PDA

View Full Version : Chính xác điều gì đã xảy ra cho nền kinh tế Hoa Kỳ?


aulachongvn
18-10-2012, 04:35 PM
Giấc mơ “nóng bỏng”


Theo New York Times ngày 12-2-2008, hiện có đến 4% số vụ cầm cố nhà đã bị “kéo nhà”

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248302

TTCT - “Vào mùa hè năm 2007, thị trường nhà cửa Hoa Kỳ co lại thê thảm hơn nữa, các thị trường tín dụng (credit market) cũng chao đảo. Chính phủ và Quĩ Dự trữ liên bang (FED) đã cùng lúc đưa ra những biện pháp độc lập nhằm đối phó với bài toán cầm cố vay nợ thiếu độ tín nhiệm (subprime mortgage) cùng những chao đảo của thị trường tài chính...

Với chương trình FHASecure, Cơ quan Gia cư liên bang (FHA) nay có thêm khả năng tái tài trợ không những chỉ cho những ai đang cầm cố nhà cửa song vẫn còn trả nợ được, mà cả cho những ai đã vỡ nợ cầm cố. Còn với chương trình Hope Now, chính phủ khuyến khích các chủ nợ, các tư vấn cầm cố, các nhà đầu tư nhận dạng những con nợ đáo hạn sắp vỡ nợ, nhằm giúp gia đình họ được lưu cư.

Trước các nguy cơ đe dọa nền kinh tế, cụ thể là sự sụp đổ của các thị trường tài chính, FED đã đáp ứng bằng cách tăng lượng tiền mặt và hạ lãi suất; đồng thời giải quyết các vấn đề của thị trường subprime mortgage market (tạm dịch: “cầm cố dưới chuẩn tín nhiệm”) bằng cách đưa ra các qui định giám sát mới bảo vệ người tiêu dùng và hướng dẫn mới cho các cơ sở tín dụng”. (ERP, tr.51).

Đoạn trên đây từ trong Báo cáo kinh tế của tổng thống (Economic report of the president, ERP) gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ tháng hai vừa qua, đề cập các thị trường tín dụng và nhà cửa tại Hoa Kỳ. Nó phần nào tóm tắt những gì đã và đang xảy ra với nền kinh tế Hoa Kỳ cùng những động thái của Chính phủ Hoa Kỳ và FED (có thể hiểu như là Ngân hàng Trung ương) đã và đang làm để can thiệp nhằm cứu hai thị trường tín dụng và nhà cửa. Mối quan hệ qua lại nay trở thành “chết người” giữa thị trường tín dụng và thị trường nhà cửa. Và đây chính là cái rốn của cơn bão kinh tế tài chính Hoa Kỳ hiện nay.

Nợ nần và chữ tín là một

Hơn bất cứ nền kinh tế nào khác, nền kinh tế Hoa Kỳ hoạt động trên nợ nần và chữ tín mà cả trong tiếng Anh hay tiếng Pháp đều gọi là credit. Người Mỹ sống, mua chịu, tiêu chịu và thanh toán bằng thẻ nợ (thẻ tín dụng: credit card). Chữ tín đó được đo lường bằng độ tín nhiệm (credit score) trong thanh toán. Có một dạo trên trang chủ Yahoo! US, ở góc trái có một box với tiêu đề “Rate your credit score”, giúp người ta tự đánh giá độ tín nhiệm của mình. Nửa năm nay không còn thấy box này nữa do tình thế đã thay đổi.

Việc “mua chịu, tiêu chịu” này đã trở thành toàn cầu. Một du khách người Việt vào một siêu thị Mỹ hay nước ngoài nào khác, khi tính tiền chỉ cần đưa ra một thẻ Visa hay Master Card phát hành bởi một ngân hàng nào đó của VN xa lắc xa lơ, cũng được người thu ngân “hân hạnh phục vụ”. Các tập đoàn thẻ tín dụng uy tín toàn cầu này sẽ thanh toán cho siêu thị đó, cô thu ngân cứ yên tâm chấp nhận cái thẻ của ông khách xa lạ đó. Còn bất cứ điều gì gian trá xảy ra sau đó, các tập đoàn này sẽ giải quyết với ngân hàng kia, rồi từ ngân hàng đó với ông khách kia.

