PDA

View Full Version : Tiếng Chuông Cảnh Báo


tamexim
18-10-2012, 02:39 PM
Cưa chân vì ghiền thuốc lá
Bác sĩ khuyên người bệnh bỏ thuốc lá ngay để khỏi cưa chân lần nữa. Ấy nhưng có người vẫn không thể từ bỏ khói thuốc nên đã cắt cụt chân còn phải cưa tay.
http://www.nhomai.vn/forum/anhnhomai/170547dc9ef630618.bmpNgón tay bị hoại tử do tắc mạch
Ngày nọ, chúng tôi nhận bệnh nhân Trần Văn S., một doanh nhân, từ tỉnh Kiên Giang chuyển lên. Anh hút thuốc đã trên 20 năm, từ khi 18 tuổi. Hai bàn tay khẳng khiu, gầy guộc, mái tóc dài bơ phờ biểu hiện của những đêm dài mất ngủ vì đau đớn. Trên các ngón tay và chân xuất hiện những điểm hoại tử khô, có vài chỗ mủ chảy ra rất hôi. Bệnh nhân bị bệnh viêm tắc động mạch mãn tính do hút thuốc lá gây nên.

Lời khuyên đầu tiên dành cho bệnh nhân là lập tức bỏ thuốc lá. Tuy nhiên chỉ được vài ngày, khi vết mổ tạm lành, các cơn đau dịu dần, anh lại tiếp tục hút thuốc lá. Anh bảo: "Khó bỏ quá bác sĩ ơi, trước mỗi ngày gần hai gói, nay còn một gói!". Kết quả là anh phải cắt cụt hai chân, còn hai bàn tay cũng trong tình trạng đe dọa phải cắt bỏ.

Hai năm sau, chúng tôi lại gặp anh tại một bệnh viện khác. Hai chân đã cụt, hai tay cũng cụt nốt. Anh đi lại bằng xe lăn do người nhà đẩy, gương mặt buồn rầu anh nói: "Bác sĩ ơi, cuộc đời tôi thế là hết rồi, tàn phế rồi!". Thế nhưng chúng tôi vẫn thấy anh nhờ người nhà châm giúp điếu thuốc và rít những hơi dài!

Càng đau, càng húthttp://www.nhomai.vn/forum/anhnhomai/170547dc9f022223e.bmpMột bệnh nhân viêm tắc động mạch mãn tính do ghiền thuốc lá
Bệnh thường xảy ra ở người dưới 45 tuổi, đàn ông, nghiện thuốc lá, có tổn thương loét hoại tử khu trú ở đầu ngón chân và không có các yếu tố biểu hiện của các loại bệnh khác như: xơ vữa động mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường...

Đau suốt ngày đêm là biểu hiện chính của bệnh: đau chiếm đến 75-80% số bệnh nhân và là biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng chân. Lúc đầu bệnh nhân có tình trạng đau cách hồi, đau như chuột rút ở bắp chân, xuất hiện khi đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Về sau đau liên tục, bệnh nhân không chịu nổi, đau nhiều về đêm, có khi người bệnh lâm vào tình trạng trầm cảm vì đau đớn.

Hình ảnh quen thuộc là một người đàn ông trung niên già hơn tuổi, gầy gò, nét mặt đau khổ ngồi trên giường bệnh, thõng bàn chân đau và phù nề xuống đất để giảm đau. Càng đau bệnh nhân hút thuốc lá càng nhiều, có một điều kỳ lạ là lúc đầu thuốc lá có thể làm bệnh nhân bớt đau và quên đi những đêm dài thức trắng. Nhưng càng hút tình trạng viêm tắc động mạch càng nặng, bệnh nhân lại càng hút để hi vọng giảm đau, tạo thành một vòng xoắn không ai có thể gỡ nổi ngoài chính người bệnh.

