PDA

View Full Version : Bỏng nặng vì... dựa cột điện đọc truyện


thuan-phuong
18-10-2012, 02:51 PM
Bỏng nặng vì... dựa cột điện đọc truyện
Chỉ vì bất cẩn ngồi dựa vào cột điện để đọc truyện, Nguyễn Khắc Long (12 tuổi, học sinh trường Tô Hiệu, TP Hải Dương) đã bị điện giật. Long bị hất ngã từ sân thượng xuống đất, bỏng 16%..
http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/2009/06/10/bong10609.jpg
Long đang được điều trị trong bệnh viện.


Long kể hôm ấy, sau khi thi xong, em đến nhà bạn chơi. Cả nhóm lên sân thượng ngồi. Gần nhà bạn Long có cột điện to. Long ngồi tựa vào cột điện đọc truyện, bị điện giật hất ngã từ sân thượng xuống mặt đất. Long bị bỏng 16%.

Bố Long mời một thầy lang về chữa bệnh cho con. Thầy lang đắp thứ thuốc màu vàng nghệ lên những chỗ bị cháy đen trên người, làm giảm bớt những cơn đau cho Long. Những chỗ cháy đen trên mặt dần dần khỏi, chỉ còn vết thương ở ngực và chân tay.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Long bị sốt cao và cứ ngủ li bì. Thầy lang bó tay, bố mẹ phải đưa Long lên bệnh viện. Các bác sĩ bảo em bị nhiễm trùng, nguyên nhân chính là từ bài thuốc của ông thầy lang kia!

Cùng phòng bệnh với Long còn có cháu Khánh Vân, 9 tháng tuổi, nhà ở Quốc Oai, Hà Nội, bị bỏng 50%. Vân bị bỏng vì bố trông cháu bất cẩn, để cháu với tay kéo phích nước nóng. Trong quá trình điều trị, Vân thường bị lên cơn co giật nên bố mẹ phải thay phiên giữ chân tay cháu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng khoa Nhi, Viện Bỏng Quốc gia - kể cho chúng tôi nghe về nhiều ca bỏng trẻ em rất thương tâm. Cách đây 20 năm, có em bé 2 tuổi bị bỏng nước sôi nhưng vì bố mẹ mang đến viện muộn quá, bụng em bị phình to ra, các bác sĩ đã không cứu được tính mạng em.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của rất nhiều ca bỏng trẻ em xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu chăm nom, giám sát của người lớn. Đây là điều mà các bậc cha mẹ phải lưu tâm, nhất là trong những tháng hè, số trẻ em bị bỏng thường tăng cao.

Xử lý khi bị bỏng :
- Ngâm chỗ bị thương xuống nước sạch (không phải nước lạnh).
- Dùng tấm vải sạch băng bó lại nhằm tránh chỗ bỏng bị phồng rộp, ủ ấm cho nạn nhân.
- Cho nạn nhân uống nước, muối, oresol,… vì nạn nhân đang trong tình trạng mất nước.
- Tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng.
- Khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

(Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Viện Bỏng Quốc gia)



Theo Khoa học & Đời sống