PDA

View Full Version : Lũ lớn trên miền núi phía Bắc - Hàng trăm người chết và mất tích


tv20b68
18-10-2012, 02:42 PM
Đường bộ, đường sắt lên Lào Cai tê liệt
* Yên Bái : 19 người chết, 4 mất tích
* Quảng Ninh, Phú Thọ: Người chết, nhà sập

TTO - Mưa kéo dài nhiều ngày và nước sông Hồng lên cao nên lũ quét đã xảy ra đồng loạt trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Thống kê sơ bộ trong 24g tính đến 12g ngày 9-8, đã có hàng trăm người chết và mất tích. Trời vẫn mưa và nước các sông, đặc biệt là sông Hồng, vẫn đang dâng cao, ngang mức lũ lịch sử 2002. Những chiếc trực thăng Mi 171 chở hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đã cất cánh.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279143
Một góc Quang Kim bị ngập trong nước - Ảnh: báo Lào Cai

Lào Cai: 20 người chết, 45 mất tích

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tính đến 12h trưa nay (9-8), trên toàn tỉnh Lào Cai đã có 20 người chết, 45 người mất tích, 6 người bị thương do mưa lũ gây ra trên diện rộng, số liệu sơ bộ từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) Lào Cai.
Mưa kéo dài nhiều ngày và nước sông Hồng lên cao nên lũ quét đã xảy ra đồng loạt trên địa bàn nhiều huyện. Trong số người chết và mất tích nói trên huyện Bát Xát chiếm nhiều nhất khi có 11 người chết, 36 người mất tích, 6 người bị thương; 10 xã khác trên địa bàn huyện có người chết và mất tích nhưng chưa có thông tin về số thiệt hại cụ thể.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279144

Khu vực cửa khẩu đang đối mặt với nước lũ - Ảnh: báo Lào Cai

Huyện Sapa có 5 người chết, huyện Bảo Yên có 3 người chết, 9 người mất tích; huyện Bảo Thắng có 1 người chết. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 19 nhà sập (huyện Bát Xát), 500 ngôi nhà ngập nước.
Do địa hình và thông tin liên lạc bị chia cắt nên con số thống kê trên chỉ là ban đầu, thiệt hại cụ thể chắc chắn còn nặng hơn khi trời vẫn còn mưa và nước các sông, đặc biệt là sông Hồng vẫn đang dâng cao, ngang mức lũ lịch sử 2002.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Dũng - giám đốc sở GTVT Lào Cai cho biết từ 22g ngày 8-8, trên tuyến đường sắt Hà Nội đi Lào Cai đoạn từ ga Lạng đến ga Thái Niên (huyện Bảo Thắng) đã xảy ra sạt lở hàng chục điểm làm ngưng trệ hoàn toàn việc vận chuyển trên tuyến đường này. Các chuyến tàu SP2, Lào Cai 8, SP8, SP4 xuất phát từ ga Lào Cai đã phải dừng lại tại các điểm tại ga Thái Niên, Cầu Nhò, Phố Lu (huyện Bảo Thắng).

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279145

Thuyền máy do Sở GT-VT huy động vận chuyển người và phương tiện vào cứu trợ tại xã Kim Quang huyện Bát Xát - Ảnh: báo Lào Cai