Khi người người mất độ tín nhiệm...


Một căn nhà trong số hàng ngàn căn nhà khác được rao bán tại bang Washington
Khái niệm nợ kiêm chữ tín (credit) đã mang tính cách dây chuyền, và khi một mắt xích nào đó (thường là ở đầu cuối tức chủ thẻ) mất chữ tín, tức mất độ tín nhiệm, mất khả năng thanh toán thì sẽ gây thiệt hại cho cả dây chuyền. Nguy cơ là từ chính sự quyến rũ của thẻ tín dụng: cứ thoải mái chi tiêu, mua sắm mà không cần móc tiền mặt trong túi ra trả, lại chẳng cần phải trả hết các khoản chi tiêu tháng trước, mà chỉ cần trả số tiền tối thiểu ghi trên giấy báo nợ của ngân hàng phát hành thẻ. Các cơ sở phát hành thẻ cũng thích chủ thẻ, tức con nợ, trả từ từ để “ăn” tiền lãi.

Một người có thể có nhiều thẻ cùng một lúc là rất thông thường cho đến giữa năm ngoái. Trên yahoo mail (Yahoo! US) cho đến cuối năm ngoái vẫn còn nhan nhản những mail (thư điện tử) với tiêu đề “Bạn được cấp một thẻ tín dụng đấy!”, thậm chí chiêu dụ lộ liễu hơn nữa “Bạn mất độ tín nhiệm rồi à? Chúng tôi vẫn có một thẻ tín dụng cho bạn!”. Các hãng phát hành thẻ tín dụng cứ thế mà “nhào vô”. Thành ra, chính các cơ sở phát hành thẻ này là nguyên nhân đầu tiên của tai họa tín dụng ngày hôm nay.

“Đồng phạm” với các cơ sở tín dụng này là chủ thẻ, tức con nợ. Vấn đề ở chỗ: do tiêu pha thoải mái, tiêu trước trả sau nên thẻ càng “lớn” cám dỗ và nguy cơ càng cao. Nếu như đó là một thẻ gold (vàng) có giá trị đến 5.000 USD, món nợ sẽ mắc phải cũng có thể lên đến con số đó, nếu như cứ nhắm mắt vung tay. Khổ nỗi, nhiều người có đến cả tá thẻ nên càng tiêu pha bằng nhiều thẻ cùng một lúc, để rồi đến lúc tổng số nợ lên đến con số “không thể tưởng tượng được”, cả chục ngàn USD hoặc vài chục ngàn, vượt quá khả năng trả nợ, thậm chí trả lãi hằng tháng còn không xong. Vấn đề nghiêm trọng ở Hoa Kỳ là do hầu như cả nước đều tiêu trước, trả sau.

Thật ra, ở Hoa Kỳ việc chi trước, trả sau này hoạt động trên các nguyên tắc rất chi li. Mỗi người đều được “cân đo” độ tín nhiệm của mình bởi một số tổ chức chuyên ngành căn cứ trên “lịch sử thanh toán” của người ấy. Có hẳn một đạo luật mang tên “The fair credit reporting act” (luật về việc báo cáo trung thực độ tín nhiệm). Độ tín nhiệm thường được xếp từ 300-900. Độ tín nhiệm trung bình toàn quốc ở Mỹ hiện nay là 692. Được xem là có độ tín nhiệm tốt khi đạt 700 hoặc hơn. Trong thực tế, hiện chỉ có 13% dân số Mỹ có độ tín nhiệm trên 800, 58% dân số có độ tín nhiệm trên 700; ngược lại, có đến 15% dân số có độ tín nhiệm thấp hơn 550, tức dưới trung bình.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=248304

