỗi khi gặp khách khó chịu. Bà Hồng - mẹ của bé Hiếu - nói: “Tưởng hồi nhỏ nó bị câm. Ai dè, lớn nói được”. Bà ta thò đôi tay có những chiếc móng dài cong vút, sơn bóng loáng nắm lấy bé Hiếu dặn dò cách xin tiền của khách. “Đi xin được mới có cái cho nó ăn” - bà Hồng giải thích lý do tại sao bé Hiếu phải đi xin cả đêm dài.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bé Hiếu chỉ ngủ vài giờ trong ngày, chủ yếu từ 18g-22g, sau đó phải dậy đi xin tiền trong đêm khuya. Trước giờ bé đi xin, tại góc đường Nguyễn Huệ, người mẹ thẳng thừng nói: “Tui vừa đánh nó, nó đói bụng, than đói nhiều quá, không chịu đi làm”. Bà Hồng thừa nhận rằng bé Hiếu không chỉ đi xin đêm mà còn phải đi xin cả ngày ở khu chợ Bến Thành và các khu chợ cũ. Ba tối liền chúng tôi thấy bé Hiếu vật vạ ngủ ngoài đường, miệng há hốc. Có hôm cô bé lịm người đi trong mệt mỏi, khuôn mặt rã rời, thở nặng nhọc.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Im...bnailID=344293
Một bé gái 12 tuổi đi xin trên đường phố - Ảnh: T.N.L.

Kịch bản thương tâm

Tại khu vực đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng (quận 1), đèn từ các tòa nhà cao tầng, các tàu du lịch, nhà hàng hắt ra rực rỡ. Lẫn trong những người khách sang trọng là các em nhỏ mặc quần áo cũ nát, giơ chiếc nón bẩn xin tiền. Hai cậu bé - một cao, một đen nhẻm gầy gò - bám theo các đoàn khách du lịch từ bến tàu. Giơ nón xin tiền, một em có vẻ mệt mỏi nhưng cố rướn mắt nói: “Con tên Đạt, 10 tuổi. Còn thằng kia tên Sơn, 9 tuổi. Mẹ con chết, cha con cưới vợ bé. Con ở bến tàu”. Cậu bé còn lại thì nói: “Con mồ côi cha mẹ. Ở bụi đời”. Hầu hết các em ăn xin nơi đây được những người chăn dắt “nạp” vào đầu sẵn một số “kịch bản buồn” về cuộc đời.

Các em thuộc làu... “nỗi bất hạnh”. Hỏi cả chục em ăn xin ở khu vực quận 1, chúng tôi đều nhận được câu trả lời tương tự nhau về hoàn cảnh gia đình kiểu như “tụi con sống lang thang ở bến tàu, nhà ga, chết cha mẹ, không nơi nương tựa”. Qua nhiều lần bắt chuyện, chúng tôi mới biết Sơn còn có tên là Nhóc. Nhóc “hành nghề” ăn xin đêm ở khu bến Bạch Đằng và ở bãi giữ xe đường Tôn Thất Thiệp, đến sau 23g mới về. Còn Đạt phải lang thang xin ăn đến 4g sáng cùng một nhóm trẻ em khác ở đường Hải Triều. Có ngày sáng sớm Đạt mới ra về cùng một người phụ nữ và ba đứa trẻ khác.

Bãi giữ xe đường Tôn Thất Thiệp đoạn tiếp giáp đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) càng về khuya càng đông khách. Bãi này giữ xe cho khách uống cà phê đêm trên vỉa hè một tòa nhà lớn thuộc đường Nguyễn Huệ. Tại đây có năm cô bé, cậu bé chuyên ăn xin. Ngoài cậu bé Mạnh (8 tuổi) người nhỏ thó, còn có bé Trọng (4 tuổi), bé Quỳnh (8 tuổi), bé Ngân (12 tuổi), cu Nhóc (10 tuổi).

Lâu lâu khu vực này còn có thêm vài cô cậu khác là “ăn xin vãng lai” tiếp cận khu vực. Các em nhỏ ăn xin hằng tối phải đứng rã chân mới xin được của khách ít đồng. Bé Trọng quá nhỏ nên đuối hẳn khi đi theo các anh chị lớn hơn. Bé Ngân thật thà kể: “Đêm nay con cho Trọng đi, chứ đêm mai thì không cho đi vì sợ công an hốt. Tụi con canh công an dữ lắm. Hôm nào chú nào trực tụi con biết hết”.