Bên cạnh đó nhiều tuyến giao thông huyết mạch cũng bị sạt lở và ngập nước gây tắc và chia cắt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại Km 109, Km 111 (Quốc lộ 4D); Km 97, Km 100 + 900 (Quốc lộ 279); Km 15 (Quốc lộ 4E); đường tỉnh 158 (Bản Vược - Mường Hum), đường tỉnh 158 (Bản Vược - Mường Hum), đường tỉnh 156 (Lào Cai - Bát Xát), đường tỉnh 157 (Phố Mới - Phong Hải) nước ngập và đất đá sạt lở với khối lượng lớn đã làm tắc giao thông. Tại quốc lộ 279 trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có 11 điểm bị sạt lở với khối lượng đất đá ước tính hàng nghìn mét khối
Ngoài ra, trên tuyến quốc lộ 70 (thuộc địa phận xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên) đang diễn ra tình trạng ngập và sạt lở một số đoạn. Đây là tuyến quốc lộ chính nối Yên Bái lên Lào Cai chạy ven sông Hồng nên bị nước sông gây ngập nặng, nhất là tại km 90, 135.
Ông Dũng dự kiến hai ngày nữa mới thông được quốc lộ 70.
Đường sắt bị ách tắc nên các đoàn tàu từ Hà Nội lên tới Yên Bái từ tối 8-8 không thể lên được Lào Cai mà phải quay lại đưa khách về. Ngành đường sắt cũng đã có thông báo dừng chạy tất cả các đoàn tàu khách (10 đoàn) và tàu hàng trên hai chiều Hà Nội - Lào Cai trong đêm 9-8. Những hành khách đã mua vé sẽ được trả lại tiền.

* Yên Bái : 19 người chết, 4 mất tích

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào lúc 14g hôm nay ông Trần Anh Văn - thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Yên Bái cho biết tính đến trưa 9-8, mưa lũ đã làm chết 19 người, mất tích 4 người và bị thương 3 người trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Do mưa liên tục từ 2 ngày qua, nước sông Hồng đổ về trên mức báo động III 1m, lũ quét đã xảy ra trên địa bàn nhiều huyện gây thiệt hại lớn. Trong đó: huyện Lục Yên có 9 người chết, huyện Yên Bình có 6 người chết, 1 người mất tích, huyện Văn Yên có 2 người chết, 1 người mất tích, TP Yên Bái có 2 người chết. Huyện Trấn Yên có 2 người mất tích, huyện Yên Bình mất tích 1 người.
Tại huyện Văn Yên có 17 nhà sập, 79 nhà hư hỏng, huyện Yên Bình có 18 nhà trôi. Ngoài ra, phần lớn tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn Yên Bái bị ách tắc do ngập nước và sạt lở.
Đến trưa qua đã thông tuyến quốc lộ 32 sau một thời gian bị tắc tại đèo Cao Phạ nhưng quốc lộ 37 vẫn bị sạt lở, ách tắc tại km 247+600

* Quảng Ninh, Phú Thọ: Nhà sập, người chết

3g30 sáng 9-8 tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long - Quảng Ninh) mưa lớn làm sập tường chắn đất đổ vào lán công nhân làm chết 7 người và bị thương 1 người. Tại phường Cao Xanh ( TP.Hạ Long - Quảng Ninh) cũng xảy ra sạt lở đất gây sập nhà làm 1 người chết.
Tại Phú Thọ, lũ quét cũng xảy ra trên địa bàn huyện Hạ Hòa làm tràn một số đoạn đê khiến 2 người chết và 1 người mất tích tại xã Đại Phạm và 1 người chết do bị sạt lở đất tại xã Phụ Khánh.
Về nhà cửa có 126 nhà sập và tốc mái. Trong đó Bắc Kạn có 122 nhà do lốc lớn làm sập và tốc mái, Bắc Giang 2 nhà, Quảng Ninh 2 nhà.
* Trực thăng Mi 171 cứu trợ khẩn cấp
14g hôm nay, đoàn công tác của Chính phủ, Ban chỉ đạo PCLB TƯ, Bộ Quốc phòng đã từ Hà Nội bay lên Lào Cai để kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà - Cục trưởng cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ quốc phòng) - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, ngoài các thành viên đoàn công tác, máy bay còn chở theo hàng cứu trợ để làm công tác cứu trợ, cứu nạn ở Lào Cai. Hai máy bay khác sẵn sàng đợi lệnh lên đường. Đây là loại máy bay trực thăng Mi 171 có tầm hoạt động rộng chuyên làm công tác cứu hộ, cứu nạn nên khả năng hoạt động rất cơ động.
Ngoài ra, Ủy ban quốc gia TKCN cũng chỉ đạo các lực lượng quân đội ứng cứu tại các địa phương xảy ra lũ quét. Tại tỉnh Lào Cai đã có 825 chiến sĩ tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả. Hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ cũng được bố trí mỗi tỉnh gần 500 chiến sĩ làm nhiệm vụ...

