PDA

View Full Version : Những "đại ca" nghĩa địa


safashion
19-10-2012, 03:21 PM
Chích ma tuý trong Nghĩa trang Gò Dưa.Ép gởi xe máy với giá 20.000đ/chiếc; tưới nửa can nước trên phần mộ gọi là "lau chùi, chăm sóc" để vòi 50.000đ...; đó là "nghề" béo bở của các "đại ca nghĩa địa". Dẫu biết bị "chém" như thế là quá uất ức, song hầu hết những người có phần mộ của thân nhân trong các nghĩa địa không dám hé răng kêu ca, vì sợ... người chết bị trả thù!
"Thế giới ngầm"...
Anh Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bức xúc cho chúng tôi biết: Ngày 27 Tết , anh cùng nhiều người khác đi viếng mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (khu vực thuộc phường Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã bị các “đại ca nghĩa địa” ăn chặn trắng trợn. Anh Ngọc kể: Chỉ còn đi vài bước chân là tới mộ người thân của anh, nhưng một số thanh niên ở nghĩa địa căng dây, nhất quyết buộc anh phải gởi xe mới được vào thăm mộ (ngày thường người dân vẫn chạy xe đến tận các ngôi mộ). Tưởng trật tự lòng, lề đường ở nghĩa địa được lập lại trong những ngày Tết, nhưng hóa ra đó là cái cớ để những người đi tảo mộ như anh bị "chém đẹp". Bởi lẽ, “giá” gởi 1 chiếc xe là 20.000 đồng. Đến khi vào thắp hương cho người quá cố, tự dưng có một thanh niên ở đâu không biết xách đến một xô nước dội rửa phần mộ của gia đình anh một cách qua loa rồi yêu cầu anh “trả công” 50.000 đồng. Lúc đầu, anh Ngọc nhất quyết không đưa số tiền trên, nhưng người thanh niên này đã gọi thêm 3 người khác đến hăm dọa và nâng số tiền lên là 100.000 đồng (gồm 50.000 đồng tiền công rửa mộ và 50.000 đồng trông coi mộ). Một người thanh niên cao to, mặt hằm hằm nói: “Bọn tui chăm sóc mộ cho gia đình ông, nếu ông không trả tiền thì sau này đừng có trách, người thân của ông ở đây cũng không yên mồ yên mả đâu...".