Độ tín nhiệm này rất quan trọng do lẽ chính nó sẽ quyết định lãi suất cao hay vừa phải mà người muốn vay nợ phải trả. Ai có độ tín nhiệm thấp, 520 điểm chẳng hạn, sẽ phải chịu lãi suất cao hơn người có độ tín nhiệm ở mức 720 điểm từ 3-4%. Nếu biết rằng lãi suất vay mua nhà (thấp nhất), thanh toán trong 15 năm, hiện đang là 5,55% sẽ thấy lãi suất từ 3-4%, mà người có độ tín nhiệm thấp phải chấp nhận trả thêm là rất cao.

Các trường hợp vay tín dụng khi không còn độ tín nhiệm này gọi là subprime loan, tức khoản vay dưới chuẩn tín nhiệm (không phải là “tín dụng thứ cấp”). Rất dễ bị liệt vào hàng ngũ mất độ tín nhiêm này: chỉ cần có hai món nợ quá hạn 30 ngày trong thời gian 12 tháng qua hoặc chỉ một món nợ quá hạn đến 90 ngày trong thời gian 36 tháng qua. Một khi bị liệt vào nhóm “quá hạn” này, lãi suất áp dụng cho thẻ tín dụng “dưới chuẩn tín nhiệm”

(subprime card) thấp nhất là từ 9,9%/năm, và nếu càng mất độ tín nhiệm, lãi suất sẽ càng cao, có khi lên đến 24,4%. Theo Wikipedia, hiện có đến 25% dân chúng Mỹ rơi vào nhóm “dưới chuẩn tín nhiệm” này. Bởi thế, cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại ở Mỹ được gọi là “subprime loans crisis”, tức khủng hoảng do các khoản nợ vay “dưới chuẩn tín nhiệm”.

Cầm cố là... tiêu luôn!

Cuộc khủng hoảng nhà cửa hiện nay ở Mỹ được gọi là “mortgage crisis” (khủng hoảng thế chấp hay khủng hoảng cầm cố). Muốn mua nhà thì phải vay nợ, lấy chính căn nhà mua ra làm vật thế chấp tức là cầm cố.

Trong nguyên gốc từ “cầm cố” này cũng khá thú vị. Nó tương ứng với từ mortgage trong tiếng Anh. Từ này lại có gốc gác từ mortgage của tiếng Pháp cổ (thế kỷ 13) gồm hai chữ mort (chết) và gage (thế chấp) ghép lại, là “đem cầm cố là tiêu luôn”. Lý do là con nợ thường không trả nổi nợ (thời xưa lãi suất rất cao).

Chuyện vay nợ mua nhà này rất bình thường nếu như không xảy ra tình trạng người người mua nhà “với hi vọng sau này bán lại giá cao”. Oái oăm là hiện nay nhà “dội chợ”, chỉ có người bán, không có người mua. “Ngậm” căn nhà thì sẽ không chịu nổi lãi suất: vay 500.000 USD với lãi suất 4% thanh toán trong 30 năm, mỗi tháng phải trả 2.400 USD. Bán không được, biết lấy gì trả nợ? Mất khả năng thanh toán, chạy vạy giải chấp thì lãi suất sẽ còn cao hơn rất nhiều, lại càng mất khả năng thanh toán hơn nữa. Nhà bị “kéo” (tịch biên) là khó tránh khỏi. Theo New York Times ngày 12-2-2008, hiện có đến 4% số vụ cầm cố nhà đã bị “kéo nhà”.

Thế nhưng, nếu chỉ chừng đó, cuộc khủng hoảng vẫn còn nhẹ. Các chủ nợ xiết nhà xong nhưng không phát mãi được cũng “tan xác”. Cả trăm cơ sở cho vay kiểu đó đã tuyên bố khánh tận khiến cả thị trường tín dụng tan nát.

Tuần báo Time số đề ngày 13-6-2005 đã sớm cảnh báo những bất trắc có thể xảy ra từ giấc mơ “nóng bỏng” này.