TUẤN PHÙNG

Phóng sự ảnh của báo Yên Bái điện tử:

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279167

Lực lượng được huy động tới những nơi xung yếu - Ả: YBĐT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279168

Đưa người dân đến nơi an toàn - Ảnh: YBĐT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279169

Đầu tàu ngược Hà Nội - Lào Cai đã bị đổ nghiêng khỏi đường ray - Ảnh: YBĐT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=279166

Trời vẫn tiếp tục mưa, và khó khăn đang chờ phía trước - Ảnh: YBĐT

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn cử đoàn công tác ngay trong hôm nay (9-8) đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và một số địa phương bị thiệt hại do mưa lũ cùng phối hợp chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tập trung lực lượng, phương tiện chủ động đối phó và khắc phục hậu quả; chỉ đạo các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, hộ đê, cứu hộ đê khi cần thiết.
Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh chỉ đạo các ngành, các cấp nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương và động viên thăm hỏi những gia đình có người bị nạn; đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi, dự báo kịp thời diễn biến của mưa lũ, thường xuyên thông báo cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh có hiệu quả.
Bộ Quốc phòng, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý tình huống khẩn cấp do mưa lũ gây ra.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia điình bị thiệt hại.
Cổng TTĐT của Chính phủ

vungtau
18-10-2012, 02:42 PM
Thảm cảnh vùng lũ
06:38' 11/08/2008 (GMT+7)

- Làng xóm tan hoang, vật nuôi, tài sản bị lũ cuốn trôi, nhiều người thiệt mạng vì không kịp chạy lũ. Ghi nhận của PV VietNamNet tại vùng lũ Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai...

Kinh hoàng đêm chạy lũ

Sau gần 10 tiếng mưa như trút nước, đến khoảng 1h sáng 9/8, nước lũ bất ngờ đổ dồn về phía xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái khiến hàng trăm người dân không kịp trở tay. Nước lên nhanh đến mức người dân ở các vùng đất thấp chỉ đủ thời gian để gọi nhau dậy, rồi cùng bỏ chạy lên các ngọn đồi xung quanh, người nhanh chân hơn thì chạy lên UBND xã để tránh lũ.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200808/original/images1607139_8.jpg
Ông Trần Quang Vinh (Xóm 8, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái) bật khóc khi nhìn chiếc bàn thờ của gia đình vùi trong đống đổ nát - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngay cả các hộ dân nằm dọc tuyến đường liên tỉnh, nơi có vị trí cao hơn các khu dân cư xung quanh tới 2-3m cũng chỉ kịp lùa gia súc, gia cầm lên mặt đường rồi bất lực nhìn dòng nước dữ ầm ầm cuốn phăng mọi thứ.

Anh Hoàng Thanh Nghị ở thôn Đàm Thỏm, xã Đại Minh kể lại: "Khoảng 1h15, tôi ra sân nhà thì đã thấy nước mấp mé tràn lên nên vội vàng chạy vào nhà gọi bố mẹ, vợ con dậy để chạy đi sơ tán. Tài sản trong nhà chẳng mang được gì ngoài ít tiền tiết kiệm cất trong tủ và vài bộ quần áo để mặc. Vậy mà, khi cả nhà tôi chạy ra tới đầu ngõ thì nước đã ngập tới đầu gối nên tôi không dám đưa mọi người chạy về phía UBND xã mà chạy thẳng lên trên đồi...".

Chị Nguyễn Thị Thuý (thôn 8, xã Đại Minh) nói mà mặt chưa hết vẻ bàng hoàng: "Quá khủng khiếp, cảm tưởng cứ như sau mỗi bước chạy là nước lại dâng lên tới vài phân. Tôi ôm đứa con út chạy gần tới UBND xã thì nước đã lên đến ngang bụng, dòng nước mạnh mấy lần xô tôi suýt ngã. Mỗi lần như vậy, con tôi trên tay lại khóc ré lên vì bị nước bùn bắn trùm lên mặt. Khi gia đình tôi chạy lên tới sân uỷ ban thì đã có mấy nhà khác đang líu ríu tránh mưa dưới mái hiên, chả ai mang được gì theo, một mảnh áo mưa cũng không có nên mọi người chỉ biết nép vào nhau cho đỡ lạnh. Trời sáng, mưa tạnh, nhìn về phía làng thì chỉ thấy một vùng nước ngập trắng, chỉ vài ba nóc nhà cao là còn nổi được lên trên mặt nước".

