PDA

View Full Version : Trục lợi trên nỗi đau của dân


tamexim
18-10-2012, 02:38 PM
Dự án khu nhà ở kinh doanh hơn 204.000m2 tại quận Thủ Đức
Trục lợi trên nỗi đau của dân (Thứ sáu , 29/02/2008, 15:30) (BNS) * Thu hồi với giá 150.000 đồng/m2 đất, bán lại 10 - 13 triệu đồng/m2
* Chủ doanh nghiệp tặng vợ 68.500 cổ phiếu trị giá 12 tỷ đồng (!?)
* UBNDTP chỉ đạo khẩn trương làm rõ

Người chịu trách nhiệm lập phương án đền bù là Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức (QTĐ) Lê Văn Lộc. Người duyệt phương án là Chủ tịch UBND QTĐ Trần Công Lý. Quyền lợi chính đáng hợp pháp bị tước đoạt, người dân mất đất phản ứng quyết liệt. Lẽ ra phải xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật thì hai vị cán bộ này thẳng thừng bác bỏ, đã thế còn ra lệnh cưỡng chế, san bằng cả mồ mả gia tộc của họ khiến cho việc khiếu nại, tố cáo càng gay gắt.
http://www1.congan.com.vn/img_folder/2008/2/20080228/5a.jpg Người dân trước khu đất bị cưỡng chếTIỀN HỖ TRỢ CAO GẤP 3 LẦN GIÁ BỒI THƯỜNG!
Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Cty CPPTNTĐ) được UBNDTP tạm giao 187.766m2 đất tại phường Bình Chiểu, QTĐ để làm khu nhà ở bằng quyết định (QĐ) số 3237/QĐ-UB ngày 30-6-2004. Toàn bộ 187.766m2 do 80 hộ dân sử dụng, trong đó có 4.472m2 của ba gia đình bà Nguyễn Thị Sẻ (1.273m2), bà Võ Thị Thanh (1.267m2) và bà Đào Thị Ngọc Lan (1.930m2). QĐ 3237/QĐ-UB nêu rõ: Cty CPPTNTĐ phối hợp UBND QTĐ tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật; sau khi thực bồi thường cả khu đất xong thì lập hồ sơ xin giao đất chính thức.

Ngày 6-9-2004 Chủ tịch UBND QTĐ Trần Công Lý ký QĐ lập Hội đồng bồi thường thiệt hại do Phó chủ tịch UBND QTĐ Lê Văn Lộc làm Chủ tịch hội đồng. Ngày 18-11-2004 ông Lộc ký phương án “bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư”, được ông Trần Công Lý phê duyệt năm ngày sau đó. Ngày 16-6-2005 ông Lộc ký QĐ số 495/QĐ-UB chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. QĐ ký năm 2005 nhưng ông Lộc lại áp dụng khung giá đất của UBNDTP ban hành từ ngày 4-1-1995 để đền bù cho dân với giá 150.000 đồng/m2. Nhiều hộ dân trong đó bà Sẻ bức xúc: “Thu hồi đất làm khu nhà ở kinh doanh kiếm lời, vậy mà ông Lộc hô biến thành đất phục vụ lợi ích quốc gia rồi căn cứ vào Nghị định 22/CP năm 1998 và áp khung giá đền bù có từ hơn 10 năm trước. Thời điểm này phải áp dụng Nghị định 197/CP và QĐ 316/2004/QĐ-UB ngày 24-12-2004 về giá các loại đất trên địa bàn TP mới phù hợp. Theo đó, chúng tôi phải được đền bù 1,9 triệu đồng/m2 đồng thời được hỗ trợ từ 20 đến 50%. Giá thu hồi quá “bèo” nên Cty CPPTNTĐ “hỗ trợ” thêm đến 450.000đồng/m2 đất, gấp 3 lần giá bồi thường!”.

