PDA

View Full Version : Chuyện về "những người mẹ thứ hai" của thí sinh


hieuducco
18-10-2012, 02:42 PM
Vào mùa tuyển sinh, trong khi rất nhiều nhà trọ, nhiều hàng quán coi đây là cơ hội kiếm tiền và "chặt chém" thì vẫn có những con người có tấm lòng sẵn sàng mở rộng cửa và vòng tay đón thí sinh vào trọ miễn phí trong nhà mình.

Bà chủ doanh nghiệp "tiếp sức mùa thi"

Hơn 1.000 chỗ trọ miễn phí là con số mà chị Nguyễn Thị Ái Trinh, TGĐ công ty TNHH Chay Âu Lạc dành cho thí sinh trong suốt 3 đợt thi. Chị Trinh cho biết, trong đợt này, chị đã lấy 5 căn nhà vốn là showroom trưng bày sản phẩm của công ty để cho thí sinh ở. Hiện nay, một cơ sở bên Trần Quý mới xây dựng đã vào giai đoạn hoàn thành và có thể tận dụng cho thí sinh ở vào đợt 3 thi CĐ

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200807/original/images1589251_h1.jpg
Sinh viên tranh thủ ngủ tại điểm trọ miễn phí của chị Trinh trên đường Ngô Gia Tự, Q.5. Ảnh: Hà Dịu

Ngoài việc được ở miễn phí, thí sinh và phụ huynh còn được phát cơm chay và nước uống ngày 3 bữa. Không chỉ thế, theo các thí sinh cho biết thì “bà chủ nhà” còn trang bị cho các em đầy đủ từ giấy vệ sinh, bột giặt đến dầu gội đầu.

Mỗi đợt thi, chị Trinh còn cho phát trên 10 ngàn suất cơm chay miễn phí cho thí sinh. Để thực hiện tốt chương trình tiếp sức này, chị Trinh đã tăng cường nhân viên của mình ở các khâu đi tiếp sức và điều xe chở cơm đến tận cổng một số điểm thi rồi phát cho thí sinh.

Cũng có trường trực tiếp điện thoại đến cơ sở của chị đăng ký số lượng suất cơm, chị cũng cho xe chở đến tận nơi. Những trường hợp này, thường bao giờ chị cũng cho chuẩn bị nhiều hơn số lượng mà các trường đăng ký, vì chị lý giải, không lẽ thí sinh có cơm ăn còn phụ huynh phải nhịn.

Chị tâm sự: "Ngày xưa tôi cũng từng đi thi nên hiểu hết nỗi vất vả của thí sinh. Nhiều người còn lợi dụng mùa thi để nâng giá cơm nên thí sinh và phụ huynh bị chặt chém rất khổ sở. Tôi muốn mang cơm đến tận nơi để các em không phải lo lắng về vấn đề ăn uống mà tập trung vào làm bài".

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200807/original/images1589253_h2.jpg
Chị Trinh - người luôn hết lòng tiếp sức cho thí sinh. Ảnh: Hà Dịu

Khi chúng tôi đặt vấn đề với chị: đây có phải là cách để chị xây dựng thương hiệu cho công ty Chay Âu Lạc? Chị chỉ cười: “Nếu làm thương hiệu tôi sẽ làm cách khác chứ không phải cách này. Chỉ đơn giản là thấy nhiều em thí sinh rất tội nên muốn giúp. Con gái tôi đang học ở xa, tôi nghĩ, ở đây mình giúp các em thí sinh thì ở nơi xa xôi kia cũng sẽ có người khác giúp con mình”.

Nhưng chị vẫn còn băn khoăn: Đọc báo, tôi vẫn thấy có trường hợp thí sinh phải nằm ngoài đường. Chẳng hiểu sao mình đã giúp rồi mà lại không tới? Chắc tại nhiều em không tiếp cận được với thông tin. Chính vì thế, ước muốn của chị là năm sau làm sao đưa thông tin về từng tỉnh để các thí sinh biết và có thể liên hệ trước, nhân viên của chị sẽ ra tận bến xe đón các em.

Người phụ nữ thích làm từ thiện

Nhắc đến bà Cao Thị Oanh, không chỉ thí sinh mà cả sinh viên tình nguyện đều nhớ bởi ở người phụ nữ này, các bạn tìm được những tình cảm thân thương ấm áp của một người mẹ. Tiếp xúc với bà Oanh, ai cũng có cảm giác đây là một người phụ nữ rất cởi mở và tốt bụng.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200807/original/images1589255_h4.jpg
Bà Oanh cùng các sinh viên tình nguyện. Ảnh: Hà Dịu

Trong khu chợ Xóm Mới (Gò Vấp) hàng xóm ai cũng biết đến bà Oanh với danh hiệu người phụ nữ hay làm từ thiện. Bà từng đi khắp nơi xin tiền mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo, xây giếng và cất nhà cho người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Và từ đợt tuyển sinh mùa trước, bà Oanh đã tham gia vào chương trình tiếp sức mùa thi, cho thí sinh ở trọ miễn phí trong nhà mình.

Trong đợt tiếp sức này, bà Oanh đã dành gần 100 chỗ ở miễn phí cho thí sinh. Nhà chật chội, bà mượn thêm căn nhà của một người quen để có thêm những chỗ trọ miễn phí. Hàng ngày, ngoài việc cho thí sinh ở, bà Oanh còn đi xin cơm chay tại 2 điểm: nhà thuốc Nam bên Hóc Môn và công ty Chay Âu Lạc về cho thí sinh.

