PDA

View Full Version : Tuổi thơ trên đường phố - Kỳ 2: Trò ma


chyngjeeng
18-10-2012, 02:40 PM
Thứ Sáu, 04/04/2008, 02:02 (GMT+7)

Tuổi thơ trên đường phố - Kỳ 2: Trò ma

Một cây kem cũng là ước mơ của trẻ đường phố - Ảnh: Tạ Ngọc Vân
TT - Chiều chiều, Xuân "ba xế" leo lên cầu Long Biên nhảy đùng xuống sông Hồng đùa giỡn với đám bạn bụi đời. Nhìn nó ngoác miệng cười rạng rỡ nét ngây thơ, hiếm ai nghĩ nó đã đặt cả hai chân vào cuộc sống đường phố. "Đêm nay bọn mình đi câu nghe bọn bay?". "Câu đêm à? Nhưng bếp đâu mà nấu cá?".

Nghe Xuân "ba xế" trả lời, đám Tiến "con", Bình "gà” ngoác miệng cười sặc sụa rồi ranh mãnh nháy nhau. Mãi đến đêm nó mới biết bọn chúng không đi câu cá mà đi trộm giày người ta bỏ quên ngoài sân. Nhà nào có cổng rào thì chúng dùng móc dài khéo léo câu từng chiếc ra ngoài. Ngơ ngác! Hoảng sợ! Nhưng Xuân "ba xế" vẫn theo lưng đám bạn bụi đời. Nó sợ lại phải sống đơn độc trên phố. Nó cũng không muốn bị trêu chọc là thằng gà ướt.

Đi "câu" giày

Gần suốt đêm, bọn trẻ rảo hết phố này đến phố khác. Khi có bóng công an, dân phòng đi tuần tra, chúng giả vờ ngoan ngoãn như đang trên đường đi chơi khuya về nhà. Chúng cũng "đánh hơi" được nhà nào có chó dữ để tránh xa. Sáng hôm sau, chúng đánh bóng lại số giày trộm được, rồi bán cho những người kinh doanh giày cũ gần bến xe Giáp Bát với giá 50.000 - 70.000 đồng. Một hôm, chúng vừa sang tay giày trộm được cho những người bán giày vỉa hè thì công an đi dọn dẹp hè phố. Mấy tay bán giày vỉa hè chạy nháo nhào, giấu hàng vào các ngách phố. Đám Xuân "ba xế" tranh thủ lúc lộn xộn này chui vào ngách để nẫng ngay vài đôi giày mà mới trước đó chúng đã bán cho họ. Rồi số giày này lại được chúng quay vòng đem đi bán thêm một lần nữa cho người khác.

Một đôi giày bị ăn trộm hai lần, tiền cũng được gấp đôi. Thật dễ dàng. Đám trẻ đường phố của Xuân "ba xế" quen mùi, lại tiếp tục nhân lúc công an đi dọn dẹp vỉa hè để giở trò. Lại có thêm tiền. Đám trẻ đã có thể xì xụp húp tô phở bò thay cho tô bún đậu hay ổ bánh mì khô. Nhưng những người bán giày vỉa hè cũng không phải tay vừa. Họ chạy tránh công an, mắt vẫn canh chừng bao giày của mình. Lần này thì đám trẻ bụi đời không gặp may nữa. Chúng vừa nhấc bao hàng lên thì mấy người bán giày nhào đến. Cả bọn ù chạy như ong vỡ tổ.

Bất ngờ, một bàn tay cứng như thép chụp dính cổ Xuân "ba xế" rồi gí nó xuống lề đường. Bốp. Bốp. Những cái tát trời giáng của tay bán giày liên tục vào mặt nó. Tai nó ù đặc. Máu mũi, máu mồm nhỏ giọt xuống ngực áo. Tay bán giày chỉ ngừng tát khi người đi đường xúm lại can. Gã đẩy dúi Xuân "ba xế" xuống rãnh nước cống rồi quát: "Tiên sư thằng lỏi con dám bố láo với bố mày. Lần sau bén mảng tới đây trộm cắp ông dìm chết dưới cống".

Xuân "ba xế" xanh mét, run rẩy. Nó gạt nước mắt lẫn máu trên mặt. Cảm giác đau đớn và nhục nhã như xé nát người nó. Thất thểu một mình trên phố, nó quay cuồng ý nghĩ phải làm cái gì đó. Nhưng nó chưa kịp nghĩ ra làm gì thì đám bạn đường phố đã đón nó ở gầm cầu Long Biên. "Sợ cóc khô gì. Lần sau bọn này sẽ vét sạch không còn đôi giày nào cho lão vác bao rỗng ra đường đi nhặt rác". Bọn chúng gầm gừ trấn an Xuân "ba xế".