Rệu rã trong đêm

Đường Đề Thám - Phạm Ngũ Lão đêm vui như ngày, hàng quán sáng đèn. Đứng bên khách nhậu ồn ào náo nhiệt là nhiều em nhỏ phải chầu chực, mời mọc khách mua kẹo cao su, mua hoa hoặc chờ khách cho tiền. Cách ngã tư Đề Thám - Bùi Viện không xa là một người phụ nữ ngồi thu tiền của các em. Trời tối đen, đã hơn 2g sáng 18-6, người phụ nữ chăn dắt cu Mạnh (8 tuổi) vẫn lôi em lang thang trên đường để bán kẹo.

Đến 3g sáng em lại phải len lỏi qua các khu nhà hàng nằm trên các tuyến đường Đồng Khởi, Đông Du. Cậu bé rất chịu khó chào mời, có lúc bán kẹo khách không mua thì em quay sang xin tiền. Thấy cảnh này, một bác tài taxi thở dài: “Người lớn thức đêm làm việc đã không đủ sức chịu đựng, không hiểu sao mấy đứa nhỏ lại có thể chịu được cảnh kiếm ăn hằng đêm”.
Khuya 25-6, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực công viên Tao Đàn, chúng tôi bắt gặp một đứa bé nằm giữa đường cùng một bà già xin tiền. Đứa trẻ nằm trong tay bà già cứ nhũn người ra, ngủ vùi. Thậm chí đứa trẻ không cử động khi chúng tôi đến véo vào tay. 2g sáng, bà già mang đứa trẻ sang lề đường bên phải giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám nằm xin tiếp. 3g sáng, cả hai bà cháu mới chịu nằm lăn lóc ngủ trên vỉa hè.

VÕ HƯƠNG
Trả lời với trích dẫn


  #2  
Cũ 18-10-2012, 02:58 PM
daithanhxk daithanhxk đang online
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 21
Mặc định

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Ăn bám... trẻ em - Kỳ 2: Bóc lột các em, họ là ai?
TT - Những tưởng những người chăn dắt, bắt các em đi ăn xin là người xa lạ. Thực tế rất bất ngờ, trong số những đối tượng này có không ít người là cha mẹ hay bà con ruột thịt của các em. Họ đã sử dụng các em làm phương tiện kiếm sống...

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Im...bnailID=344585
Người mẹ trẻ khỏe này chở con đến điểm đi xin - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Sự thật ra sao? Các em có thật sự mất cha, mất mẹ hay là trẻ không nhà, sống lang thang không nơi nương tựa như lời các em nói? Hay những đứa trẻ đáng thương này chỉ là nạn nhân của gia đình và xã hội? Chúng tôi kiên nhẫn bám theo các nhóm trẻ về tận từng nhà. Sự thật cho thấy nhiều em vẫn còn đủ cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ các em là những người trẻ, khỏe mạnh và... không làm gì hết.

“Hổ”... ăn thịt con

Theo ba đêm liền, chúng tôi phát hiện nơi ở của bà Mèo - người phụ nữ đánh bé gái 5 tuổi trong đêm 17-6 tại ngã ba đường Cù Lao (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Đây cũng là người phụ nữ chở cô bé đi bán kẹo cao su thâu đêm suốt sáng, sau đó bà ta chỉ nằm trên võng ngủ. Hôm đầu, bà ta chở cô bé vào hẻm nhà thờ Chánh Lộ (khu phố 2, đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh), cả hai lách mất hút sau dãy nhà trọ ở ngách sâu. Đêm thứ hai, người phụ nữ này vẫn về theo đường cũ. Đêm thứ ba, chúng tôi phát hiện bà Mèo đến một điểm tấp nập những người đưa các trẻ em đi “làm” về.
Tại đây có hàng chục em từ 5-8 tuổi phải thay cha mẹ kiếm sống bằng nghề bán kẹo cao su. Các em ở cùng nhà, phân thành nhiều nhóm nhỏ. Nhà bà Mèo và cô bé ở là một căn phòng trọ cho thuê nằm trong ngõ 44/4C từ đường hẻm nhà thờ Chánh Lộ đi vào. Bà Mèo tránh tiếp xúc với chúng tôi nhiều ngày liền. Không chỉ một mình bà Mèo mà cả một số người sống lân cận cũng không muốn cho chúng tôi tiếp cận khu nhà.