Trở lại nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào ngày 28/1 (tức ngày mùng 7 Tết), chúng tôi thấy nhiều sòng bài vẫn còn hoạt động rôm rả trong các ngôi miếu cũ hoặc dọc các lối đi. Lúc này người đi viếng mộ đã vãn. Một người đàn ông trạc tuổi 40 đang quanh quẩn trước một ngôi mộ còn đỏ nhang. Thoạt đầu, chúng tôi cứ tưởng đó là người đi tảo mộ nhưng nhìn chiếc xe đạp của người đàn ông (sau biết tên là Hòa) này có thể đoán anh ta đang làm nghề gì: hai can nước treo hai bên, một chiếc chổi gác dọc thân xe. Sau khi quét những nhát chổi cuối cùng ở ngôi mộ, người đàn ông đó tiến về phía một ngôi miếu cổ cạnh cây bồ đề gần đó. Trên ghi đông xe đạp của Hòa tòn ten một bịch trái cây. Ngay trong ngôi miếu cũ, một người đàn ông khác đang nằm ngủ với một bao tải lưng lửng bên cạnh. “Đó là ông anh làm cùng nghề với tui” - Hòa giới thiệu. Hòa cho biết, anh và “ông anh” làm nghề “chăm sóc” cho các phần mộ đã nhiều năm nay. Anh nói: “Tuỳ lòng hảo tâm, các thân chủ cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Tụi tui làm nghề này như làm... việc phước đức, làm sao mà đòi này hỏi nọ chứ! Vả lại, tụi tui “phụ trách” ở khu mộ “nhà nghèo” thì làm gì có nhiều tiền…”. Khi chúng tôi hỏi thăm ai "phụ trách” các phần mộ “nhà giàu”, anh Hoà né tránh: “Tụi tui không biết đâu. Ai làm việc nấy à” rồi lấm lét nhìn quanh...
“Tứ đổ tường” trong nghĩa địa
Chiều 29/1 (mồng 8 Tết), trong vai những người đi tìm mộ thân nhân, chúng tôi có mặt ở Nghĩa trang nhân dân Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (còn gọi là nghĩa trang Gò Dưa). Cạnh lối đi trong nghĩa trang, có một ngôi lều được dựng lên tự lúc nào không rõ. Đối diện ngôi lều, mấy thanh niên túm tụm đánh bài. Tuy vậy, mấy cặp mắt vẫn kịp quét theo chúng tôi. Ngay bắt đầu đoạn cua sang phải, chúng tôi suýt đụng phải hai thanh niên – một ngồi trên xe, một đứng trên đường. Người áo sậm xắn tay áo tự chích heroin vào cánh tay, vào bẹn của mình rồi quay lại chích cho người kia. Chích xong, họ vứt kim tiêm vào mấy bụi rậm, gò mả, “phê” một lát rồi rồ ga phóng đi. Đi tiếp một đoạn, chúng tôi lại gặp một lều bạt khác, trong đó cũng lố nhố người. Trước lều, có hai thanh niên đang vuốt ve mấy con gà chọi. Gần các lô 5, lô 6, có một nhóm gồm 5 người đàn ông và 1 người đàn bà đứng sẵn đấy. Một số người có vẻ như là xe ôm đang đợi khách. Thấy chúng tôi đi lòng vòng tìm kiếm, ba thanh niên đi theo chúng tôi, hỏi: “Mấy em kiếm mộ tên gì? Chết năm nào?”. Một người lớn tuổi nhất nhóm (khoảng 35 tuổi), mắt trái hơi bị đỏ, khẳng định: "Nói tên gì, ở đây tụi anh nắm hết. Nghĩa địa này rộng lắm, trên 22 héc-ta lận và chia thành 24 lô". Cũng theo lời của người thanh niên trên, mỗi lô trong Nghĩa trang này đều có 1 người làm “lô trưởng” và 2, 3 người phụ việc trông coi các phần mộ và nhận tiền từ thân nhân người chết. Lô nào có người nấy “phụ trách”, không ai được xâm phạm "lãnh địa" của ai. Về chuyện giá cả “chăm sóc” các phần mộ, người thanh niên trẻ vác cây chổi đi tới đi lui nói: “Trung bình mỗi tháng 30-40 ngàn đồng/ngôi mộ. Tính nguyên năm thì bớt chút đỉnh”. Thời công nghệ thông tin, nhiều “đại ca nghĩa địa” cũng đã trang bị cho mình những chiếc điện thoại di động để liên lạc với những người có mộ người thân trong này. Chả thế mà người thanh niên “già” hơn cả lúc đầu tiếp thị và gạ gẫm: “Khi nào muốn sửa sang phần mộ thân nhân thì cứ ở nhà điện trước, tụi anh có mặt ngay. Đặc biệt, ai cần xây mộ, xây lăng, bất cứ lúc nào cũng có tụi này!”. Anh ta nói thêm: Giá cả thì tùy mỗi gia đình, nhưng dĩ nhiên, tiền nào của nấy thôi!



