PDA

View Full Version : cập nhật tin tuc ngay 10-3 trên nhiều tờ báo !!!


kim-ef
18-10-2012, 02:38 PM
Trà Vinh: triều cường gây sạt lở đê biển Hiệp Thạnh

TTO - Từ ngày 5 đến 10-3, sóng to kết hợp với triều cường đã làm đoạn đê dài khoảng 500m tại khu vực ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải bị sạt lở nhiều đoạn, trong đó có đoạn dài 100m bị sạt lở hoàn toàn làm nước biển tràn sâu vào đất canh tác của dân.

>> Trà Vinh: Vỡ tuyến đê biển Hiệp Thạnh

Hiện đồn Biên phòng 622 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Trà Vinh cùng chính quyền địa phương đang vận động nhân dân sử dụng bao cát để ngăn nước biển tạm thời ở những đoạn có khả năng bị vỡ.

Trước đó, tuyến đê biển xã Hiệp Thạnh đã bị triều cường gây sạt lở một đoạn dài 120 mét, lấn sâu vào thân đê từ 1,5-3m, làm gãy ngã hơn 200 cây phi lao khoảng 10 năm tuổi tại khu vực. UBND huyện Duyên Hải đã xuất kinh phí 30 triệu đồng để duy tu lại tuyến đê.

Tuyến đê Hiệp Thạnh hàng năm đều bị triều cường gây sạt lở, huyện phải chi hàng trăm triệu đồng để khắc phục, tuy nhiên do nơi đây nước chảy rất mạnh và xoáy sâu vào thân đê nên việc khắc phục không hiệu quả .

Bình Dương: Nổ bom còn sót sau chiến tranh, 2 người thiệt mạng

Chiều ngày 10-3, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương xác nhận: vụ nổ xảy ra chiều ngày 8-3 tại nhà anh Đậu Xuân Ngọc, ấp 1, xã Tân Định, huyện Tân Uyên (Bình Dương) là do loại bom 500, có ký hiệu USA, chiều dài quả bom hơn 1m với trọng lượng 227kg còn sót lại sau chiến tranh.

Sức công phá của quả bom đã làm khu vườn rộng khoảng 500m2 gần như tan hoang, cả 100 cây sao su gãy ngổn ngang, nhiều cây điều gần đó cũng bị cháy xém và ngôi nhà của anh Ngọc đang xây dở dang bị đổ sập hoàn toàn. Hai nạn nhân thiệt mạng được xác nhận là anh Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1978, ngụ ấp 1 và anh Vũ Văn Dung, sinh năm 1988, ngụ ấp Cây Chanh, xã Tân Định (Tân Uyên), tuy nhiên thi thể của 2 nạn nhân này không tìm được nguyên vẹn vì sức công phá của trái bom quá lớn.

Theo một số người dân địa phương, nhiều khả năng nguyên nhân bom nổ là do 2 nạn nhân đào bom từ dưới lòng đất trong khi đang xây nhà.

Được biết, hơn một tháng trước cũng tại huyện Tân Uyên đã xảy ra một vụ nổ bom tương tự khiến hai người khác thiệt mạng.

Quảng Ngãi: vịt chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân

TTO - Ngày 9-3, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt của gia đình ông Trần Hoàng Long ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An, huyện miền núi Minh Long (Quảng Ngãi) gửi Cơ quan Thú y vùng IV (Đà Nẵng) xét nghiệm.

Trước đó, đàn vịt gia đình ông Long bỗng chết hàng loạt lên đến trên 350 con (40 ngày tuổi) với những biểu hiện: liệt chân, tiêu chảy phân trắng, viêm mũi, phù đầu, xuất huyết nội tạng. Điều đáng nói là gia đình ông Long nuôi gia cầm tự phát với số lượng lớn lên đến 650 con nhưng chưa biết gì về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, chưa được các cấp chính quyền địa phương hướng dẫn tiêm phòng văcxin phòng ngừa dịch cúm gia cầm nguy hiểm H5N1.

Không trả tiền đổ rác, chợ thành bãi rác!

Từ sáng ngày 8.3, Văn phòng đại diện Thanh Niên tại Cần Thơ đã liên tiếp nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân phản ánh tình hình mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường do tình trạng rác thải tràn đầy hai chợ Xuân Khánh và Trung tâm Thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Tại chợ Xuân Khánh, chúng tôi được Ban quản lý chợ cho biết từ tối ngày 6.3, không biết vì lý do gì mà công nhân vệ sinh không đến thu gom rác như mọi khi, làm cho số lượng rác thải tại chợ trong hai ngày qua tràn ngập, làm ô nhiễm môi trường, các hộ kinh doanh còn đem rác ra đổ cả ngoài lòng lề đường 30.4 trước cửa chợ. Tại Trung tâm Thương mại Cái Khế tình trạng cũng tương tự, rác tràn ngập khắp nơi không có ai gom hốt. Theo ông Trang Văn Nông, Trưởng ban quản lý hai đơn vị trên, việc thu gom rác là trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, không biết do hợp đồng thuê bao thu gom rác với Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ như thế nào mà để xảy ra tình trạng rác ngập chợ.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tám, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều lại cho rằng với chức năng được UBND quận giao, đơn vị này chỉ có trách nhiệm là hợp đồng thuê bao lâu dài với Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ để thu gom rác, quét dọn vệ sinh ở đường phố, công viên và những nơi giải trí công cộng. Riêng phần rác trong chợ do các tiểu thương kinh doanh thì Ban quản lý chợ phải ký hợp đồng trực tiếp với Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ để thu gom, vì hằng tháng Ban quản lý chợ đã thu các khoản phí của các hộ tiểu thương, trong đó có tiền vệ sinh và thu gom rác.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Dương Chiến, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ. Ông Chiến nói: "Trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên thuộc về Ban quản lý chợ. Do trong thời gian gần đây hợp đồng trả tiền thuê bao thu gom rác của hai chợ Xuân Khánh và Trung tâm Thương mại Cái Khế không đủ để công ty trả lương cho công nhân vệ sinh, nên công ty đã nhiều lần đề nghị Ban quản lý chợ điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp với chi phí thực tế hiện nay. Nhưng Ban quản lý hai chợ không đồng ý, nên buộc chúng tôi phải cho công nhân vệ sinh ngưng thu gom rác hai chợ trên từ chiều ngày 6.3 đến nay".