Đau xót nhất phải kể đến trường hợp của gia đình anh Nguyễn Thành Phương (thôn 8, xã Đại Minh). Đêm 8/8, anh Phương ở lại xưởng mộc của người bạn để đóng cho xong chiếc tủ mà khách đã đặt. Khi thấy trời mưa to, nước lên nhanh, dân trong thộn chạy ra uỷ ban xã tránh lũ nói rằng nhà anh đã bị lũ làm sập nên anh Phương đã định chạy về nhà đưa vợ con đi tránh lũ.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200808/original/images1607141_4.jpg
Nỗi đau của gia đình nạn nhân Nguyễn Thành Phương (Xóm 8, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái) - Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, do nước lũ quá mạnh nên bạn bè và làng xóm khuyên can nên anh Phương đã nán lại xưởng mộc để chờ trời sáng. Đến khoảng 6h sáng, anh Phương nóng ruột nên bơi về nhà tìm vợ con. Không may, chưa bơi được bao xa thì dòng nước lũ đã nhấn chìm anh trong cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Mãi đến giữa trưa, khi cơn lũ đã dịu lại, người trong xã mới chèo xuồng đi tìm và thấy thi thể của người đàn ông xấu số đang mắc kẹt giữa một bụi tre.

Những cụ già cao tuổi ở xã Đại Minh thảng thốt: "Mấy chục năm nay mới có một trận lũ khủng khiếp như thế, ngay cả trận lụt cách đây ba chục năm cũng chẳng khiến người dân chúng tôi cảm thấy sợ hãi như trận này".

Đưa phóng viên VietNamNet lần theo con đường nhỏ vẫn còn ngập nước quá đầu gối để về thôn, những người dân của thôn 8 cho biết: "Giờ nhà nào may lắm thì chỉ còn cái xác nhà không, còn đâu thì bị đất vùi, lũ cuốn đi hết rồi. Bao nhiêu trâu bò, lợn gà và những tài sản giá trị tích luỹ bao nhiêu năm trời đã biến mất chỉ sau một đêm, ngay cả ruộng vườn cũng đã bị bùn cát vùi lấp hết cả. Không biết nay mai lấy gì mà ăn, lấy chỗ đâu mà ngủ?".

Không riêng gì xã Đại Minh, mà người dân ở các xã lân cận như Bạch Hà, Thịnh Hưng cũng đã trở nên trắng tay sau cơn lũ khủng khiếp. Trò chuyện với chúng tôi, những người dân vừa thoát khỏi trận lũ kinh hoàng đều nói: "Lũ lên nhanh quá, không chạy nhanh thì chết!".

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, thì khoảng 90% nhà dân ở 3 xã Đại Minh, Bạch Hà và Thịnh Hưng bị thiệt hại nghiêm trọng vì nước lũ, tài sản của người dân hầu hết cũng đã bị lũ cuốn trôi, hơn 100 người dân bị thương và đã có 4 người thiệt mạng.

Ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết: "Hiện, chính quyền tỉnh, huyện và xã đang khẩn trương tiến hành nhiều biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân tại các vùng bị thiệt hại vì lũ, đồng thời vận dụng phương châm "4 tại chỗ" để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho nhân dân".

