PDA

View Full Version : Nghề nhặt xác


daithanhxk
18-10-2012, 02:47 PM
Nghề nhặt xác
Ba người đàn ông lôi chiếc băng ca inox sáng loáng trong xe, hối hả đi về phía cái xác nhỏ thó, tím tái nằm úp mặt xuống lớp bùn đặc quánh bên bờ kênh Nhiêu Lộc (TP HCM).

Mặc gai nhọn cào xé da thịt và hàng chục ống tiêm vương vãi xung quanh còn đỏ máu, họ vẫn lặng lẽ gồng mình bế ẵm xác người xấu số rời khỏi hiện trường.

Nghe tiếng điện thoại trong căn phòng Tổ nhặt tử thi thuộc Công ty môi trường đô thị TP HCM đổ chuông, anh Nguyễn Gòn (47 tuổi) nhanh chân lao tới. Vừa nói chuyện, anh vừa khoác tay ra hiệu cho các đồng nghiệp rồi kết thúc ngắn gọn: "Chúng tôi tới ngay".

Ba người đàn ông trong phòng khoác vội chiếc áo xanh đồng phục và lao ra xe. Anh Gòn vừa đi vừa thông báo: Công an quận Bình Thạnh vừa phát hiện một xác nam bên bờ kênh Nhiêu Lộc. "Với nghề khác, mỗi khi điện thoại gọi có việc, ắt sẽ mừng. Nhưng nghề của chúng tôi, nghe tiếng chuông ấy là biết ngay có chuyện chẳng lành với người nào đó, tim cứ như thắt lại”, anh Gòn nói rồi thở dài.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/D2/D9/to-4.jpg
Mỗi người mỗi việc, họ chỉ mong chóng để người xấu số được an nghỉ. Ảnh: Vũ Mai.

Trong chốc lát, chiếc xe bít bùng trắng toát, sơn dấu thập đỏ hụ còi, phóng vút ra đường, nhắm hướng Cầu Bông (quận Bình Thạnh) lao tới. Nhìn bầu trời đang vần vũ bởi cơn mưa trái mùa, anh Gòn quay sang nói với đồng nghiệp khác: “Cầu mong mình đến trước khi trời đổ mưa cho người xấu số bớt lạnh lẽo”. Chỉ có thế, tất cả họ im bặt.

Chiếc xe chầm chậm tìm đường rẽ vào khu phố chợ gần cầu Bông, nhìn những người dân đứng hai bên đường chỉ trỏ, anh biết mình đã đến nơi cần đến. Rời xe, cả ba người đàn ông trong bộ đồng phục xanh hối hả lôi chiếc băng ca bằng inox lạnh tanh. Theo hướng tay chỉ của một công an, họ lặng lẽ xác định vị trí xác, nhẩm tính phương pháp tốt nhất để mang người xấu số lên bờ. Thi thể là một người đàn ông nhỏ thó, tím tái, nằm úp mặt xuống lớp bùn đặc quánh. Xung quanh là đám lau sậy khô khốc, vương vãi hàng chục ống tiêm lẫn rác rưởi.

“Nhiều người đến chích ma túy rồi vứt luôn xi lanh ở đây. Người dưới kia có lẽ do phê quá rồi cắm đầu xuống sông. Các anh cẩn thận kẻo nhiễm bệnh đấy”, một người dân nhẹ nhàng nhắc những công nhân đang xỏ chiếc găng cao su mỏng dính vào tay.

Mỗi người mỗi việc, những người đàn ông thoăn thoắt lật ngửa xác rồi khiêng bỏ vào mảnh ny lon màu xanh được trải sẵn trên băng ca, từng động tác nhịp nhàng, chuẩn xác đến từng centimet. Khi người chết được khiêng lên bờ, một công nhân nhanh nhẹn múc từng xô nước gội rửa bùn đất, moi rác trong miệng nạn nhân… Đâu đó cất lên tiếng nức nở của một người đàn bà khi nhận ra con trai mình. Ít phút sau, chiếc xe lao nhanh về khu vực Bình Hưng Hòa, nơi cái xác sẽ được lưu giữ chờ cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi.