Nhưng suốt mấy tháng sau, chẳng đứa nào dám lai vãng đến phố đấy. Không đi câu giày đêm nữa. Hết tiền. Bọn Xuân "ba xế" đâm hục hặc nhau rồi dần rã đám. Một số đứa tụ lại chợ trái cây Long Biên, vừa khuân vác thuê vừa móc trộm. Xuân "ba xế" cùng vài đứa bạn lang thang ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Chúng lại bắt đầu những chuỗi ngày đói thắt ruột.

Rồi một đêm, Xuân "ba xế" đang ngủ lơ mơ dưới gốc cây bên bờ hồ thì nghe tiếng xe thắng rít. Công an đi làm trật tự đường phố. Nó định lẩn xuống gầm cầu nhưng không kịp. Nó bị đưa về phường. Không giấy tờ, địa chỉ, không người bảo lãnh, thế là nó được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Tây, mất 15 ngày mới ra lại đường phố.
Vòi bạch tuộc

Trẻ em kiếm sống trên đường phố Hà Nội - Ảnh: V.Dũng
Một đêm, Xuân "ba xế" đang đói meo, lang thang trên phố thì bất ngờ một cánh tay người lớn kẹp cổ nó từ phía sau. Mãi đến lúc nó gần ngạt thở, cánh tay đó mới thả lỏng ra. Nó quay lại nhìn, giật mình phát hiện người vừa mới siết cổ mình là một gã giang hồ chuyên chơi hàng trắng ở khu Long Biên. Nó chưa kịp mở miệng thì người kia đã nói trước: "Chú mày đang đói phải không? Chú mày đem giao cái này cho anh. Nhoắng một cái đã được 5.000 đồng. Khỏe re như con bò kéo xe".

Xuân "ba xế" chưa kịp hiểu cái gói nhỏ xíu bọc kín như viên kẹo đó là gì, nhưng đói quá nên nó gật đầu liều để có miếng ăn. Theo chỉ dẫn của gã đại ca, nó đi bộ ra chân cầu Long Biên. Một đôi thanh niên chạy xe máy vút đến, giật nhanh cái gói nhỏ đó, rồi nhét vào túi nó tờ 50.000 đồng. Nó còn đang ngơ ngác thì gã đại ca lại xuất hiện ngay sau lưng, giật phắt tờ tiền và giúi lại cho nó 5.000 đồng. Số tiền vừa đủ mua hai ổ bánh mì không cho nó và Đăng "ti mo" ăn ngấu nghiến.

Sáng hôm sau, Xuân "ba xế" kể lại chuyện kiếm tiền kỳ lạ này cho mấy người bạn lăn lộn đường phố lâu năm hơn nghe. Rồi mặt nó tái nhợt khi nghe đám bạn nói: "Chắc là mày bị lừa giao tép ma túy cho bọn nghiện rồi!". Tối đó, nó cương quyết không đi làm chuyện này nữa. Gã đại ca nghe nó từ chối mặt đanh lại, chụp cổ thằng nhóc lôi xềnh xệch vào chỗ vắng dưới gầm cầu: "Thằng lỏi con lớn gan, dám từ chối bố mày à?". Gã vừa gầm gừ vừa đè nghiến Xuân "ba xế" sấp mặt xuống đường, gã bắt đầu giậm giày lên lưng nó. Xuân "ba xế" đau quá thét lên, gã càng giậm mạnh. Đế giày thể thao có gai làm rách lưng Xuân "ba xế", máu tứa ướt cả áo. Gã vừa hành hạ thằng nhỏ vừa hăm he báo công an: "Đêm qua mày giao một tép cũng đủ tù rục xương rồi".

Chịu đựng hết nổi, Xuân "ba xế" gạt nước mắt gật đầu. Nhưng nó không cho Đăng "ti mo" biết vì sợ liên lụy đến bạn. Ban ngày nó mệt mỏi ngủ vùi. Đêm xuống, nó đi giao lẻ hàng trắng trong nơm nớp lo sợ. Có lần nó giao nhầm tép ma túy giả, bị mấy tay nghiện quay lại tìm, tát hộc máu mũi. Càng ngày nó càng nhợt nhạt, xanh xao. Mấy lần nó đã tìm cách chạy trốn, nhưng đều không thể thoát khỏi cặp mắt cú vọ dữ dằn của gã giang hồ.

Đang lo lắng không biết cách nào thoát khỏi trò nguy hiểm này thì một buổi chiều nó thấy công an ập đến còng tay gã đại ca. Nó cắm cổ chạy thục mạng ra bãi sông Hồng trong tâm trạng vui mừng lẫn sợ hãi. Nó đã thoát khỏi bàn tay gã buôn bán ma túy, nhưng không biết mình có bị bắt theo hay không.

