PDA

View Full Version : Nước Pháp đối mặt "cái chết êm ái"


huda
18-10-2012, 04:36 PM
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=249373

TT - Ngày 12-3, một tòa án ở Pháp đã nhận lá đơn đầu tiên của một công dân xin được chết. Trước đó, công dân này cũng gửi lời thỉnh cầu tới Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trên sóng truyền hình France-2.

Bệnh không thể chữa

Công dân đó là bà Chantal Sebire, cựu giáo viên 52 tuổi. Bà Chantal mắc chứng bệnh mang tên esthesioneuroblastoma, một loại khối u ác tính tấn công cơ thể từ khoang mũi. Căn bệnh đã cướp đi gần hết ngũ giác của bà. Hãng tin AFP tường thuật lời người phụ nữ đang sống ở Plombières-les-Dijon (miền trung nước Pháp) này: "Năm 2000, tôi mất đi vị giác và khứu giác, sau đó khối u phát triển và ăn cả quai hàm trước khi tấn công hốc mắt. Tôi bị mù từ tháng mười năm ngoái".

Tại Mỹ, trường hợp "bác sĩ tử thần" Jack Kevorkian (bang Michigan) từng "giúp" 130 bệnh nhân ra đi cũng là một thực tế. Ông này vừa được tự do trước thời hạn (tháng 6-2007) sau khi ngồi tù tám năm (bản án tới 25 năm). Hiện ở Mỹ cũng chỉ có bang Oregon cho phép an tử.

Căn bệnh đã gây cho bà những cơn đau khủng khiếp, mỗi cơn có thể kéo dài tới bốn giờ. Chantal kể bà đã tới nhiều bác sĩ, nhưng chỉ có hai nhà phẫu thuật thần kinh chấp nhận điều trị cho bà, để đều kết luận đây là căn bệnh vô cùng hiếm và bất trị. Theo tìm hiểu của bà Chantal, trên thế giới chỉ có 200 người mắc bệnh như bà trong 20 năm qua.

Người đàn bà bất hạnh trong lời thỉnh cầu lên Tổng thống Sarkozy đã nói: "Ngay cả thú vật, người ta cũng không để phải chịu đựng như tôi đang chịu đựng" và cầu xin tổng thống cho bà được "ra đi xứng đáng". Tức là được chết nhanh (thay vì chết dần mòn), trong tỉnh táo (thay vì phải để lâm vào hôn mê), bên cạnh người thân, bạn bè.

Vấn đề là hiện ở Pháp, giống như nhiều nước trên thế giới, chưa cho phép "cái chết êm ái" hay "an tử" (euthanasia). Cho đến nay, chỉ mới có Hà Lan (hợp pháp hóa euthanasia năm 1984) và Bỉ (năm 2002) cho phép an tử với những điều kiện nghiêm ngặt. Gần đây, tháng 2-2008, Quốc hội Luxembourg đã thông qua dự luật cho người dân "quyền được chết", dự kiến có hiệu lực mùa hè này.

Nan giải về đạo đức

Trên lý thuyết là thế, nhưng ở một số nước Tây Âu đang tồn tại thực tế các bác sĩ "giúp" bệnh nhân chấm dứt cuộc sống đớn đau vì những căn bệnh nan y. Một thống kê ở Ý công bố trong báo cáo của Hiệp hội Bác sĩ quốc gia, cho biết khoảng 0,7% bác sĩ Ý thừa nhận đã tiến hành an tử.

Cuộc tranh luận về an tử ở Ý đã càng ồn ào hơn từ trường hợp nhà thơ, bệnh nhân 60 tuổi Piergiorgio Welby. Bị teo cơ làm liệt các ngón tay, gây đau đớn và hạn chế nhiều trong giao tiếp, tháng 9-2006 nhà thơ gửi thư lên Tổng thống Giorgio Napotalino xin được chết. Lá thư đã gây xúc động sâu sắc, khiến Tổng thống Napotalino mời các chính khách, chuyên gia Ý cùng bàn bạc.

Sau đó, một tòa án Ý được yêu cầu ra phán quyết, nhưng họ lại chuyển hồ sơ về quốc hội với lý do họ không tìm ra luật nào chi phối trường hợp này. Ngày 20-12-2006, bác sĩ điều trị của Welby là Mario Riccio khẳng định do yêu cầu của Welby không bị một cản trở pháp lý nào đã tắt máy trợ thở. Cái chết của Welby không giải quyết được câu hỏi khó này cho nước Ý, thậm chí càng gây chia rẽ nhiều hơn.

Trong khi một số người khẳng định cái chết là sự giải thoát cho Welby, thì những người khác gọi bác sĩ Riccio là kẻ sát nhân. Nhà thờ từ chối phục vụ các nghi thức tôn giáo cho lễ tang Welby và gia đình phải tổ chức một lễ tang dân sự, theo Wikipedia.

Trở lại trường hợp của bà Chantal, theo RIA Novosti, luật sư của bà là ông Giles Antonovic khẳng định đây là trường hợp đầu tiên ở Pháp, và đề nghị áp dụng "luật về quyền bệnh nhân" ở Pháp. Theo luật này, người mắc bệnh nan y có quyền khước từ các biện pháp kỹ thuật kéo dài cuộc sống của họ. Bằng cách đó, họ có thể rơi vào hôn mê và qua đời chỉ sau 10-15 ngày. Cái chết này, theo ông, về kỹ thuật không phải là an tử. Tòa án Paris sẽ phải ra phán quyết khó khăn này vào ngày 17-3.