“Người dân cần mạnh dạn phản ảnh, phối hợp chặt chẽ với công an”
Trao đổi với PV báo Thanh Niên, Trung tá Trần Duy Lâm - Trưởng Công an phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết:
Các bãi giữ xe trong nghĩa địa là do nhiều người dân lập ra, địa bàn rất rộng nên chúng tôi khó kiểm soát. Trong thời gian gần đây, bảo kê đầu gấu không còn tồn tại; các tệ nạn khác đã giảm nhiều trong nghĩa trang. Cái khó khăn nhất trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở đây là khu nghĩa trang rộng đến 30 - 40 ha. Trong đó, các con đường đất đỏ không có một bóng đèn nào cộng với người dân sinh sống chen lẫn trong nghĩa trang nên khó bảo đảm an ninh.
Sắp tới, bên cạnh kế hoạch lập bãi giữ xe chính thức, chúng tôi sẽ kiến nghị với Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh xây tường rào bao quanh nghĩa trang để có thể dễ dàng giữ gìn trật tự ở khu này. Tuy nhiên điều mà chúng tôi muốn cảnh báo là tâm lý của người thân có phần mộ ở nghĩa trang, do không tính toán với người chết nên đã chi các khoản không cần thiết, tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng làm tiền. Khoảng một năm nay chúng tôi chưa nhận được tin báo nào từ người dân về việc có kẻ trấn lột, ăn chặn ở nghĩa trang. Nhân đây chúng tôi mong muốn http://www2.vietbao.vn/images/vn45/phong-su/45146871-Duy-lam_A1%281%29.jpgTrung tá Trần Duy Lâm
người dân có mộ thân nhân cần mạnh dạn phản ảnh, phối hợp chặt chẽ với công an và các ban ngành để bọn xấu không có đất sống. Chúng tôi không phải đổ lỗi cho khách quan; những cái gì còn khiếm khuyết, sai sót thì chúng tôi sẽ tìm cách phối hợp để giải quyết tốt hơn.
Chiều 30/1 (mồng 10 Tết), tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, chúng tôi thấy có ít nhất 4 sòng bài vẫn đang hoạt động xôm tụ. Trước một ngôi mộ cổ kính, một cặp tình nhân đang ngả ngớn âu yếm nhau như chỗ không người. Có mấy người đàn ông bày đồ nhậu trên một ngôi mộ. Ở nhiều khu vực trong nghĩa trang này, khi chúng tôi vừa dừng xe đi thăm các ngôi mộ thì đều có người (phần lớn là phụ nữ) ra “hỏi thăm” đại loại những câu: Tìm mộ nào? Chết năm nào? Mộ đó xây chưa? Đã nhờ ai chăm sóc phần mộ đó chưa?... Trước lúc chia tay chúng tôi, họ còn dặn dò: “Khi nào cần người coi sóc mộ, cứ đến gặp chị nghe. Chị sống trong này luôn, gần cái ao đó”, “Tụi em thích cây gì, chị trồng... vào mộ cây ấy. Tất cả các công đoạn mà chỉ tốn khoảng 50 ngàn đồng/tháng; một năm có mấy trăm ngàn thôi. Giá cả tùy lòng hảo tâm mà. ”Nếu mỗi tháng, thân nhân người chết đóng tiền “hảo tâm” 50 ngàn đồng cho mỗi phần mộ thì không biết những “đại ca” này thu được bao nhiêu tiền từ nghĩa địa rộng bạt ngàn, mênh mông này?! Trên thực tế, trước những trò ăn chặn thường được khoác lên bằng những từ ngữ “làm từ thiện”, “hảo tâm”, không ít những gia đình có phần mộ người thân trong các nghĩa trang nói trên đều chọn “giải pháp” là... ngậm bồ hòn làm ngọt. Vì sao? “Họ là những thổ địa ở đó. Nếu mình không “nghe” lời họ, họ đập đồ, phá mộ người thân mình thì khổ hơn!”. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn có một Ban quản lý nghĩa trang trong sạch và tận tụy, muốn lực lượng công an và các ban ngành hữu quan ra tay triệt để để xử lý những “đại ca nghĩa địa” và “thế giới ngầm” của họ. Chị Tường Mai (Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.1, TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: "Chứng kiến sự nhũng nhiễu, những trò vòi tiền, hạch sách trong nghĩa địa, chúng tôi mới thấy hết cái việc hỏa thiêu sau khi chết là rất cần thiết. Hỏa thiêu vừa tiết kiệm quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp, vừa tránh những phiền toái lẽ ra không nên có cho cả người chết lẫn người đang sống".
Như Lịch - Võ Ba
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

caonguyen1
19-10-2012, 03:21 PM
tôi đang làm giám đốc điều hành kinh doanh cho công ty sino-life của hồng kông về mãng nghĩa trang, nhà tang lễ, tôi viết bài này là muốn cho mọi ngừoi biết nếu gia đình nào nghèo khổ quá mất rồi không có quan tài thì cứ liên hệ với tôi, tôi sẽ giới thiệu cho ông bạn của tôi cung cấp hoàn toàn miễn phí không tốn tiền, không cần công chứng giấy tờ nghèo khó gi hết, xin liên hệ: võ minh trầm: 0909826279: mail: tramflp@gmail.com , 36 hoa hồng 2 phừong 2 quận phú nhuận, địa chỉ công ty TRẦM đang làm.

bef34
19-10-2012, 03:21 PM
thật là vô pháp vô thiên ...lợi dụng người chết để trục lợi, làm những trò vô đạo đức bỉ ổi, bày ra các thú TNXH tại nghĩa trang thật đúng là hết nói .....nhìn mà ngán ngẩm