PDA

View Full Version : Những cụ già "đi bụi"


umivungtau
18-10-2012, 02:51 PM
Những cụ già "đi bụi"
Giữa trưa, khi những tia nắng đầu hè xuyên thẳng qua những tán lá rọi luồng khí nóng rát mặt cũng là lúc chúng tôi tới thăm Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ (TTBTXH tỉnh Phú Thọ).

Những dáng người lom khom, lầm lũi với gương mặt luôn chìm đắm trong hoài niệm chợt bừng lên khi nghe nói rằng có khách đến thăm, những giọt nước mắt lại vỡ òa ra như để trút nỗi nhớ về gia đình, người thân đang “bị” nén chặt từ bấy lâu.

Những phận người...

Con đường nhỏ dẫn vào TTBTXH tỉnh Phú Thọ ngoằn ngoèo và đầy bụi, thấp thoáng dưới những tán cây um tùm là những dãy nhà nhỏ nằm nép mình dưới những bóng râm. Chiếc xe 50 chỗ ngồi chở các bạn ở nhóm Chia sẻ tình thương ào vào trong sân mang theo một luồng không khí mới râm ran giữa buổi trưa hè. Những khuôn mặt chúng tôi gặp trong trung tâm chợt sáng bừng lên như thể đón người thân đi xa lâu ngày quay trở lại. Những bước chân của cả người đến và người ở trung tâm đều rộn rã để được đến với nhau nhanh hơn, để được chia sẻ với nhau nhiều hơn trong quãng thời gian gặp gỡ ngắn ngủi.
http://tintuconline.com.vn/Library/images/3/2009/06/ngay09/dibui1.jpg

Khi được hỏi về người thân, ông H. luôn giấu cảm xúc trong làn khói thuốc

Trong căn nhà nhỏ đầu dãy của trung tâm được xây dựng khá khang trang, cụ Nguyễn Thị H. nhớ lại: Hồi đó, đồi núi còn mênh mông bể sở, nhà cửa đều là những căn phòng được sử dụng lại từ một trại giáo dục thuộc Bộ Công an. Đến năm 2000, tỉnh sáp nhập 2 trung tâm của tỉnh và của Bộ làm một, từ đó mới có tên TTBTXH tỉnh Phú Thọ. Đã gần tới cái tuổi thất thập, theo lời kể của cụ, trước kia gia đình ở Hà Nội, trong thời gian chiến tranh loạn lạc, gia đình chỉ còn 2 chị em. Éo le hơn, do hoàn cảnh bấy giờ, 2 chị em cũng không thể dựa vào nhau để sống, để cùng vượt qua những ngày gian khó nhất, năm 1969, bà đã phải vào sống tại trung tâm. Sau khi giải phóng miềm Nam, người thân duy nhất của cụ là chị gái cũng mất liên lạc và 40 năm sau, cụ vẫn cô đơn một mình.

Ngồi trò chuyện với cụ, điều tôi có thể dễ dàng nhận thấy nhất ở người phụ nữ có số phận không may mắn này là đôi mắt. Một đôi mắt mờ đục, nhìn qua chắc ai cũng nghĩ cụ đã bị lòa. Kể cho tôi nghe những câu chuyện xưa cũ, nói cho tôi hay rằng khi có những người như chúng tôi lên thăm, cụ nhớ gia đình lắm, nước mắt của cụ cứ lăn dài trên má. Một người bạn trong nhóm Chia sẻ tình thương cứ ôm chặt cụ mà khóc, tôi cầm máy ảnh, chụp cụ, chụp những thân phận cô đơn đang ấm lòng đón nhận tình cảm của những người mới tới thăm, mắt tôi cũng chợt nhòa đi, nước mắt nhòe ướt không nhìn rõ nhưng tôi vẫn cứ bấm, tôi muốn ghi lại được những khoảnh khắc thật khó quên này.

"Nước mắt thì chảy xuôi", đây là một quy luật, nhưng chúng ta hãy "nhìn lên" hàng ngày, nhớ về cha mẹ và thương kính đến trọn đời, để đến khi "cuối chiều" chúng ta sẽ không phải hối tiếc.

Cách nơi cụ H. ở không xa là mái ấm của cụ Đ., chẳng ai có thể ngờ được một người phụ nữ từng hoạt động xã hội nhiệt tình trước kia giờ đây lại đang phải sống ở TTBTXH. Là một "cán bộ" từ khi tuổi đời đang còn rất trẻ, rồi cụ mắc bệnh, không có chồng con, hàng ngày đi lang thang trên các con đường dãy phố. Bệnh ngày càng nặng, thấy hoàn cảnh thương tâm, lãnh đạo thị xã Phú Thọ lúc bấy giờ đã lập hồ sơ để chuyển cụ Đông vào TTBTXH tỉnh để tiện chăm sóc cho cụ.