Suốt mấy ngày sau đó, Xuân "ba xế" đói khát trốn biệt dưới hốc cầu Long Biên. Đến nỗi người gác đường sắt phải giội nước lạnh xuống, nó mới chịu chui ra.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=250814&ChannelID=89

lesen.dv
18-10-2012, 02:40 PM
TT - Từ khi quen Đăng "ti mo", Xuân "ba xế" cảm thấy đời mình vẫn còn may mắn. Năm nay đã 13 tuổi nhưng cơ thể suy dinh dưỡng của Đăng "ti mo" chưa bằng đứa trẻ lên mười. Nó mồ côi cha mẹ và cũng chẳng biết anh chị mình đang ở đâu.

http://www.nhomai.vn/forum/anhnhomai/46147f9f4dc17744.bmp
Khuân vác mưu sinh, nhưng đôi bạn này vẫn thường xuyên không có người thuê


Không gia đình

"Chết này. Ông đánh cho mày chết này. Cái thằng oắt con mất dạy, dám ăn cắp của bố mày hả”. Vừa ra khỏi trung tâm bảo trợ xã hội, Xuân "ba xế" đã chứng kiến cảnh một thằng nhóc bị tay buôn trái cây ở chợ Long Biên tát chảy máu mồm. Thấy tội nó đang bị ăn đòn tơi tả chỉ vì trộm trái dưa, nhưng Xuân "ba xế" chỉ dám đứng nhìn. Bộ dạng bụi đời của nó mà vào can thì chỉ ăn đòn ké.

Đợi lúc tay lái buôn hết giận, Xuân "ba xế" cà rà đến hỏi thăm thằng nhóc đang ôm mặt máu ngồi khóc. Cùng thân phận lang thang đường phố, chúng nhanh chóng kết thân nhau. Quê Đăng "ti mo" ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), cha mất bệnh, mẹ bị tai nạn giao thông chết. Nhà năm anh chị thì ba người đi tù vì bán hàng trắng, một người chết vì bị sốc ma túy. Còn chị nó vào Nam làm gì đấy mà chính cô ta cũng chẳng dám kể lại. Một buổi sáng tỉnh dậy, nó mếu máo thấy mình không còn ai bên cạnh. Ngôi nhà cũng bị chủ nợ lấy mất. Đăng "ti mo" trở thành đứa trẻ không gia đình. Nó vất vưởng sống nhờ lòng tốt dân làng ít lâu, rồi một số thanh niên bỏ quê lên Hà Nội dẫn nó theo. Năm đó nó vừa 5 tuổi.

Lần đầu lên Hà Nội, Đăng "ti mo" co ro trong ngơ ngác, sợ hãi. Nó cứ thút thít khóc. Mấy người lớn phải hăm dọa và tát vào mồm nó mới chịu nín. Cả nhóm ôm hộp đánh giày kiếm sống. Đăng "ti mo" còn bé quá, chưa biết làm nên được giao nhiệm vụ đi "săn" giày ở các quán xá và trả giày sau khi mấy anh lớn đánh xong. Lang thang mãi, cuối cùng nhóm Đăng "ti mo" trôi dạt về khu vực quanh bến xe Hà Đông. Bữa đói bữa no nhưng Đăng "ti mo" vẫn chịu được cuộc sống này, nếu như mấy người lớn trong nhóm nó không sa đà nghiện ngập.

Một người nghiện trước. Hai người nghiện. Rồi cả năm người đều nghiện. Chỉ còn sót lại duy nhất Đăng "ti mo" vì nó còn nhỏ quá nên mấy người lớn chưa cho thử hàng. May mắn chưa nghiện, nhưng địa ngục lại ụp xuống đầu thằng nhóc. Đám thanh niên ngày càng nghiện nặng, vật vã không đi làm nổi. Họ bắt nó phải đi đánh giày và nộp tiền cho chúng chích choác.

Đăng "ti mo" lúc này đã tám tuổi, nhưng nó vẫn nhỏ thó như đứa trẻ lên sáu vì thiếu ăn. Ra đường, đứa bụi đời nào cũng có thể bắt nạt nắm tóc, đá đít nó hoặc ác hơn là trấn sạch tiền. Nó đánh giày đủ nuôi miệng đã khó, lại phải nuôi thêm mấy người nghiện càng khổ hơn. Ngày nào nó cũng bị đánh, nhẹ thì ăn vài tát, nặng hơn thì đạp ngã dúi xuống đất. Suốt ngày rảo bộ trên đường phố, tối về lại bị bỏ đói, nhiều buổi sáng nó không ngóc đầu dậy nổi.

