PDA

View Full Version : Người đàn ông 30 năm cứu người, vớt xác


tanthanhfurniture
18-10-2012, 02:46 PM
Người đàn ông 30 năm cứu người, vớt xác
Hì hục kéo lên từ lòng sông đục ngàu xác phụ nữ cùng đứa con thơ, quanh thân thể họ là sợi dây dù, ông Ba Chúc thấy quặn thắt ruột gan. Hình ảnh ấy khiến ông nhiều đêm mất ngủ sau gần 30 năm vớt xác người bên chân cầu Bình Lợi, TP HCM.

Ông Chúc gọi cái đêm rằm tháng giêng vớt được xác hai mẹ con là đêm định mệnh của họ. Nghe tiếng khóc lanh lảnh của trẻ nhỏ, nhìn lên cầu Bình Lợi, ông Ba Chúc thoáng thấy một phụ nữ thả mình từ trên cao xuống. Vợ chồng ông nhanh chóng cho thuyền nổ máy chạy ra, nhưng tới nơi thì người phụ nữ đã chìm nghỉm và trôi đi theo dòng nước, ông không sao tìm được. 3 ngày sau đó, ông mới thấy xác của cô và đứa con yểu mạng dạt vào bờ.

Dáng người nhỏ gầy, nước da đen nhám màu nắng gió, nhưng cứ thoăn thoắt và lúc nào cũng cười, ông Chúc được người dân trong vùng biết đến với cái nghề cứu người, vớt xác bên chân cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TP HCM. Họ vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật Ba Chúc. Tên thật của ông là Nguyễn Văn Chúc, năm nay vợ chồng ông đã ngoài 50 tuổi.

Công việc vớt xác người không phải ai cũng làm được, nhưng với ông Chúc lại đơn giản như ông vẫn thường chèo thuyền đánh cá. Có lần gặp phải những cái xác đã trương to và bốc mùi, mọi người ghê sợ, nhưng ông vẫn tắm rửa với ý niệm "cho ấm thân những người đã chết" và trong lòng thầm khấn cho linh hồn của họ được siêu thoát.

"Những người chết trôi dạt trên sông đã đành, nhưng những người thân lại còn khổ sở hơn nhiều. Họ từ những nơi nào phải lặn lội đi tìm kiếm. Mình giúp họ cũng đỡ phần nào nỗi đau của người còn sống", ông Ba Chúc tâm sự.

Với suy nghĩ đầy lòng nhân ái đó, bất kể lúc nào có người gặp nạn ông đều xả thân cứu giúp không câu nệ gì. Gần 30 năm ông không nhớ nổi đã cứu bao nhiêu người và vớt bao nhiêu xác. Không ai trả công cho ông. Có người được ông đem từ cõi chết trở về đã đi luôn không bao giờ quay lại. Nhưng lương tâm ông thì thanh thản. "Biết người ta chết mà không cứu được tôi cũng ăn không ngon, ngủ không yên, trằn trọc lương tâm lắm", ông ba Chúc thổ lộ.

Có những đêm trời mưa rả rích mặt sông mờ ảo không nhìn rõ được gì, nhưng nghe có tiếng người kêu cứu ông cũng bật dậy nổ máy xông thẳng đến giữa thân cầu. Trong đám lục bình dày đặc, ông nhìn thấy một cánh tay nhỏ chới với đập nước. Kéo lên mạn thuyền ông mới biết một cô gái độ tuổi trăng tròn chỉ vì thất tình mà nghĩ quẩn làm bậy.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/BC/59/hinh1.jpg
Ông Chúc lênh đênh bên chiếc thuyền nhỏ. Ảnh: Hải Duyên

Hơn nửa cuộc đời tắm nước sông nên người ông đen sạm, già hơn tuổi. Tài sản của gia đình chỉ có chiếc thuyền nhỏ đã cũ vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là chốn nương thân của cả nhà và cũng là chiếc phao cứu sinh, vớt xác biết bao người xấu số. Hằng ngày ông vẫn neo đậu bên khúc sông định mệnh nơi chân cầu Bình Lợi.

Từ nhỏ, ông Chúc đã theo bố mẹ cùng hơn 10 anh em làm nghề đánh cá, sống trôi nổi trên sông. Cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhưng bố mẹ ông cũng cố gom góp mua mảnh đất nương tựa trên bờ khi về già. Lấy vợ sinh con nối nghiệp cha, ông Chúc tiếp tục nghề giăng lưới đánh cá nuôi 5 đứa con gái. Khi đó chiếc ghe nhỏ cũng là "căn nhà" để ẩn náu lúc nắng mưa. Đến lúc con gái lớn cũng cần có chỗ sinh hoạt xoay sở, nghĩ thương con, mẹ ông cắt cho một mảnh đất gần 20 m2 là cái bếp cũ từ căn nhà trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, để cất lán cho con cháu lên bờ sống.

"Nghĩ lại ngày đó mà tôi thấy phát hãi, 5 đứa con nằm trong khoang thuyền, còn hai vợ chồng nằm hai bên mũi thuyền để canh kẻo các con rớt xuống sông. Cả nhà nằm ngủ cứ như là xếp cá thu vậy. Từ ngày lên bờ ở, mấy đứa con tôi không dám quay lại đây nữa vì cũng không có chỗ mà ngồi. Chiếc thuyền nhỏ đó chỉ đủ cho hai vợ chồng xoay sở", bà Hinh vợ ông Chúc thổ lộ.

Nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm, lượng cá đánh bắt ngày càng ít đi. Nhưng may mắn ông lại được nhận làm trong đội quản lý đường sông số 10. Hằng ngày ông có thêm công việc là theo dõi các đèn báo, phao trên sông, nếu có rác rưởi quấn vào thì lặn xuống vớt, hư hỏng nhỏ thì sửa chữa hoặc gọi điện cho đội.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/BC/59/hinh5.jpg
Chân cầu Bình Lợi nơi ông Chúc vẫn sống và làm nghề cứu người vớt xác. Ảnh: Hải Duyên

Quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước, ông Chúc chỉ về nhà có ba ngày Tết sum họp với các con rồi nhanh chóng trở lại bến sông để làm việc và tiếp tục cứu người. Chỉ sau Tết có mấy ngày, vào mùng 7 tháng giêng, ông đã cứu được một người đàn ông 31 tuổi ngã xuống cầu vào lúc nửa đêm vì say rượu. Sau khi tỉnh dậy, người đàn ông quỳ lạy tạ ơn ông cứu sống và thề sẽ bỏ rượu.

"Chẳng ai bảo tôi làm công việc này cả, nhưng thấy người gặp nạn mà không cứu thì lương tâm cắn rứt. Với lại cứu người để tích đức cho con cháu. Làm nhiều rồi cũng thành quen. Bây giờ cứu người, vớt xác dường như đã trở thành cái nghề của tôi", ông Ba Chúc tâm sự.

Hải Duyên