PDA

View Full Version : Con đường của Tập đoàn sữa độc Sanlu!!!


vungtau
18-10-2012, 04:39 PM
Con đường của Sanlu


Ông Trịnh Trần Lĩnh, tân chủ tịch Tập đoàn Sanlu, cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng tại cuộc họp báo ngày 18-9 ở Thạch Gia Trang - Ảnh: AP
TT - Vì sao Sanlu (Tam Lộc), một tập đoàn hàng đầu Trung Quốc (TQ) mà sữa họ sản xuất được người tiêu dùng TQ đặt trọn niềm tin, lại trượt dài dẫn đến những hậu quả đau lòng như thế cho cả một thế hệ trẻ em TQ? Câu hỏi lớn đang dằn vặt nhiều người TQ.


Tiền thân của Tập đoàn sản xuất sữa Sanlu là Hợp tác xã sản xuất sữa Hạnh Phúc thành lập năm 1956. Năm 1973, nhờ nghiên cứu và sản xuất thành công sữa bột nên đổi tên thành xưởng sản xuất sữa Thạch Gia Trang.

Đến năm 1984 lại đổi tên thành Công ty sữa thành phố Thạch Gia Trang. Năm 1993, doanh thu của công ty này đứng đầu toàn ngành. Năm 1996 chính thức thành lập Công ty cổ phần hữu hạn tập đoàn Sanlu Thạch Gia Trang.

“Bóng ma” melamine từ đâu?

Tiếng lành đồn xa. Tháng 12-2005, Tập đoàn Fonterra của New Zealand mua 43% cổ phần của Tập đoàn Sanlu, cũng ngay sau đó, Tập đoàn Sanlu được Tổng cục Kiểm tra chất lượng nhà nước TQ ban giấy chứng nhận “miễn kiểm” đối với sản phẩm sữa bột cho trẻ em trong thời hạn ba năm, tức đến tháng mười hai năm nay mới hết hạn. Tháng 1-2008, sữa bột thế hệ mới của Sanlu được nhận giải thưởng tiến bộ khoa học kỹ thuật bậc II. Đến tháng sáu năm nay, Sanlu trở thành nhà cung cấp sữa duy nhất cho các phi hành gia TQ, và cũng là đơn vị duy nhất sản xuất sữa uống cho ngành hàng không vũ trụ nước này.

Con đường đi lên của Sanlu rộng mở nếu trong sản phẩm của tập đoàn này không xuất hiện “bóng ma” melamine (C3H6N6) và nếu Sanlu không rẻ rúng lòng tin của người tiêu dùng dành cho mình. Tháng ba năm nay Tập đoàn Sanlu nhận được khiếu nại của người tiêu dùng vì uống sữa Sanlu mà trẻ bị sạn thận.

Bà Tiền Hòa, giáo sư Học viện Thực phẩm thuộc Trường đại học Giang Nam, chủ nhiệm phòng thực nghiệm trọng điểm về khoa học và an toàn thực phẩm của Bộ Giáo dục TQ, cho biết: chỉ tiêu quan trọng nhất của sản phẩm sữa là lượng protein. Tập đoàn Sanlu và một số công ty sữa khác của TQ khi nghiệm thu nguyên liệu sữa tươi chỉ phân tích tổng lượng đạm (tức nitrogen, N), từ đó tính ra hàm lượng protein trong sữa. Giáo sư Tiền Hòa chỉ ra vấn đề là từ đây.

Tại sao sữa tươi nhập xưởng phải qua 5-8 chỉ tiêu mà hàm lượng melamine lại không phải là chỉ tiêu được kiểm tra thường xuyên? Giáo sư Tiền Hòa cho biết những công ty giám sát chất lượng nghiêm túc nghiệm thu sữa tươi qua phân tích hàm lượng protein, nhưng Sanlu là doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng nhất lại kiểm tra tổng N rồi suy ra hàm lượng protein, chủ yếu để giảm chi phí!

Tập đoàn Sanlu và nhiều công ty sữa lớn của TQ đều có các nông trường nuôi bò lấy sữa. Tuy vậy họ cũng phải mua thêm ở các nông trường ngoài. Sữa tươi của các nông trường này sau khi vắt xong bán cho thương nhân, số thương nhân này đóng thùng và bán cho các công ty sản xuất sữa.