"Bao năm xông pha nơi chiến trường, từng bế ẵm, nhặt nhạnh nhiều thân xác đồng đội, cảm giác đó đau thương lắm. Công việc hôm nay như thế là quá nhẹ nhàng, anh kia mất đi nhưng cũng được an ủi vì người thân nhận ngay, sớm được an táng. Còn những trường hợp khác, mình là người dưng mà cũng phải rớt nước mắt bởi họ chết quá thê thảm, rất khó nhận dạng”, anh Gòn nói.

Thế nhưng, người đàn ông này lại khẳng định: "Không riêng gì tôi, tất cả các anh em trong tổ đều quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận" nên dù cho công việc có vất vả hay "rùng rợn" thế nào, chúng tôi vẫn luôn hài lòng và hãnh diện về nghề của mình".

Hơn 20 năm trước, chàng trai trẻ gốc Sài Gòn hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc, trở về từ chiến trường Campuchia. Thời ấy, biết lái xe như anh Gòn không khó tìm một công việc nhẹ nhàng. Thế nhưng, như có cái duyên nợ, anh nhận làm tài xế cho Xí nghiệp Môi trường, chuyên lái xe đi nhặt những xác chết vô danh, tai nạn… rồi trở thành thành viên trong đội nhặt tử thi cho đến tận bây giờ.

Theo lời anh, dù đã hơn hai mươi năm trong nghề, nhưng cảm giác đau xót với những tử thi vẫn còn nguyên như thuở xưa anh ôm xác đồng đội. Nhất là những lần phải đi nhặt xác những em bé sơ sinh bị vứt bỏ tàn nhẫn nơi hố ga, bãi rác, những xác người chết không toàn thây trong các vụ án, nổ bom mìn...

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/D2/D9/to-to.jpg
Ngậm ngùi với nỗi đau của gia đình nạn nhân. Ảnh: Vũ Mai.

Cùng tâm trạng như đồng nghiệp, anh Lê Minh Đăng (41 tuổi) chạnh lòng khi nhớ lại cảnh tận tay vớt xác người mẹ trẻ buộc chặt đứa con gái vào bụng rồi nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Sự việc trên xảy ra đã vài tháng, nhưng lúc này, nhắc lại chuyện cũ, anh bảo sống mũi mình vẫn còn cay. “Tôi không sao quên được thi thể biến dạng, thâm đen, vòng tay ôm chặt mẹ của bé gái và sợi dây thun xiết chặt hai mẹ con… Đau lòng lắm”, anh Đăng bùi ngùi.

Hay trong một vụ khác, năm 2005, sát thủ Lê Việt Thương vì ghen mà ra tay giết hại người tình đồng giới, chặt xác làm nhiều khúc rồi đem vứt rải rác khắp thành phố. Khi nhận được tin báo của công an, anh Đăng cùng 2 người khác nhanh chóng đến nơi nhưng chỉ mang về được một phần thi thể. Chưa kịp rửa xe, lại nghe tiếng chuông điện thoại báo phát hiện phần xác khác, thế là các anh lại lật đật phóng xe đi.

“Với tất cả nỗ lực tìm kiếm nhưng cuối cùng vẫn không sao tìm được phần đầu của nạn nhân. Mấy ngày liên tục chúng tôi mong ngóng điện thoại nhưng không có. Thật tội nghiệp, cậu ấy chết quá thê thảm. Chúng tôi đau với nỗi đau của gia đình họ vì người thân chết mà không được toàn thây”, anh Đăng nói.

Vào nghề từ khi chưa tròn 20 tuổi, anh Đăng xem công việc của mình hiện tại như một cái duyên, cái nợ với nghề. Hay nói như anh Gòn: “Cứ nghĩ rằng mình đang góp phần chia sẻ đau thương với mọi người, hay bản thân đang tạo một chữ Tâm chữ Phúc cho cuộc đời thì sẽ thấy công việc nào cũng tốt đẹp thôi…”

Vũ Mai