Rồi đến ngày Đăng "ti mo" không thể chịu đựng được nữa khi mấy tay nghiện bắt nó phải trấn những đôi giày xịn của khách. "Mày đi đánh giày, vớ được đôi nào ngon thì đừng trả. Cứ lặng lẽ đem về đây để các ông mày bán cho". Ngay sáng hôm đó, nó quyết định ra đi không về. Nó không sợ phải sống một mình trên đường phố bằng sợ mấy tay nghiện tìm bắt được thì nhừ đòn! Nó buộc phải bỏ hộp đánh giày và những con phố quen thuộc. Một đêm, nó đang ngủ bụi trong công viên thì bị công an đưa về phường, rồi chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Tây. Trong đó nó được học chữ, nhưng không chịu nổi mấy thằng lớn hơn bắt nạt. Canh buổi sáng được ra ngoài học chữ, nó co giò bỏ trốn.

Dạt về cầu Long Biên, Đăng "ti mo" khuân vác trái cây kiếm sống. Nhưng người nó bé quá, cái đầu chỉ ló hơn bao hàng một chút. Mỗi lần nó kéo xe hay vác bao cũng chẳng được bao nhiêu. Chợ đầu mối về đêm ồn ào, tất bật. Trẻ con lang thang bám đen vào chợ. Chẳng mấy người lái buôn để ý đến thằng nhóc tội nghiệp.

Bộ đôi ăn ý

http://www.nhomai.vn/forum/anhnhomai/46147f9f565acc4b.bmp
Phút vui vẻ hiếm hoi của hai cậu bé Xuân "ba xế" và Đăng "timo"

Rồi một tối, Đăng "ti mo" thò tay trộm trái dưa. Đầu óc nó váng vất vì đói. Hình như chính nó cũng chẳng biết mình đang làm gì. Lần trộm đầu tiên thành công. Người bán hàng rong mua lại trái dưa 5.000 đồng. Thương thằng nhỏ đang run lập cập vì đói lẫn sợ, chị ta cho thêm 2.000 đồng. Cầm chặt mấy tờ tiền lẻ như sợ bị giật mất, nó nhào ra quán phở gọi một tô không thịt. Nó không nhai mà chỉ nuốt chửng. Nó thèm thuồng ngon miệng như chưa bao giờ được ăn.

Một lần. Hai lần. Ba lần đều trót lọt… Đăng "ti mo" quen tay trộm dần. Đến một ngày nó bị tóm, bị đánh và tình cờ gặp Xuân "ba xế". Nhưng hôm đấy nó bị đòn oan. Mấy đứa bụi đời cùng "tia" một xe hàng ở chợ Long Biên. Thằng Phong "lì” vừa ôm trái dưa giấu vào áo khoác thì chủ hàng nhào lại. Cả đám bỏ chạy tán loạn, Đăng "ti mo" bé nhất, chạy sau bị vấp bao hàng té lăn đùng. Vô tình trái dưa thằng Phong "lì” quăng lại lăn vào ngay bụng nó. Thế là Đăng "ti mo" ăn đòn thay.

Gặp Xuân "ba xế" thông cảm hỏi han, Đăng "ti mo" rơm rớm xúc động. Sống ở hè phố lâu lắm rồi, nó không còn nhớ được cảm giác ai đó lo lắng cho mình. Hai số phận không gia đình nhanh chóng gắn bó với nhau. Xuân "ba xế" hơn nó hai tuổi và cũng to cao gấp rưỡi. Nhưng hai đứa chỉ gọi mày tao.

Xuân "ba xế" mới ở trung tâm bảo trợ xã hội về, chưa biết làm gì, đành theo Đăng "ti mo" dạt chợ Long Biên. Vừa khuân vác thuê, chúng vừa móc máy thêm một chút trái cây nếu ai đó làm rơi rớt hoặc để sơ hở. Chúng đi rảo khắp chợ suốt đêm. Hôm nào xui xẻo rỗng túi, chúng cùng nhịn. Hai thằng ôm nhau nằm ngủ trên hốc cầu Long Biên cho quên đói. Bữa may mắn được chút tiền, chúng chia nhau ăn.

Chúng làm đêm, ngủ ngày. Xế chiều thức dậy, hai đứa mới bắt đầu đi chơi và sống đúng với tuổi thơ mình. Ban đầu, Xuân "ba xế" mê nhảy cầu Long Biên xuống sông Hồng. Còn Đăng "ti mo" người suy dinh dưỡng nhỏ xíu, không chơi được trò bạo này, nên máu ngồi game điện tử. Dần dần, Xuân " ba xế" cũng lây bạn, nhiễm nặng trò chơi trước máy tính.

Ngoài việc phải mua cái ăn bỏ vào mồm, chúng kiếm được bao nhiêu tiền đều đổ vào game. Chúng "nghiện" nặng đến mức hôm nào không có tiền, mấy chủ tiệm game quanh chợ Long Biên cũng sẵn sàng cho chơi thiếu. Họ biết tỏng mấy chú nhóc con này có thể nhịn ăn một ngày, nhưng không thể nhịn chơi game một buổi.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=251032&ChannelID=89