Đến hôm qua 9.3, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều Trần Văn Tám nói các tiểu thương đã liên tục phản đối gay gắt về tình trạng mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, thậm chí một số tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Cái Khế đã đem rác đổ trước cửa Ban quản lý! Tuy hôm qua là ngày nghỉ nhưng bản thân ông Tám cũng không thể ngồi yên, phải trực tiếp xuống làm việc với Công ty công trình đô thị để tìm giải pháp tháo gỡ. "Trước mắt là phải thu dọn rác ngay, còn mọi việc thế nào thì trong tuần này các bên liên quan sẽ ngồi lại với nhau để giải trình trước UBND quận", ông Tám nói.


Mất 25 ngày mới hút hết dầu trong tàu Đức Trí

* Vẫn còn 9 nạn nhân chưa tìm thấy xác

Chỉ với lượng dầu tràn mấy ngày qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải huy động hàng ngàn người tham gia thu gom, xử lý. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn bế tắc trong việc tiếp cận xác tàu để tìm kiếm thi thể nạn nhân.


Hôm qua 9.3, tại Đồn biên phòng 484, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Văn Đức chủ trì cuộc họp khẩn với Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) bàn phương án tìm, cứu vớt xác nạn nhân và kế hoạch hút dầu ra khỏi tàu Đức Trí.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Khá, Tổng giám đốc Công ty Trục vớt cứu hộ VN nói: "Nếu điều kiện thuận lợi thì hai ngày tới sẽ tiến hành hút dầu. Tuy nhiên, để hút hết 1.700 tấn dầu phải mất hết 25 ngày". Trong khi đó, ông Phạm Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III lo ngại rằng nếu không có phương án vớt thi thể nạn nhân ra sớm và hút dầu trong tàu ra nhanh, thì trong điều kiện thời tiết xấu như hiện nay tàu rất có nguy cơ sẽ vuột neo va vào đá, vô cùng nguy hiểm. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức yêu cầu phải ưu tiên vớt thi thể các thủy thủ, sau đó nhanh chóng triển khai công tác hút dầu chứ không thể chậm trễ được nữa.

Trở lại với hiện trường, suốt cả ngày hôm qua đội thợ lặn đã nỗ lực đưa dây dẫn vào tàu Đức Trí và tổ chức tìm, vớt xác nạn nhân. Tuy nhiên, do sóng to nên vẫn chưa thể tiếp cận xác tàu để đưa các thi thể nạn nhân ra. Các thợ lặn cho biết, tầng 3 của tàu Đức Trí đã bị gãy nát và tầng 2 bị lún sâu dưới sình làm cửa vào ca-bin không thể mở được. Ngay trong buổi chiều, trung tâm trục vớt cứu hộ đã dùng loại neo 1,5 tấn thay cho loại 800 kg để định vị tàu Đức Trí đứng yên tại chỗ, nhưng cũng chưa ai biết chắc là trong tình hình thời tiết xấu thì loại neo mới thay có đủ sức chịu đựng hay không. Trong khi đó, chỉ với lượng dầu tràn trong mấy ngày qua, tỉnh BR-VT đã phải huy động một lực lượng lên đến 3.000 người tham gia thu gom, xử lý khu vực bờ biển bị ảnh hưởng của mình.

Chủ chiếc tàu này, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đức Trí hôm qua đã không có mặt trong cuộc họp cũng như ở tại hiện trường mà ủy quyền toàn bộ cho ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Nga, là em ruột của mình, trực tiếp xử lý hậu quả. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Tùng nói: "Đến giờ này vẫn chưa rõ nguyên nhân chìm tàu. Khi nào cơ quan cứu hộ cứu nạn trục vớt tàu lên mới biết được".

Theo quy định mỗi 2 giờ, tàu phải báo cáo thông số tàu đi, vì sao tàu không báo về công ty? PV Thanh Niên nêu thắc mắc thì được ông Tùng giải thích: "Trước lúc gặp nạn, một thủy thủ gọi về nhà lúc 21 giờ. Sau đó hơn 22 giờ, vợ thủy thủ này gọi lại thì không liên lạc được... có thể là do mất tín hiệu. Sau khi trục vớt tàu lên chúng tôi sẽ kiểm tra tín hiệu báo động có hoạt động được hay không".