Nén lại nỗi đau

Tại Lào Cai, sáng 10/8, lãnh đạo tỉnh đã xuống thăm và kiểm tra khắc phục thiên tại các địa phương của huyện Bát Xát. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là xã Trịnh Tường, và nặng nhất xã này là bản Tùng Chỉn I. Bản có 21 người chết và mất tích sau cơn lũ đêm ngày 8, rạng ngày 9/8.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200808/original/images1607147_dong-chi-Bi-thu-Tinh-uy-cun.jpg
Mấy ngày trước, nơi đây là cánh đồng màu mỡ của thôn Tùng Chỉn 1 (ảnh trái) - Lãnh đạo tỉnh Lào Cai thắp hương tưởng nhớ nạn nhân thôn Tùng Chỉn I bị thiệt hại trong cơn lũ (ảnh 2) - Ảnh: Bùi Kỳ

Bản Tùng Chỉn I có 40 nóc nhà, thì lũ cuốn trôi 19 nhà và toàn bộ tài sản. Lũ đến đột ngột, lại vào lúc nửa đêm nên nhiều người không kịp chạy lên chỗ an toàn nên bị cuốn trôi trong tức thì. Hàng trăm ha ruộng lúa, hoa màu tại xã Trịnh Tường đã bị mất trắng do nước lũ.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cài đã động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát người thân, tài sản của các hộ dân Tùng Chỉn I đang lánh nạn tại đồn biên phòng Trịnh Tường. Ông Bùi Quang Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai động viên những hộ gặp nạn nén nỗi đau để nhanh chóng khắc phục khó khăn, tập trung tìm kiếm thi thể những người chết và tìm những người mất tích.

Ông Vinh cũng yêu cầu UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ có người chết và mất tích với số tiền 3 triệu đồng/người chết hoặc mất tích và hỗ trợ lương thực cho các hộ mất nhà cửa, tài sản. Cùng với đó là sự hỗ trợ mọi mặt của các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị đối với bà con thôn Tùng Chỉn I nói chung và bà con xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát nói riêng. Dù ít dù nhiều, nhưng nó sẽ làm nỗi đau được dịu vơi phần nào trong lúc diễn biến của mưa lũ vùng cao Lào Cai đang bất thường.

Sáng 10/8, chúng tôi lên đường đi Đại Phạm, một nơi thiệt hại nặng của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) sau đợt mưa lũ đầu mùa. Ngay đầu tỉnh lộ 314, một barie mới được dựng lên với tấm biển báo: “Đường tắc do sạt lở”. Nước mênh mông. Cơn lũ hung hãn đánh bật tung những cây gỗ to, cuốn phăng phăng theo dòng nước. Những đoạn đường tắc nghẽn do đất, đá lớn cùng cây cối xô xuống chắn lối đi. Có đoạn, nước thốc vào, đường vỡ toác từng mảng lớn.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200808/original/images1607149_333.jpg
Xã Đại Phạm (Hạ Hòa - Phú Thọ) chìm trong nước, giao thông bị chia cắt - Ảnh: Chường Khôi Minh

Người dân Đại Phạm vẫn chưa hết bàng hoàng. Mưa bão đã cướp đi sinh mạng của 3 người dân nơi đây, trong đó có cháu bé chưa đầy năm tuổi. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, mọi người mới chỉ vớt được thi thể của ông Vương Đại Đồng (sinh năm 1969, khu 10). Hai nạn nhân xấu số còn lại không biết đang ở đâu trong dòng nước ngầu đỏ hung hãn? Người nhà của họ tay cầm hương, miệng gào thét vô vọng trên bờ.

Tại thị trấn Hạ Hoà, do nước sông Thao dâng cao, đã làm gần 60 nhà bị ngập. Nhiều nơi trong huyện, nước đã tràn qua đường bộ, đường sắt khiến giao thông bị ngừng trệ. Ông Dương ở thị trấn cho biết: "Quá bất ngờ! Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nhưng chưa chứng kiến trận lũ nào lớn và lên nhanh như vậy!".

Trên đê tả sông Thao là hình ảnh những ngôi nhà mấp mé trong nước. Những người dân dầm mình trong bữa cơm chạy lũ, người già cầm hờ đôi đũa ngửa mặt khấn trời dứt mưa. Anh Nguyễn Xuân Tính lội bì bõm ôm cuộn dây chạc ra chằng lại ngôi nhà lá ba gian ven đê đang chìm dần trong nước, ngán ngẩm: "Giời đất này chẳng biết thế nào. Không khéo phen này đến chỗ chui ra chui vào cũng chẳng giữ được".

