PDA

View Full Version : Nghĩa trang giữa thành phố Vienna


bef34
18-10-2012, 04:39 PM
Rất nhiều du khách khi đến Vienna, thủ đô nước Áo, đã tìm ngay đến địa chỉ tham quan đầu tiên là... nghĩa trang thành phố. Trong một kỳ nghỉ hè vui vẻ cớ chi người ta lại muốn đến “thành phố buồn” nhỉ?!

http://www2.vietbao.vn/images/vivavietnam4/phong_su/40043536_38371sm.jpg
Khu mộ hồng quân Liên Xô hi sinh năm 1945


Chiêm bái vĩ nhân

“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng những tượng đài âm nhạc mà tôi biết từ thuở nhỏ…” - một cô gái trẻ người Hàn Quốc đứng thật lâu trước mộ nhà soạn nhạc Beethoven rồi bày tỏ nhẹ nhàng.

Cô tên Dong-Hee, 22 tuổi, sinh viên Trường đại học Kyung Hee ở Seoul. Một ước muốn của cô khi sang châu Âu du lịch mùa hè này chính là tìm đến nghĩa trang TP Vienna.

Dong-Hee nói cô là thế hệ hậu sinh, bao lần thưởng thức giai điệu của các thiên tài mà nay mới mãn nguyện khi được đặt một nhành hoa kính trọng lên mộ những Beethoven, Mozart, Johann Strauss…

Nhiều nhạc sĩ lỗi lạc gốc Đức như Brahms, Schubert cũng chọn an nghỉ tại Vienna.

Tất cả khiến khu mộ các nhạc sĩ thành nơi mọi người dừng chân lâu nhất khi đi thăm nghĩa trang Vienna.

Không gian xung quanh im ắng, có thể nghe được tiếng lá rơi. Ai cũng chân đi thật khẽ, lòng lặng thầm như đang tự lắng nghe qua hồi ức những bản giao hưởng số 40 hay 41 của Mozart, hoặc du dương với Dòng sông xanh của Strauss đang cất lên qua làn gió nhẹ…

Bà Josefin Britz, người Vienna chính gốc, hơn 20 năm qua luôn thường xuyên vô nghĩa trang để tưới hoa cho mộ giáo sư Nikolaus Britz, người chồng qua đời vào năm 1982.

Bà nói: “Tôi yêu không gian ở đây vì là nơi chồng tôi yên nghỉ, và còn vì những sắc màu: màu xanh của những hàng cây rợp mát, màu hoài niệm trên những lăng mộ vĩ nhân và màu thời gian trôi tính cho cả người đã khuất lẫn kẻ còn sống!”.


http://www2.vietbao.vn/images/vivavietnam4/phong_su/40043536_38372sm.jpg
Mộ Beethoven bên cạnh tượng đài Mozart


130 năm, 330.000 hầm mộ, 3 triệu quan tài

Nghĩa trang nằm ở đường Simmeringer Hauptstraße, quận 11, thành phố Vienna, có diện tích 240ha, là nghĩa trang lớn thứ nhì châu Âu (sau nghĩa trang Ohlsdorf tại Hamburg, Đức). Những phần mộ đầu tiên được chôn cất tại đây vào tháng 11-1874.

Tại cổng vào có bồn hoa đẹp kết thành số 130 nổi bật, đánh dấu quá trình lịch sử 130 năm hình thành nghĩa trang này.

Cho đến năm 2004 nghĩa trang có khoảng 330.000 hầm mộ, là nơi yên nghỉ của 3 triệu người quá cố. Nghĩa trang rộng, nhưng dần dần tấc đất trở thành tấc vàng. Để làm chậm tốc độ diện tích đất trống bị “hẻo” dần, biện pháp qui hoạch “hộ khẩu” hiệu quả nhất ở đây chính là những lăng mộ gia đình.

Hầm mộ được đào rất sâu dưới lòng đất để đủ chỗ an táng lần lượt cho các thành viên qua nhiều đời con, cháu, chắt... của gia đình đó theo từng tầng nấc một trên cùng một mảnh đất.

Phần lộ thiên bên trên chỉ cần xây một tấm mộ bia thật cao to, vững như bàn thạch, khắc tên của dòng họ làm “maquette” nổi bật nhất rồi bên dưới cứ thế mà điền tên từng người trở về với cát bụi mỗi tháng năm.

Cho nên trên cùng một bia đá có khi dòng chữ chìm nổi này phai màu sương gió, dòng kia màu nhũ lại mới tươi nguyên.