Với những thí sinh không ăn được cơm chay, bà Oanh đã vận động phụ huynh đóng tiền mua thức ăn, còn gạo bà sẽ cung cấp, vì điều kiện gia đình bà cũng không khá giả để có thể bao cấp cho các em hoàn toàn. Để các thí sinh có được tô mì nóng mỗi sáng trước khi đi thi và buổi tối thức học bài khuya, bà Oanh đã kêu gọi bạn bè giúp đỡ.

Sức lan tỏa trong việc làm của bà Oanh khiến nhiều người cảm phục, sẵn sàng gửi đến cho bà người vài thùng mì, người ít gạo, cùng bà Oanh lo cho thí sinh. Bà Oanh tâm sự: Khi việc làm của mình được xã hội công nhận và nhiều người cùng làm theo thì việc làm ấy có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Người mẹ thứ hai của thí sinh

Không chỉ lo cho thí sinh, những sinh viên tình nguyện ở tại nhà cũng được bà chăm lo rất chu đáo. Có em sinh viên vì mấy ngày tiếp sức mệt quá, lăn ra xỉu cũng một tay bà chăm sóc. Có ngày, cả 3 đứa cùng bệnh, một mình bà phải vừa đưa các em đi viện, vừa nấu cháo dỗ dành các em ăn. Khi chúng tôi tới nhà, bà chỉ một em sinh viên đang bị trái rạ (thủy đậu) nằm ở nhà bà mấy ngày nay, bảo: Nó sợ làm phiền tôi, cứ đòi về quê, nhưng tôi không cho vì đang bệnh. Tôi coi chúng nó như con, ốm thì chăm thôi chứ có vấn đề gì đâu.

Với mỗi thí sinh đến ở nhà mình, bà cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của các em để biết em nào có khó khăn sẽ giúp đỡ. Có một em bà để ý thấy hay hút thuốc. Vậy là bà gọi riêng ra, nhẹ nhàng phân tích cho em thấy tác hại của thuốc, nhất là ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế. Sau khi đi rồi, em đó đã viết lại trong cuốn lưu bút với những dòng rất thật: “Nói thật, lúc đầu mới gặp cô thấy rất ghét, nhưng sau khi tiếp xúc mới thấy, cô biết dùng lời nói và cả tấm lòng để cảm mến lòng người, nên con đã có cái nhìn khác”.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200807/original/images1589257_h3.jpg

Sau đó, em thí sinh này đã bỏ thuốc và vẫn thường xuyên gọi điện về cho bà. Với mỗi em, bà đều lấy tấm lòng và tình cảm để đối đãi nên được các em quý mến. Nhiều em đi rồi vẫn thường xuyên gọi điện về tâm sự với bà. Có nhiều em ở nhà bà từ năm ngoái, sau đó đậu vào các trường vẫn thường xuyên tới thăm và tâm sự với bà như người nhà. Với bà Oanh, đó là niềm vui không gì đánh đổi được.

Tài sản mà bà quý nhất là 2 quyển lưu bút mà các em thí sinh ở nhà bà đã ghi lại. Mỗi lần nhớ các em, bà lại mang ra đọc và gần như bà thuộc từng lời trong quyển lưu bút đó. Bà đã đọc lại trong trí nhớ mình cho chúng tôi nghe những đoạn lưu bút rất xúc động của các em.

Bà kể, trong đợt 1 vừa rồi, có em Thái Phương rất tội. Một lần, sau khi em đi ra ngoài về, bà thấy em ngồi bóp đầu với tâm trạng rất u uất. Bà đã ân cần mat-xa đầu cho em đó bớt đau và tỉ tê hỏi chuyện. Lúc đó em mới tâm sự: từng học xong lớp 12 rồi nghỉ học đi bốc xếp, làm phụ hồ. Nhưng đi làm rồi em mới cảm nhận được nỗi tủi nhục của người không học hành đến nơi đến chốn.

Với quyết tâm vào đại học, em đã đi phụ bán trái cây và được cô chủ tốt bụng cho tiền ăn học và tiền đi thi. Thương cho hoàn cảnh của em, bà Oanh đã hứa, nếu em đậu đại học và có thiện chí, cứ quay lại chỗ bà, bà sẵn sàng giúp đỡ. Sau đó, mặc dù đã về quê, nhưng Thái Phương vẫn gọi điện cho bà và tâm sự rằng, mấy ngày ở nhà bà, em đã rất vui vì có được không khí ấm cúng như gia đình.

Mỗi năm, bà còn cho khoảng 8-10 sinh viên ở trọ trong nhà mình, lo ăn, uống cho các em và chỉ thu mỗi em 600 ngàn đồng. Bà muốn hỗ trợ những em gia đình khó khăn có thể tiếp tục được đến trường.

Khi được bà Oanh cho xem cuốn lưu bút, đọc những dòng tâm sự rất chân thành của các em thí sinh, chúng tôi hiểu được niềm vui và nỗi xúc động của bà Oanh khi được giúp đỡ những người khác: Cô ơi! Con buồn quá! Mọi người đã đi rồi, chỉ còn mình con ở lại. Con chưa muốn đi vì chưa muốn xa cô, xa các anh chị. Con thật lòng biết ơn cô vì những ngày qua, đến thành phố này, con không ngờ đã gặp được người mẹ thứ 2 như cô…

Theo Vietnamnet (http://vietnamnet.vn/psks/2008/07/792940/)