Những người sống trong khu vực cho biết bà Mèo chính là mẹ bé gái. Chúng tôi từng chứng kiến người phụ nữ này đánh đập con mình tàn nhẫn, bắt con đi bán hàng lúc nửa đêm. Khi chở cô bé sang những khu khác làm việc, bà ta còn đe nẹt, thả cô bé xuống giữa đường, dọa bỏ rơi. Có thể nói bà Mèo không có biểu hiện gì tỏ ra là một người mẹ.

Tìm hiểu thêm tại khu vực này, chúng tôi lại phát hiện một phụ nữ quen mặt khác. Bà ta chính là người hay đi trên chiếc xe máy để chuyên chở và canh chừng Cu “lùn” (khoảng 5 tuổi) đi làm đêm. Đó cũng là cậu bé khóc rưng rức vào đêm 15-6, khi đến bán kẹo cao su tại khu quán nhậu ở đường Hoàng Sa - Cù Lao. Tương tự bà Mèo, người mẹ này cũng không làm gì, chỉ ngồi “canh” cậu con trai bé nhỏ kiếm tiền về... để đếm.

Trở lại khu vực trung tâm Q.1, chúng tôi theo chân bà Hồng, người chăn dắt bé gái tên Hiếu (7 tuổi) ở đường Nguyễn Huệ. Bà Hồng khẳng định: “Tôi là mẹ bé Hiếu. Tôi đánh nó vì nó đòi ăn, nó kêu đói hoài”. Trả lời chúng tôi tại sao bà không đi làm, bà Hồng nói: “Tôi không có tiền nhưng mua thúng bán bưng nặng, tui bưng không nổi”. Bà Hồng bắt con gái mình ăn xin mọi lúc, kể cả lúc cô bé tội nghiệp đang ngủ rất say, còn chính bà thì có đôi bàn tay với móng tay sơn bóng loáng.

Không chỉ mình bà Hồng, một vài phụ nữ khỏe mạnh khác hằng đêm thường ngồi chơi ở một góc tối đường Hàm Nghi (Q.1) cũng là những “bậc phụ huynh” đang chờ con em đi xin tiền mang về.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Im...bnailID=344586
Đây là đứa trẻ bị mang ra giữa đường nằm để làm “phương tiện” xin tiền thiêm thiếp ngủ trong mệt mỏi (ảnh chụp lúc 2g sáng 26-6 tại đường Nguyễn Thị Minh Khai trước công viên Tao Đàn) - Ảnh: NGUYỄN HỮU HẠNH

Tuổi thơ vất vả

23g30 ngày 14-6, một phụ nữ trẻ phóng nhanh xe máy đến đoạn đường Hồ Tùng Mậu (Q.1), cô ta chất lên xe ba đứa trẻ ăn xin là bé Ngân (12 tuổi), Quỳnh (8 tuổi) và nhét thêm cu Trọng (4 tuổi) ngồi trước. Cả hai đêm liền đi theo, chúng tôi thấy người phụ nữ này luôn mất hút sau bến phà Thủ Thiêm về hướng Q.2. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đây là dì ruột của ba bé Ngân, Quỳnh và Trọng. Tiếp cận gia đình bé Ngân, ba bé đều là con ruột của bà Gái và ông Bạc. Cả ba chị em ở trong một ngôi nhà xập xệ thuộc hẻm chùa Thiền Tịnh (14/12 Lương Định Của, P.An Khánh, Q.2).