Căn nhà gần cuối dãy của trung tâm dành cho người già thấp thoáng một cụ ông ngồi lặng lẽ trên giường, mái tóc bạc gần hết với đôi tai bị ảnh hưởng của chiến tranh giờ phải nói to mới nghe thấy. Ông là Trần Duy H. 69 tuổi, năm 1966 tình nguyện đi bộ đội sau đó bị quân địch bắt ở đảo Phú Quốc, đến năm 1973 được trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Khi trở về quê hương, ông đã bị mất hết giấy tờ, vợ con cũng không còn. Do hoàn cảnh bấy giờ loạn lạc, không thể liên lạc lại được với gia đình nên đã phải vào TTBTXH Phú Thọ.
http://tintuconline.com.vn/Library/images/3/2009/06/ngay09/dibui2.jpg

Món quà tuy nhỏ bé nhưng mang trong đó cả tấm lòng rộng mở, sẻ chia

Khi được hỏi "ông còn ai thân thích không, còn nhớ người thân nào của mình không?", gương mặt ông nhìn xa xăm, rồi như để giấu cảm xúc của mình, ông vớ lấy chiếc điếu cày, châm vội lửa rít một hơi dài rồi cúi gập người ho khùng khục. Từ trong hơi mờ của khói thuốc, tôi nhìn thấy giọt nước mắt lăn chầm chậm trên khuôn mặt nhăn nheo của người lính già, giọt nước mắt không đủ sức lăn xuống nữa, đọng lại ở gò má hóp lại của ông. Những người bạn đi cùng chúng tôi mắt cũng đỏ hoe, rất nhiều cánh tay của những người trong đoàn ôm chặt lấy ông như muốn san sẻ nỗi buồn với ông.

Không bệnh tật, không phải do hoàn cảnh mất liên lạc với người thân và gia đình, cụ Lê T. M. phải vào sống trong trung tâm với lý do mà chỉ nghe qua ai cũng thấy buồn: các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, nhưng thật trớ trêu, người dạy cho những đứa con cái sự khôn lớn đó lại đang phải cô đơn, lủi thủi trong tuổi già ở nơi đây. Cái tuổi mà đáng lẽ ra phải được quây quần bên con cháu, được quan tâm, chăm sóc đúng như quan niệm và phong tục của người Á Đông chúng ta. Đã 76 tuổi, khuôn mặt cụ đen sạm đi vì những sóng gió và sự trải nghiệm cuộc đời. Những nếp da nhăn nheo xếp chồng lên nhau như là điểm nhấn của những khó khăn trong cuộc sống mà cụ đã đi qua. Nhưng, cụ vẫn còn nhanh nhẹn lắm.

Cụ bảo với tôi “Con cái đối xử với mình không tốt, giờ sống chết bà nhờ vào Nhà nước thôi. Giờ cuộc sống đã có Nhà nước lo (mỗi tháng cụ được trợ cấp 300 ngàn đồng), hàng ngày đi "lao động" để cơ thể dẻo dai, tối đến cùng mọi người trong trung tâm xem vô tuyến. Thế là vui rồi!”. Mạnh miệng là vậy, nhưng khi nhận những gói bánh, tấm quà của các bạn trong nhóm Chia sẻ tình thương, cụ M. cũng ứa nước mắt. Cụ bảo, Tết rồi, các con cụ vào thăm, thấy có mấy gói bánh của các anh chị trung tâm cho, chúng bảo bà có rồi không phải cho nữa.
http://tintuconline.com.vn/Library/images/3/2009/06/ngay09/dibui3.jpg
Một thành viên nhóm Chia sẻ tình thương không cầm được nước mắt trước những thân phận éo le ở TTBTXH tỉnh Phú Thọ


Có lẽ những hoàn cảnh như cụ M giờ không phải là hiếm. Chắc những người con cụ đâu hiểu rằng con người ta được sinh ra từ mẹ, được chở che bao bọc cho đến khi khôn lớn, trưởng thành cũng là người mẹ, vậy cái đạo lý "Hiếu kính với cha mẹ" mà bao đời nay người Á Đông chúng ta vẫn răn dạy nhau, nay ở đâu trong những con người này. Hãy tin rằng: Khi cho đi những gì mình sẽ nhận lại được y như thế...

Rộng mở tấm lòng

Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn được đi cùng các bạn trong nhóm Chia sẻ tình thương, những người gặp nhau trên mạng, không phải là người thân, người trong gia đình những thân phận đang sống ở trung tâm, nhưng ở họ có một điểm chung, đó là tình yêu thương và khao khát được chia sẻ với những hoàn cảnh, số phận kém may mắn. Gặp những hoàn cảnh bất hạnh trong trung tâm, nước mắt họ cứ trào ra như chính những người thân của mình đang chịu thiệt thòi vậy. Trong thời buổi tưởng chừng như mọi người đang phải lo toan, vật lộn với cơm, áo, gạo tiền thì được chứng kiến tình cảm, hành động đó, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm thấy cổ mình như nghẹn lại. Trong cuộc sống này vẫn cần lắm những tấm lòng như các anh, các chị!

Trên xe trở về, các thành viên trong đoàn cùng nhau hồi tưởng về những chuyến đi trước và bàn tính cho kế hoạch sắp tới. Bỗng, một thành viên có điện thoại, nghe xong chị nhanh nhảu nói "Ở Bệnh viện Việt Đức có em... chuẩn bị mổ, đang rất cần máu, mọi người giúp em ấy nhé". Một, hai, rồi rất nhiều cánh tay giơ lên. "Thế là xong rồi, 3 hôm nữa mọi người có mặt tại Việt Đức nhé" - Chị nói và cười thật tươi. Chứng kiến cuộc trao đổi chỉ vài phút ngắn ngủi đó, tôi không khỏi ngạc nhiên và thêm một lần nữa cảm phục những tấm lòng rộng mở của các anh, các chị. Những số phận không may sẽ phần nào bớt đi những mặc cảm khi gặp được những con người như vậy. Và chúng tôi, mỗi lần nhớ lại những hình ảnh trong chuyến đi, đều thầm hứa rằng, mình sẽ "đuổi kịp" những tấm lòng nhân hậu đó.
Theo http://tintuconline.com.vn/Library/ttolimg/logobao/suckhoedoisong.gif