Một số thương nhân biết được các công ty mua sữa tươi chỉ căn cứ vào tổng lượng N trong sữa, nên cho nước vào sữa tươi để tăng thêm lượng, sau đó cho melamine vào để đảm bảo tổng lượng N “đạt tiêu chuẩn”, bởi N trong melamine cao. Melamine màu trắng, không vị, lại rất dễ mua trên thị trường. Một điều tra cho biết có trường hợp thương lái mua số sữa tươi nguyên chất chỉ hơn 500 NDT, sau khi “chế biến” như trên đã bán được trên 2.000 NDT.

Trong vụ sữa độc lần này người ta nắm được 26 tên phạm pháp, hiện đã bắt giam bốn tên trong đó. Qua khai báo có hai tên từ tháng 4-2005 đã bắt đầu cho chất melamine vào sữa, một tên có hành vi này từ tháng 11-2007, tên còn lại từ tháng 4-2008. Nêu lên thâm niên của bọn làm ăn phi pháp này để thấy được “sữa độc” của Tập đoàn Sanlu và một số công ty sữa khác của TQ không phải phát sinh gần đây, chỉ có điều gần đây mới xử lý.

Kế hoạch “bịt miệng” dư luận


Em bé 15 tháng tuổi này là nạn nhân của sữa Sanlu, đang điều trị tại một bệnh viện ở Thành Đô, Tứ Xuyên - Ảnh: AP
Vấn đề là khi phát hiện “bóng ma” melamine này, người ta đã chẳng làm gì để giảm thiểu tổn hại cho người tiêu dùng. Không chỉ thế, có những bằng chứng cho thấy ngược lại: người ta đã làm tất cả chỉ để bảo vệ lợi nhuận của nhà sản xuất.

Cụ thể, Sanlu nhận được khiếu nại của người tiêu dùng về trẻ em uống sữa Sanlu bị sạn thận từ hồi tháng ba, nhưng chẳng buồn bắt tay vào xử lý một cách triệt để. Tiếp đó, ngày 1-8 Sanlu nhận được kết quả kiểm tra biết được có melamine trong sữa, họ cũng không kịp thời thông báo cho xã hội.

Không chỉ thế, Sanlu từng có kế hoạch trả tiền để bịt miệng dư luận khi vụ xìcăngđan chớm xuất hiện. Ngày 28-9, báo Sunday Star-Times của New Zealand cho hay một biên bản ghi nhớ đề ngày 11-8 của công ty làm quan hệ công chúng (PR) cho Sanlu đã bị lộ trên blog của cư dân mạng TQ. Bản ghi nhớ này cho thấy những động thái đối phó của Sanlu khoảng hơn một tuần sau khi Fonterra, tập đoàn New Zealand sở hữu 43% cổ phần của Sanlu, được cảnh báo về vụ việc.

Biên bản này đề cập đến việc Sanlu đã đồng ý ký hợp đồng quảng cáo trị giá khoảng 436.000 USD với trang web tìm kiếm Baidu, đổi lại Baidu sẽ khóa những bài viết về sữa có melamine của Sanlu. Ngoài ra, công ty này còn tính đến chuyện “làm mọi cách để hòa giải với các nạn nhân, chấp nhận mọi yêu cầu của họ để buộc họ giữ im lặng trong ít nhất hai năm”.

Quản lý yếu kém

Mỗi ký sữa Sanlu có 2.563mg melamine

Cho đến nay, theo thông tin của Tổng cục Kiểm tra chất lượng quốc gia TQ, qua số liệu kiểm tra phân tích 69 đợt sữa trẻ nhỏ uống thì sữa do 22 doanh nghiệp TQ sản xuất có melamine, gồm các doanh nghiệp Sanlu, Yashili (Nhã Sĩ Lợi), Jili (Y Lợi), Mengniu (Mãnh Ngưu), Shengyuan (Thánh Nguyên)... Trong đó sữa của Sanlu là nghiêm trọng nhất, toàn bộ các mẫu đều có vấn đề, trong mỗi ký sữa của Sanlu có đến 2.563mg melamine (theo tiêu chuẩn thực phẩm của Mỹ thì mỗi ngày mỗi ký thể trọng của một người chỉ được phép đưa vào cao nhất 0,63mg melamine). Ông Trần Trúc, bộ trưởng y tế TQ, trong một cuộc họp báo gần đây nói: “Theo đánh giá về rủi ro của các chuyên gia, mỗi ký sữa dùng cho trẻ em chỉ cho phép hàm lượng melamine cao nhất là 15mg; còn đối với TQ, một trẻ em nặng 10kg nếu mỗi ngày uống 100-200gam sữa Sanlu, tức mỗi ngày bé ấy đã đưa vào cơ thể 250-500mg lượng melamine!”.