Trưa 26-6, chúng tôi tìm cách vào nhà ông Bạc và bà Gái. Trên đoạn đường hẻm ngắn khoảng 50m vào nhà ông bà này có một sòng bài với bốn phụ nữ ngồi sát phạt say sưa. Tiếp chúng tôi là người đàn ông 37 tuổi khá khỏe mạnh, cha của ba chị em Ngân. Theo lời ông Bạc, mẹ cháu ngồi cách đó không xa. Bé Ngân chạy đi kêu mẹ về nhưng bà Gái né tránh gặp chúng tôi. Sòng bài cũng biến mất. Ông Bạc phân trần: “Vợ chồng chúng tôi trước đây đều làm hồ. Cực quá, bả nghỉ rồi. Bả có đi bán vé số thêm nhưng hổm rày cũng nghỉ để giữ thằng Trọng. Tôi thất nghiệp liên miên. Mấy đứa nhỏ phải đi làm. Tiền nhà trả một tháng 400.000 đồng, điện nước riêng. Gói ghém cũng xoay xở được”. Theo ông Bạc, mẹ của ba đứa trẻ là bà Gái mới 31 tuổi, còn khỏe mạnh.

Cuộc sống lang thang ăn xin trên đường phố làm bé Ngân, bé Quỳnh như già trước tuổi. Các bé biết cách ngả vào lòng một người tốt bụng. Biết cách trốn những người cần tránh né. Dù va đập với đời là thế nhưng bé Quỳnh vẫn trong trẻo nói: “Con thích chơi đồ hàng lắm. Con còn thích chơi búp bê, chơi cờ ô ăn quan”. Khi chúng tôi hỏi về niềm mơ ước của các em hiện nay, bé Quỳnh không đắn đo: “Con mơ ước lớn thật nhanh để có thể giúp cha mẹ”. Bé Ngân cũng có niềm mơ ước thật giản dị không khác gì em mình, rằng cô bé thích được đi học, thích được nhanh lớn để giúp ích cho gia đình.

Các em vừa đi học vừa phải đi xin. Bé Ngân thật thà kể: “Tối đi xin nhưng sáng 7g con phải dậy để trông em (cu Trọng)”. Trừ mùa hè, cả bé Ngân và bé Quỳnh đều cố theo học lớp học tình thương (ở đường Tú Xương, Q.3) hai giờ mỗi ngày. Tuổi thơ hai bé đong đầy ước mơ nhưng từ sáng đến giữa khuya, các em phải làm tất cả việc nhà và phải kiếm tiền cho cha mẹ. Bữa ăn tối của các em là 1g sáng và bữa ăn sáng là 1g chiều.

Khu nhà xập xệ của bé Ngân, bé Quỳnh cách nhà của mẹ con cu Nhóc không xa. Cu Nhóc là con của bà Nga. Bạn bè nói cu Nhóc đi ăn xin, còn bà Nga không làm gì ngoài việc đi theo đưa đón và canh chừng cu Nhóc. Theo người phụ nữ sống chung ở nhà bà Nga, bà Nga hiện có bốn con trai, cuộc sống khá vất vả. Cu Nhóc không chỉ làm việc cả tối mà phải làm việc cả buổi chiều.

Sau nhiều ngày tìm hiểu tại từng khu vực khác nhau tại các quận 1, 3 và nhiều quận khác, chúng tôi phát hiện hầu hết các em đều được tổ chức hoạt động ăn xin, bán hàng rong theo nhóm, theo cụm. Nhóm trẻ ăn xin khu vực Q.1 chủ yếu được đưa đến từ các khu vực nhà trọ đường Lương Định Của (Q.2), thời điểm “làm việc” của các em thường là ban đêm. Nhóm trẻ chuyên đi ăn xin tại các nhà hàng quán nhậu Q.Phú Nhuận đến từ các nhà trọ ở Q.Tân Phú. Nhóm khác chuyên bán kẹo cao su di chuyển từ Bình Thạnh qua Phú Nhuận. Trẻ bán hoa, bán vé số từ các khu nhà cho thuê ở Q.3 sang bán tại Q.1. Ở TP.HCM không hề có trẻ lang thang cơ nhỡ, sống một mình và phải tự kiếm sống bằng cách xin ăn. Chủ yếu các nhóm trẻ thông qua sự “chăn dắt” của người lớn. Phần lớn những người này không ai khác chính là cha mẹ của các em.

VÕ HƯƠNG
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:22 AM

SangNhuong.com SangNhuong.com

© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.