Ngày càng nặng
Thuốc lá là thủ phạm chính

Bệnh hầu như chỉ gặp ở nam giới, tuổi còn khá trẻ từ 25-40 tuổi, hay gặp ở các chủng tộc người da trắng và da vàng, rất hiếm thấy ở những người da đen. Ở VN, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng phần lớn bệnh nhân đều nghiện thuốc lá nặng, trên 20 điếu/ngày.

Hai tác giả DeBakey và Cohen tại Bệnh viện Mayo của Mỹ khi khảo sát trên 936 bệnh nhân bị bệnh Buerger, đã thấy rằng bệnh nhân rất khó bỏ thuốc lá.

Bằng mọi phương pháp, kể cả tư vấn và bắt buộc, chỉ có 10% số bệnh nhân bỏ được thuốc lá hoàn toàn. Nghiện thuốc lá và không bỏ được thuốc lá là một nguyên nhân làm bệnh nhân rất khó khỏi bệnh mặc dù được điều trị tích cực.
Ở giai đoạn sớm của bệnh có thể thấy các tổn thương của tĩnh mạch nông đi kèm, biểu hiện bằng tình trạng viêm tắc tĩnh mạch tái phát. Hiếm khi thấy tổn thương của các tĩnh mạch lớn và sâu như tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch chậu.

Bệnh có thể tiến triển thành nhiều đợt cấp, trên nền tổn thương mãn tính. Sau giai đoạn cấp là giai đoạn hình thành của các mạch máu bàng hệ, đó là các nhánh nối bắc cầu của chính cơ thể, giai đoạn này rất quan trọng ở những bệnh nhân trẻ. Người bệnh thấy giảm hoặc hết các triệu chứng đau nhức, triệu chứng tím tái đầu ngón chi và bệnh có thể tự lành.

Tuy nhiên, chu kỳ lành bệnh này có thể vỡ nếu bệnh nhân tiếp tục hút và gia tăng mức độ hút thuốc lá. Bệnh tiến triển theo xu hướng nặng dần, khoảng cách giữa các lần lành bệnh ngắn lại, thời gian đau kéo dài ra và tỉ lệ tử vong của bệnh nhân trong vòng 10 năm cao gấp ba lần so với những người bình thường, tỉ lệ phải cắt cụt chân trên 20%.

Đó là ở Mỹ và các nước phát triển; còn ở nước ta tỉ lệ này cao hơn nhiều. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, tỉ lệ tử vong và cắt cụt chân thay đổi nhiều tùy theo tình trạng nghiện thuốc lá và các biện pháp nhằm bảo vệ đôi chân của bệnh nhân.

Điều trị không dễ Trong điều trị bệnh Buerger (tên riêng của căn bệnh đang đề cập) hiện nay có hai cách: điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Nhưng cũng cần nhấn mạnh dù điều trị thế nào đi nữa, phải kiên quyết bỏ hẳn thuốc lá, việc giảm hút dù rất nhiều cũng không mang lại kết quả nào cho người bệnh. Điều trị nội khoa bao gồm: nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa vận động, chống đau cho bệnh nhân bằng các thuốc giảm đau nhưng thường thì không có hiệu quả, săn sóc vết thương tại chỗ, các thuốc làm giãn mạch và làm loãng máu cho bệnh nhân.

Điều trị ngoại khoa là giai đoạn kế tiếp theo sau, nhưng các biện pháp can thiệp như cắt thần kinh giao cảm, phẫu thuật bắc cầu động mạch rất khó thực hiện và không hiệu quả, cuối cùng đều đưa đến cắt cụt chân. Vị trí cắt cụt được lựa chọn thường là 1/3 trên cẳng chân, đây là vị trí thuận tiện cho việc lành vết thương và làm chân giả. Rất nhiều trường hợp cắt thấp hơn như cắt bàn chân, tháo khớp cổ bàn chân theo yêu cầu của bệnh nhân đều không lành và phải cắt lại gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM
(TUOITRE.COM.VN NGÀY 12/3/2008)