Nhập nhoạng tối, Hạ Hoà vẫn mưa tầm tã, lũ thượng nguồn sông Hồng vẫn cuồn cuộn đổ về...

Bị "chặt chém" vì nước lũ...

Dọc tuyến đường từ TP. Việt Trì (Phú Thọ) lên Yên Bái, nhóm PV VietNamNet liên tục nhận được cảnh báo từ người đi ngược chiều đó là "Đường sạt nhiều lắm, rất khó đi" và "15.000 đồng/ 1 người/ 1 xe... Cẩn thận bị "chém" đấy!". Từ ngã ba Đoan Hùng, rẽ theo Quốc lộ 70 đi Yên Bái, hàng chục đoạn đường bị đất bùn từ trên đồi đổ xuống khiến cho nhiều đoạn tưởng chừng như không thể đi tiếp được. Tới khu vực Tây Cốc, hiện lên cảnh những chiếc xe cải tiến, xe tải cỡ nhỏ đua nhau chở cả xe máy và khách qua một khúc đường dài chừng 200m bị ngập nặng với giá 20-30 ngàn đồng.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200808/original/images1607153_3.jpg
Tranh thủ kiếm tiền mùa lũ - Ảnh: Lê Anh Dũng

Qua ngã ba Cát Lem (Đoan Hùng - Phú Thọ), hàng chục đoạn đường khác hiện vẫn đang tiếp tục bị bùn đất vùi lấp khiến cho việc đi lại của người dân trở nên cực kì khó khăn. Hàng trăm chiếc xe khách, xe tải phải dừng lại chờ đường thông. Hàng chục vị khách du lịch người nước ngoài buộc phải xuống xe để đi bộ khoảng 2km để vượt qua đoạn đường bị sạt lở. Nhiều người đã phải chấp nhận cái giá 60.000 đồng/ 1 cuốc xe ôm dài khoảng 4km ra ngã ba Đoan Hùng.

Anh Quang, một lái xe tải đường dài tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết: "Vì buộc phải ở lại giữa đường nên từ 3 ngày nay, chúng tôi không hề được tắm rửa và đã phải ăn những chiếc bánh mỳ có giá 5.000 đồng, bát mỳ tôm suông giá 10.000 đồng do những người bán hàng trong vùng phục vụ. Chẳng biết đến lúc nào đoạn đường tránh mới được làm xong để cánh xe tải chúng tôi "thoát" khỏi cảnh này".

Đến 17h ngày 10/8, nhiều tuyến phố trong TP. Yên Bái vẫn tiếp tục chìm trong dòng nước đục ngầu. Ngập sâu nhất phải kể đến khu vực dân cư quanh Bến xe Yên Bái, ga Yên Bái và đường Điện Biên. Có chỗ ngập sâu tới gần 4m, toàn bộ các hộ dân sống ở các khu vực này đã bị cô lập hoàn toàn, không đồ ăn, không nước uống, chỉ có nước lũ là nhiều. Do bị nước lũ cô lập nên một số mặt hàng thực phẩm tại TP. Yên Bái đã bắt đầu tăng giá. Thịt gà đã tăng lên mức 120.000/kg, thịt lợn từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, một mớ rau muống thường ngày chỉ 1.500 đồng thì nay đã có giá 5.000 đồng/ mớ, có nơi thậm chí đã bán 8.000 đồng/ mớ rau.

Vì mưa lũ mà cuộc sống của người dân ở TP. Yên Bái đã hoàn toàn bị đảo lộn, nhiều nhà dân ngập sâu trong nước đã buộc phải sơ tán sang ở nhờ nhà người thân, bạn bè. Hàng trăm khách du lịch đi tàu, trong đó khá đông người nước ngoài đã mắc kẹt tại ga Yên Bái và được chính quyền địa phương sơ tán tới các nhà nghỉ - khách sạn ở nơi cao ráo hơn. Điều đó đã khiến giá phòng khách sạn tăng chóng mặt mà vẫn hết sạch phòng.

Theo Vietnamnet (http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/08/798131/)