Đến đầu năm 2008, còn nhiều hộ dân chưa đồng ý giao đất và khiếu nại vì giá đền bù quá thấp, trong đó gần 20 hộ vẫn sinh sống trong phần đất thuộc dự án. Thế nhưng, theo khẳng định của Chủ tịch UBND QTĐ Trần Công Lý thì Cty CPPTNTĐ đã được UBNDTP chính thức giao đất bằng QĐ số 4132/QĐ-UBND ngày 12-9-2006. Nhiều người dân nghi ngờ:“Thời điểm tháng 9-2006, Nghị định 181/CP đã có hiệu lực. Khoản 8 điều 130 của nghị định này nêu rõ: doanh nghiệp phải hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBNDTP mới ra QĐ giao đất. Rất có thể một số cán bộ của địa phương và sở ngành liên quan đã tiếp tay bằng việc xác nhận đền bù khống, giúp doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ để được TP giao đất, tương tự vụ tiêu cực đất đai vừa xảy ra tại huyện Hóc Môn”.
Ngay sau khi có QĐ giao đất, ngày 11-10-2006 ông Trần Công Lý ký liền ba QĐ cưỡng chế buộc bà Sẻ, bà Thanh và bà Lan giao đất cho Cty CPPTNTĐ. Việc cưỡng chế được thực hiện trong cùng ngày 31-10-2006. Cả ba bà Sẻ, Thanh và Lan cùng lên tiếng: “Do giá đền bù quá thấp, nhiều hộ dân còn đang khiếu nại. Thế nhưng ông Trần Công Lý chỉ ra QĐ cưỡng chế buộc ba gia đình chúng tôi giao đất, đồng thời đào xới cả ba ngôi mộ gia tộc...”. Nhìn thấy cảnh phá mồ mả, bà Lan bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu, trong khi đoàn cưỡng chế làm xong “nhiệm vụ” thì kéo vào nhà hàng cạnh dự án lai rai đến chiều. Luật sư Nguyễn Minh Tường khẳng định: việc UBND QTĐ cố tình áp giá đền bù và cưỡng chế giải phóng mặt bằng là không đúng với các quy định pháp luật hiện hành.

DỰ ÁN TÁI ĐỊNH CƯ HAY KINH DOANH KIẾM LỜI?
Dự án khu nhà tái định cư tại phường Bình Chiểu do Cty CPPTNTĐ được UBND QTĐ thỏa thuận địa điểm tại tờ trình số 224/TT-ĐĐ ngày 17-11-2001 với diện tích 222.793m2. Ngày 22-1-2002 Kiến trúc sư trưởng TP có văn bản số 235/KTST-QH cho rằng việc xây dựng khu nhà tái định cư phục vụ giải tỏa chợ đầu mối nông sản Thủ Đức mới là phù hợp. Văn bản nêu rõ: không được xây dựng nhà phố (ngang 4m) cũng như hạn chế tối đa xây dựng nhà liên kế có sân vườn; tỷ lệ xây dựng biệt thự đơn lập và chung cư cao tầng sẽ có hướng dẫn trước khi thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu đất.

http://www1.congan.com.vn/img_folder/2008/2/20080228/5b.jpg Một số cán bộ tham gia cưỡng chế thắp nhang trước các ngôi mộ bị giải tỏaVăn bản của Kiến trúc sư trưởng TP rõ ràng như thế nhưng khi UBNDTP ra QĐ tạm giao đất thì dự án trên đã biến thành khu nhà ở kinh doanh. Điều đáng lưu ý, văn bản đề nghị số 4033/TNMT-QHSDĐ của Sở Tài nguyên - Môi trường và QĐ tạm giao đất của UBNDTP được ban hành trong cùng một ngày 30-6-2004! Trong phương án bồi thường, do Phó chủ tịch UBND QTĐ Lê Văn Lộc ký ngày 18-11-2004, diện tích khu đất được giao là 212.508m2 trừ phần kênh rạch 24.370m2, còn 188.182m2 (có 2.634m2 là đất công). Theo phương án, Cty CPPTNTĐ sẽ xây dựng 619 căn nhà (gồm 108 biệt thự song lập, 285 biệt thự liên lập, 226 căn nhà liên kế vườn) cùng các công trình công cộng. Như vậy, dự án này thuần túy kinh doanh, ngược lại hoàn toàn với mục đích ban đầu là tái định cư. Người dân bị thu hồi đất phản ứng gay gắt: “Khi vận động dân giao đất để làm dự án công ích nhưng lấy được đất giá hời xong hô biến thành dự án kinh doanh thu lời không biết bao nhiêu mà kể! Mới đây Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CPPTNTĐ tặng vợ 68.500 cổ phiếu của công ty này trị giá tới 12 tỷ đồng. Ở đâu có nhiều tiền tặng “thả cửa” thế này?”.

Qua tài liệu và chứng cứ đã thu thập, chúng tôi nhận thấy việc bức xúc của người dân bị thu hồi đất dẫn đến khiếu tại, tố cáo khắp nơi là có cơ sở. UBNDTP vừa mới chỉ đạo UBND QTĐ kiểm tra theo dõi chặt chẽ và có báo cáo về tiến độ triển khai dự án đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của các hộ dân, báo cáo kết quả triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ xây dựng để UBNDTP xem xét.

Trong đơn khiếu nại đề ngày 25-2-2008, người dân bị thu hồi đất kiến nghị UBNDTP chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nhiều vấn đề có dấu hiệu sai phạm, tiêu cực như: cơ sở pháp lý để giao đất? Việc thu hồi đất, áp giá đền bù, cưỡng chế, xâm phạm mồ mả, thay đổi mục đích sử dụng biến dự án tái định cư thành dự án kinh doanh trục lợi...
VĂN CƯƠNG