Các cơ quan quản lý cũng không thể phủ nhận sự yếu kém. Một điều làm nhiều người TQ không quên là tháng năm năm nay, Tổng cục Kiểm tra chất lượng quốc gia đưa ra danh sách các sản phẩm chất lượng tốt của 10 doanh nghiệp, trong đó có Sanlu. Nhưng qua kiểm tra hiện nay, gần như tất cả sản phẩm được biểu dương khi đó đều của những công ty bị phanh phui về vụ melamine vừa qua! Việc Tổng cục Kiểm tra chất lượng cấp “giấy phép miễn kiểm sản phẩm” cho sữa Sanlu là “một sơ hở về chế độ”, “là tấm huy chương vàng miễn chết” (lời giáo sư Tiền Hòa.

Hiện nay giấy phép này đã bị Quốc vụ viện bãi bỏ). Hai lần khiếu nại của phụ huynh và bác sĩ ngày 13-6 và 24-7 về trẻ bị sạn thận do uống sữa độc trên trang web của Tổng cục Kiểm tra chất lượng quốc gia cũng đã bị bỏ qua.

Về phần chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, ngày 2-8 sau khi nhận được báo cáo của Tập đoàn Sanlu và yêu cầu của phía New Zealand, họ cũng không kịp thời công bố cho công chúng biết…

Kể từ khi phát hiện bệnh nhân sớm nhất vào tháng ba năm nay cho đến tối 11-9 Bộ Y tế TQ mới ra thông báo ngừng dùng sữa Sanlu. Cho đến ngày 13-9, Quốc vụ viện TQ khởi động xử lý sự cố an toàn cấp I, xử lý sữa độc Sanlu, miễn phí chữa bệnh cho trẻ bị nhiễm, kiểm tra tất cả sản phẩm sữa trên thị trường thì đã có ba bé bị tử vong, nhiều bé bị bệnh vì sữa độc.

Trách nhiệm xã hội

Một sự kiện cách nay ba năm, giờ người ta nhắc lại để nói rằng không phải đến bây giờ Sanlu mới “có chuyện”. Khi đó trong sự kiện “sữa đầu to”, báo giới đã lên danh sách 45 xí nghiệp sản xuất sữa có vấn đề, trong đó có Sanlu. Nhưng chỉ sau 17 ngày Sanlu tự nhiên “biến mất” khỏi danh sách và bình yên vô sự.

Bí thư thị ủy Côn Minh Cừu Hòa cực lực phê phán báo chí lúc đó chưa làm trọn vai trò người bảo vệ sức khỏe cho xã hội. Ông nói: “Sanlu đâu phải là lực lượng siêu tự nhiên mà có thể chơi trội như thế, người ta sợ suy suyển đến danh tiếng của thương hiệu Sanlu chăng”.

Kể từ khi xìcăngđan nổ ra, Sanlu đã ngừng sản xuất và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Tờ Nhật Báo Trung Quốc cho hay Sanlu đã thu hồi hơn 10.000 tấn bột sữa, hoàn tiền hơn 103 triệu USD. Ngoài ra, tập đoàn này còn phải gánh chịu mọi chi phí y tế cho những em bé bị mắc bệnh vì uống sữa. Theo Tập San Chứng Khoán Trung Quốc, Cơ quan Quản lý và giám sát tài sản tỉnh Hồ Bắc bắt đầu thanh lý tài sản của Sanlu.

Cơ quan này cũng đang tìm một công ty tiếp quản Sanlu để 30.000 công nhân công ty này không lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, tập đoàn sản xuất sữa lớn của Trung Quốc là Beijing Sanyuan Foods Co. thông báo đã được chính phủ yêu cầu cân nhắc kế hoạch sáp nhập với Sanlu. Tên tuổi của Sanyuan đã nổi như cồn, doanh thu và giá cổ phiếu tăng vùn vụt sau khi kết quả kiểm tra khẳng định sản phẩm sữa của tập đoàn này không có melamine.

Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo nói phải “từ sự kiện này rút ra bài học”. Có quá nhiều bài học có thể học được từ sự kiện Sanlu.