Tọa lạc giữa trung tâm nghĩa trang là nhà thờ Lueger Memorial và vòng cung chính diện làm nơi an nghỉ của các vị vua lâu đời của Áo như Rudolf hay Karl Renner. Xung quanh nhà thờ này là phần diện tích dành cho mộ các quan chức cao cấp trong chính quyền Áo (tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng...).

Linh cữu mới nhất thuộc số nhân vật quyền lực được đưa vào an táng tại đây chính là của Thomas Klestil. Trong lễ di quan vị cựu tổng thống Áo này đến nghĩa trang Vienna ngày 10-7-2004 có mặt Tổng thống Nga V. Putin và thống đốc bang California kiêm diễn viên điện ảnh Mỹ gốc Áo Arnold Schwarzenegger.

Nghĩa trang Vienna vốn là nơi chôn cất những bậc vương quyền quí tộc, gia đình giàu có thời xưa. Các lăng mộ đối tượng này thường chạm trổ lộng lẫy, bia khắc cầu kỳ, có cổng rào ngăn cách tạo khu biệt lập riêng.

Theo thời gian, các phần mộ vương quyền quí tộc phủ đầy bụi, không hiểu sao chẳng ai chùi rửa hay quét sạch; còn những lăng mộ xây dựng cầu kỳ thì cũng không thoát khỏi cảnh xỉn màu, tàn phai dần dần.

Trong mắt chúng tôi, nghĩa trang Vienna không gây ấn tượng cho du khách lắm từ những lăng mộ phô trương uy quyền, danh tiếng và sự giàu có ấy.

Sức sống từ vùng đất chết

Trái lại du khách bất ngờ vì sự phong phú và sáng tạo mà những người tuy đã thành thiên cổ vẫn khiến cõi trần nghiêng mình thú vị.

Rất nhiều phần mộ tưởng chừng vô tri ở đây lại thật sự là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho dù nó thật đơn giản, có thể tải một thông điệp cụ thể dễ hiểu nào đó hoặc “xìtin” (style) trừu tượng. Điều này làm cho cõi vĩnh hằng ở Vienna bật một sức sống mãnh liệt.

Có một khối gạch dài nằm xuôi thẳng đuột tự nhiên trên nền cỏ xanh, bên dưới một hàng chữ mảnh “Ernst Krenek 1900-1991” (một nhà soạn nhạc cổ điển tài ba - chú thích của NV), thế là xong. Một cột bia chĩa lên trời, vòng ngang một dây xích sắt nối mũi mỏ neo tàu đã hoen gỉ theo thời gian, viết gọn: “Wohlgemuth - thuyền trưởng” (mất năm 1896).

Mộ của nhà làm phim Ernst Jandl (1925-2000) chỉ là một tảng đá to màu nâu đỏ và dăm hòn đá nhỏ đặt bên nhau trên bề mặt một khối vuông! Có bia mộ khắc lên khuôn nhạc bảy nốt nội dung Ôi yêu lắm Vienna của tôi (Leo Lehner & H. Kroemer), hay Kẻ rong chơi nơi thành Vienna vui vẻ (Cark Lafite) làm tôi nhớ đến bản nhạc và lời bài hát Tự nguyện được khắc trang trọng trên phần mộ cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh ở nghĩa trang TP.HCM.

Và tôi đã dừng lại rất lâu trước khu mộ tập thể của quân đội Xô viết tọa lạc ngay phía sau nhà thờ Lueger Memorial. Lối vào khu này có hai bức tượng chiến sĩ hồng quân đối xứng, chỉ khác là tượng bên trái cúi đầu tưởng niệm, tượng bên phải ngẩng đầu hiên ngang bất khuất giữa trời xanh.

Khoảng 500 mộ bia đá thô sơ giản dị giống hệt nhau, dựng thật đều theo từng hàng. Có mộ vô danh, có mộ chỉ ghi tên và năm chiến sĩ hi sinh - hầu hết là 1945, năm hồng quân tiến sang phía Tây tiêu diệt tận gốc phát xít Đức.

Trong nắng chiều phủ vàng, khu bia mộ hồng quân chợt bừng sáng. Từng dãy bia san sát nhau thành dãy thẳng tăm tắp, kết hợp lại trông đẹp và oai hùng như đội hình đoàn quân duyệt binh.

Nơi đài tưởng niệm quân đội Xô viết trong Chiến tranh thế giới thứ hai giữa nghĩa trang thành phố Vienna có một bồn hoa trồng theo hình ngôi sao năm cánh. Màu hoa luôn rực đỏ.